Giá hàng hóa tăng, người tiêu dùng lo lắng

Gần 1 tuần nay, nhiều người dân buộc phải thắt chặt mức chi tiêu khi giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu cũng như các dịch vụ tăng lên đáng kể và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhất là khi Tết Nguyên Đán 2020 đang đến gần.

Giá cả nhiều mặt hàng tăng liên tục trong thời gian qua khiến người tiêu dùng lo lắng khi Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang đến gần. (Ảnh chụp tại chợ Mới). Ảnh: MẪU ĐƠN
Giá cả nhiều mặt hàng tăng liên tục trong thời gian qua khiến người tiêu dùng lo lắng khi Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang đến gần. (Ảnh chụp tại chợ Mới). Ảnh: MẪU ĐƠN

Phải trả 40.000 đồng cho một tô miến lươn đồng ở một quán ăn sáng trên đường Lê Thanh Nghị, chị Phạm Thị Thu Hoài (trú quận Hải Châu) xuýt xoa: “Mới giữa tháng trước, cũng quán này tôi chỉ trả 35.000 đồng/tô, nay đã tăng lên thêm 5.000 đồng. Chủ quán bảo do giá thịt heo và các loại rau xanh tăng mạnh nên phải tăng giá để bù chi phí”. Tương tự, anh Bùi Huy Dũng (trú quận Cẩm Lệ) cho biết, bản thân khá “sốc” khi vừa ăn tô bún bò có mức giá 45.000 đồng trên đường Đống Đa, dù trước đó tô bún chỉ dao động từ 25.000-30.000 đồng/tô. Đây là thực tế chung trong vài tuần nay khi giá cả nhiều mặt hàng tăng cao, kéo theo nhiều loại dịch vụ, trong đó có ăn uống, liên tục tăng lên.

Một mặt hàng thiết yếu có sức tiêu thụ mạnh trong dịp cuối năm đó là gạo nếp cũng tăng từ 15 – 25% so với thời điểm tháng 11. Bà N.T.L, chủ đại lý lương thực thực phẩm lớn trên đường Trưng Nữ Vương cho biết, trong khi giá gạo thường vẫn giữ mức ổn định thì gạo nếp liên tục tăng giá, nhất là các loại nhập khẩu như nếp Lào, nếp Thái. Hiện giá nếp Lào đã tăng lên 17.000 đồng/kg, nếp Thái lên 17.500 đồng/kg trong khi hồi cuối tháng 11 chỉ 14.000 đồng/kg và 14.500 đồng/kg các loại.  Bà L. cũng nói thêm rằng, nhiều năm nay giá gạo nếp ít khi tăng mạnh như hiện tại, một phần nguyên nhân do các đơn vị lớn gặp nhiều khó khăn trong việc nhập hàng.

Hàng hóa tăng giá khiến chi phí nguyên liệu đầu vào liên tục nhích lên cũng làm khó nhiều người kinh doanh nhỏ lẻ, vì thời điểm này người kinh doanh phải hoàn tất các đơn hàng để chuẩn bị đợt cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Bà H.T.H, chủ cơ sở làm nem chả trên đường Hoàng Diệu cho hay, bà vẫn chưa thể chốt mức giá bỏ sỉ do giá thịt heo, bò liên tục tăng cao và để bù chi phí, bà phải tính đến phương án tăng giá từ 5-7%. Thế nhưng, đây sẽ là quyết định mạo hiểm vì nếu tính toán không kỹ sẽ dễ thua lỗ.

Theo thông tin của bà H., không ít lò làm nem chua, chả trên địa bàn thành phố đã báo tăng giá cho mùa Tết Nguyên đán năm nay. Tương tự, chị Mai Thị Hoa, một người kinh doanh các mặt hàng như giò, chả, nem… qua mạng Internet cũng bày tỏ lo ngại về mùa mua bán Tết này sẽ không có lãi như năm ngoái. Nguyên do là giá thành mỗi sản phẩm nhập vào đều tăng từ 10.000 đồng/kg trở lên, cá biệt có món tăng lên 80.000 – 100.000 đồng/kg, ví dụ như món thịt heo khô đã tăng lên lên 90.000 đồng/kg (giá nhập vào).

