Đứng ngẫm ở ngã ba Đông Dương – Hoài vọng một tiếng gà trưa

Từ nhỏ tôi đã được nghe những câu chuyện kể như thể là giai thoại, khi nước Việt mình có cái ngã ba độc đáo gọi là ngã ba Đông Dương. Đây là nơi tiếp giáp biên giới của ba nước láng giềng trên bán đảo Đông Dương: Việt Nam – Lào- Campuchia.

Đây cũng là nơi được truyền tụng xưa nay, rằng khi con gà cất tiếng gáy, cả ba nước đều nghe. Chi tiết thú vị ấy càng góp thêm sự hấp dẫn cho tôi cũng như nhiều du khách tìm đến miền biên ải xa xôi này, bất chấp cái nắng cháy da rải suốt chặng đường dài.

dung-ngam-o-ba-nuoc-dong-duong

Một vòng đến ngã ba biên giới

Ngã ba biên giới, hay còn gọi là ngã ba tam biên, cách thành phố Kon Tum chừng 70 cây số. Từ thành phố Kon Tum, đi huyện Ngọc Hồi theo hướng quốc lộ 40, đến thị trấn Plei Kần, vẫn đi theo quốc lộ 40 về phía biên giới đến cửa khẩu Bờ Y. Ngay khi đến ngã ba trước trạm thu phí cũ, có bảng chỉ hai hướng đi, một qua Lào và một qua Campuchia, bạn đi hướng nào cũng được, yên tâm là không xộc thẳng vào nước láng giềng đâu, vì rẽ trái hay phải rồi đường đi sẽ thành một vòng tròn đến “cột mốc ba biên”.

Tôi muốn đi giáp vòng nên rẽ trái, qua hướng Campuchia theo quốc lộ 40 mỗi lúc một nhỏ dần như đường làng. Đây là con đường ít ai chọn vì đi lại cực cho tay lái hơn. Khi quốc lộ 40 kết thúc cũng là lúc con đường xuyên rừng hiện ra những con dốc cao thử thách tay lái, lắm lúc lại đổ dốc như muốn thử thách liên khả năng cầm lái và thắng xe của mình. Vượt thêm một con suối ngập nước chắn ngang đường như thử thách lần nữa tay lái lụa, rồi cứ men theo đường tuần tra biên giới ấy, thì sẽ tới. Dọc đường đi, thi thoảng có khá nhiều chim rừng màu sắc lạ mắt bay qua hay hót vang khiến đường đi thêm hấp dẫn và là phần thưởng cho kẻ thích phiêu lưu vì đã chọn con đường mà tay không lúc nào rảnh ra để có thể chụp hình. Khi từ cột mốc về, tôi rẽ trái đi tiếp một vòng ra tận chốt đường biên ở cửa khẩu Bờ Y để về lại Kon Tum, thành một vòng tròn khép kín đủ cho mình trải nghiệm đường rừng, đường tuần tra biên giới giữa cái nắng đại ngàn như muốn thử thách sức khỏe người từ đô thị.

dung-ngam-o-ba-nuoc-dong-duong
Ngã ba Đông Dương

Cột mốc hiếm gặp và ý nghĩa

Thường thì các cột mốc biên giới đều chỉ có hai mặt, nhưng cột mốc nơi đây đặc biệt hơn. Nó có ba mặt, mỗi mặt cột mốc quay về mỗi nước được gắn quốc huy, năm cắm mốc, tên quốc gia. Cột mốc ngã ba Đông Dương nặng 900 kg, làm bằng đá hoa cương hình trụ tam giác, cao 2 mét, được dựng trên đỉnh núi cao 1086 mét so với mực nước biển.

Quanh cột mốc là vòng tròn được lát đá tỏa ra ba hướng ứng với đường biên của ba nước. Từ ngã ba Đông Dương đi chênh chếch về hướng Tây Nam thì sang tỉnh Ratanakiri – Campuchia, thẳng hướng Tây thì sang tỉnh Attapeu – Lào, mỗi hướng chừng trên dưới 7, 8 cây số là đến đường ranh biên giới.

Đây là cột mốc thứ hai cùng ghi danh cả ba quốc gia được cắm trên mảnh đất Việt Nam. Cột mốc thứ nhất được xây dựng ở A Pa Chải (Điện Biên), là ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Trung Quốc.

dung-ngam-o-ba-nuoc-dong-duong

Cột mốc này khởi công xây dựng hơn một năm hai tháng thì hoàn thành vào đầu năm 2009, và từ đó, nó trở thành điểm đến mới ở vùng biên ải được khá nhiều người tìm tới. Không hẳn là vì cảnh đẹp ở đây, bởi Kon Tum còn rất nhiều điểm đến đẹp hơn nhiều, mà chủ yếu vì sự thú vị của đường biên và câu chuyện dân gian lưu truyền về tiếng gà.

Tìm một tiếng gà trưa…

Miền biên giới núi đồi trùng điệp, thưa vắng người và cư dân thường gặp là dân đi rừng, các chiến sĩ biên phòng và thi thoảng là dân du lịch bụi từ xa đến. Đường tuần tra biên giới lấp ló dưới những bụi lau cao quá đầu người.

