Thế giới tâm linh bí ẩn qua những chiếc mặt nạ

Cuốn sách ảnh Mask của phóng viên ảnh tư liệu Chris Rainier đã mang đến cho độc giả cái nhìn mới về sự kết nối giữa những chiếc mặt nạ và các nghi lễ tâm linh trên khắp thế giới.

Niềm đam mê với mặt nạ dùng trong các nghi lễ của Chris Rainier đã được nhen nhóm từ giữa những năm 1980. Trong một chuyến đi chụp ảnh tới New Guinea, Rainier đã bắt gặp thành viên của một bộ lạc khi anh ta đang mang một chiếc mặt nạ trang trí bằng lông vũ của chim thiên đường.

Mặt nạ mỏ quạ của người bản địa Tlingit tại Alaska. Ảnh: Chris Rainier.
Mặt nạ mỏ quạ của người bản địa Tlingit tại Alaska. Ảnh: Chris Rainier

Sau cuộc gặp gỡ tình cờ nhưng đầy ấn tượng, Rainier đã dành thêm 10 năm để tìm hiểu về các bộ lạc và truyền thống trên hòn đảo này. Say mê với mặt nạ và thế giới tâm linh của các dân tộc, nhiếp ảnh gia 61 tuổi đã đưa ra một quyết định lớn lao tại thời điểm đó: “Tôi quyết định rằng tôi muốn lần theo dấu chân của các loại mặt nạ truyền thống trên khắp thế giới”.

Ông đã thực hiện được đam mê của mình, ghi lại những bức chân dung ấn tượng của các pháp sư Mông Cổ, những thầy tu người Bhutan và nhiều người khác đeo mặt nạ trong các nghi lễ ở khắp sáu châu lục.

Cuốn sách mới của ông, có tựa đề đơn giản là Mask, đã mang đến cho độc giả hơn 130 khuôn hình thể hiện rõ nét sự đa dạng và nét độc đáo của từng chiếc mặt nạ cũng như vai trò của chúng.

Cuốn Mask của tác giả Chris Rainier đã ra mắt ngày 24/9. Ảnh: Amazon.
Cuốn Mask của tác giả Chris Rainier đã ra mắt ngày 24/9. Ảnh: Amazon

Được sử dụng trong các lễ vỡ lòng, đám cưới hay các nghi lễ mừng tuổi trưởng thành, những chiếc mặt nạ đại diện cho các vị thần, những con vật thiêng hay tổ tiên của họ. Một số chiếc mặt nạ có vẻ ngoài nhẹ nhàng, mang lại cảm giác bình yên, nhưng một số khác thể hiện sự dữ dội, như những con quỷ mắt rộng và những con thú có răng sắc nhọn.

Bên cạnh những hình ảnh quen thuộc của các samurai Nhật Bản và mặt nạ đầu lâu được sử dụng trong Ngày của người chết ở Mexico, cuốn sách của Rainier cũng chú ý tới nền văn hóa của các bộ lạc xa xôi. Trong chuyến du hành của mình, Rainier thậm chí đã đến một vùng nông thôn của Áo, vào đêm trước ngày lễ Thánh Nicholas, để chứng kiến lễ hội kết hợp giữa tín ngưỡng của Kitô giáo và ngoại giáo bằng cách đeo mặt nạ “krampus” nửa quỷ nửa dê.

Mặt nạ của người dân bản địa phía nam Sri Lanka. Ảnh: Chris Rainier.
Mặt nạ của người dân bản địa phía nam Sri Lanka. Ảnh: Chris Rainier

Tiêu chí duy nhất mà Rainier đưa ra là những chiếc mặt nạ ông chụp vẫn đang được sử dụng trong các nghi lễ ngày nay: “Tôi muốn chia sẻ với độc giả về việc chúng vẫn đang hiện hữu trong cuộc sống. Đó không chỉ là những mảnh gỗ hay tấm vải được đặt bên trong tủ kính tại bảo tàng địa phương của bạn“.

Lo lắng khi nhiều nghi thức tâm linh đang ngày càng trở nên không được quan tâm, Rainier tự nhận mình đang ở trong một “cuộc đua với thời gian, khi sự hiện đại – như một cơn sóng thần – càn quét khắp thế giới.

Rainier bày tỏ thêm: “Tôi nhận thấy vai trò của mình là một nhiếp ảnh gia lưu giữ các giá trị truyền thống. Các bức ảnh có thể đóng một vai trò thực sự mạnh mẽ trong việc hồi sinh, duy trì và phát triển các nét truyền thống trên toàn thế giới.

Minh Hoa

Theo Zing.vn

 

Cùng chuyên mục