Việc tăng giá đã làm giảm sức mua tại một số chợ lớn như: chợ Đầu mối Hòa Cường, chợ Cồn, chợ Đống Đa… Ông Đoàn Quốc Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý chợ Cồn cho biết, trong tháng 11, có thời điểm sức mua tại chợ giảm hẳn do nhiều mặt hàng “ăn theo” giá thịt heo tăng giá. Đến thời điểm này, sau khi nguồn cung thịt heo về chợ có dấu hiệu tăng lên, sức mua bắt đầu khởi sắc hơn. Được biết, trung bình một ngày chợ Cồn cung ứng sỉ, lẻ ra thị trường khoảng 5 tấn thịt heo các loại. Để giảm bớt áp lực về tài chính, nhiều người dân lựa chọn việc chuyển sang sử dụng nhiều hơn các loại thực phẩm khác như: hải sản, thịt bò, gà, vịt, thịt gia cầm…

Giá cả nhiều mặt hàng tăng liên tục trong thời gian qua khiến người tiêu dùng lo lắng khi Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang đến gần. (Ảnh chụp tại chợ Mới)
Giá cả nhiều mặt hàng tăng liên tục trong thời gian qua khiến người tiêu dùng lo lắng khi Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang đến gần. (Ảnh chụp tại chợ Mới)

Theo Sở Công thương thành phố, giá thịt tăng cao liên tục trong thời gian qua là nguyên nhân chủ yếu kéo theo việc nhiều mặt hàng tăng giá. Hiện nay, giá mặt hàng thịt heo tiếp tục tăng khoảng 10-15% so với các tháng trước và tăng 40-45% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng nhập về các chợ giảm 45-50% so với cùng kỳ năm 2018. Để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Sở Công thương đã tăng cường công tác giám sát, nắm bắt tình hình cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường và phối hợp theo dõi, ngăn chặn các hoạt động gây bất ổn thị trường.

Riêng đối với nguồn cung và giá cả thịt heo, Sở Công thương đã có buổi làm việc với các đơn vị sản xuất kinh doanh phân phối mặt hàng này trên địa bàn thành phố; một số doanh nghiệp sản xuất, cung ứng, phân phối, các siêu thị đã chủ động tìm kiếm nguồn thịt lợn nhập khẩu từ các đơn vị nhập khẩu hàng hóa trong nước và nhập trực tiếp từ nước ngoài (Tây Ban Nha, Canada, Mỹ…) nhằm dự trữ thêm một lượng thịt phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân hiện nay và dịp Tết Nguyên đán 2020. Tuy nhiên, do tình hình thiếu hụt của nguồn cung, dự kiến giá thịt lợn sẽ còn tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2020. Chương trình bán hàng bình ổn, bán hàng phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 đối với mặt hàng thịt lợn như mọi năm dự kiến không thể thực hiện được.

Ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương thông tin, sở đã có kế hoạch phối hợp với Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, chủ động nắm bắt tình hình, thông tin thị trường, tăng cường phối hợp trong công tác quản lý thị trường; theo dõi, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng, cạnh tranh không lành mạnh, gây bất ổn thị trường. Đồng thời, nhằm ổn định cân đối cung cầu mặt hàng thịt lợn, Sở Công thương có báo cáo đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan định hướng cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn tăng cường đưa các sản phẩm thịt lợn chế biến sẵn từ thịt lợn đông lạnh nhập khẩu nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người dân và thay thế một phần nhu cầu sử dụng thịt tươi trên thị trường.

Theo ông Bắc, thời gian đến, các đơn  vị cần tăng cường hoạt động truyền thông về giá cả thị trường, tình hình nguồn cung nhằm tránh tình trạng thiếu thông tin, gây bất ổn thị trường; tuyên truyền vận động người dân gia tăng sự lựa chọn tiêu dùng, thay thế bớt nhu cầu đối với thịt lợn nhằm giảm áp lực cho nguồn cung thị trường. Đồng thời, các đơn vị, địa phương cũng cần tích cực triển khai các giải pháp kiểm soát dịch bệnh; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, trang trại, gia trại chăn nuôi an toàn được tái đàn và phát triển đàn lợn; giám sát chặt chẽ và hạn chế tối đa việc buôn bán thịt lợn ra nước ngoài, nhằm giữ được nguồn cung và tránh tình trạng lây lan dịch bệnh…

Theo báo cáo từ Cục Thống kê thành phố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên toàn địa bàn trong tháng 11 tăng 0,62% so với tháng 10, tăng 3,46% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 3,58% so với tháng 12 năm ngoái. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong các tháng 10, 11 có giá tiêu dùng tăng liên tiếp, riêng tháng 11 tăng 1,63% so với mức tăng 0,50% trong tháng 10.

Bài & ảnh: Mẫu Đơn

Theo Đà Nẵng Online

 

Link nguồn: https://www.baodanang.vn/channel/5404/201912/gia-hang-hoa-tang-nguoi-tieu-dung-lo-lang-3266751/

Cùng chuyên mục