Cột mốc nằm trên đỉnh đồi cao, giữa bao nhiêu là đồi núi nhấp nhô chập chùng gần xa của vùng này. Để lên đến nơi tôi phải leo qua hơn một trăm bậc thang nữa.

Tôi có ý lùng sục, đi cho hết ba lối tam cấp từ hướng ba nước lên cột mốc mà hết hai lối là phủ đầy lau lách, có ý rình đợi để thấy được một bóng con gà rừng nào đó. Tiếc là tôi không tìm được con gà rừng nào! Nên chẳng thể nghe được tiếng gà trưa gáy khan bên đồi núi như giai thoại.

dung-ngam-o-ba-nuoc-dong-duong

dung-ngam-o-ba-nuoc-dong-duong
Nhiều bạn trẻ đến tham quan cột mốc biên giới Việt Nam – Campuchia – Lào

Có lẽ chúng chỉ còn là quá vãng? Có lẽ bầy gà rừng cũng đã trốn đâu mất rồi khi đồi núi chập chùng bây giờ thiếu bóng cây xanh vì bị chặt hạ quá nhiều? Có lẽ đó là một cách nói tượng thanh tượng hình, nhưng cũng có thể chúng trốn nắng ngủ trưa hay chạy đâu mất khi nghe tiếng chân người? Có lẽ tôi không gặp may. Nhưng tôi cũng đã cho phép mình được rồ một tí như thời mới lớn, tự hét lên một tiếng thật to giữa núi đồi thanh vắng, để về khoe với bạn bè rằng mình đã hét một cách khoái trá cho cả 3 nước nghe!

Ai có may mắn đến nơi này đều bâng khuâng khôn tả khi nghe được những chú gà trống của ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia cùng cất tiếng gáy đón chào bình minh… Là cán bộ quân sự, không riêng gì tôi, mà ai cũng phải lưu tâm về vị thế chiến lược của vùng đất ấy. Và thực tế, khu vực ba biên giới từ lâu đã trở thành căn cứ chiến lược chung của các chiến trường Nam Đông Dương”. Trong hồi ký Trọn một con đường, trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã viết như thế.

Cột mốc nằm trên đỉnh đồi luôn lộng gió. Tôi níu bạn đồng hành ở lâu hơn một chút. Bạn hỏi tôi vẫn muốn tìm nghe cho được tiếng gà trưa chăng? Tôi lắc đầu.

Đứng ở nơi đỉnh núi ngã ba Đông Dương, tôi tha hồ phóng tầm mắt ngắm 360 độ toàn bộ cảnh sắc miền biên ải. Những dải đất biên cương luôn khiến cho tôi nhiều cảm xúc, huống hồ là được nhìn vùng đất biên cương của các nước bạn bè trong màu nắng thanh bình. Đặt chân lên cột mốc biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, nơi giao nhau của ba nước láng giềng anh em, thấy thú vị mà thân quen của một người từng qua lại các nước Lào, Campuchia bằng đường bộ khá nhiều lần. Cảm giác gần gũi như sang nhà bạn bè hàng xóm chơi chứ không như ở một vài miền biên ải khác, khi cũng là vùng phên dậu của đất nước, nhưng lại cho tôi nhiều cảm xúc lẫn lộn và ít bình yên hơn!

Niềm tiếc nuối trên đỉnh đồi

Tiếng là đứng giữa núi rừng của dãy Trường Sơn nhưng tìm bóng cây khó quá. Quanh cột mốc có khá nhiều cây con do nhiều lãnh đạo, quan chức của tỉnh Kon Tum và các nước bạn trồng. Hy vọng vài năm nữa quay lại nơi này sẽ rợp bóng cây. Nhưng nó cũng không thể làm thay đổi cục diện mảng xanh nơi này!

Cột mốc ngã ba biên giới chang chang nắng đã đành, hàng trăm bậc tam cấp dẫn lên cột mốc chang chang nắng cũng đành, con đường tuần tra biên giới dẫn lên cột mốc cũng chang chang nắng. Chung quanh là trùng điệp núi đồi. Mà màu xanh không dày và thẳm nữa. Nhiều ngọn núi, đỉnh đồi đã bị san gốc, trơ trọi. Thậm chí có nơi còn vương vãi hàng loạt cây ngã đổ theo triền núi, những cây rừng còn sót mọc lẻ loi như thể đang co cụm lại đầy sợ hãi trước sự tấn công của con người.

Rừng đã và đang bị mất đi vẫn là một thực tế không hay lâu nay ở Tây Nguyên, mà cả khu vực biên giới xa xôi hẻo lánh này cũng không ngoại lệ. Đã có khá nhiều nỗ lực trồng rừng nhưng xem ra không thể kịp “tốc độ trọc” của rừng của núi.

Câu nói của một thanh niên người địa phương này nói khiến tôi không thể không chạnh lòng: “Ở đây, anh cứ ngắm chỗ nào còn rừng xanh mướt, đầy cây rừng nguyên sinh là của Lào. Khu nào mà núi đồi trơ trọc như dọn dẹp hết làm rẫy, còn lại vài cây cao lẻ bóng chơ vơ, là bên Việt Nam”.

Bài & ảnh: L.M.Hạ

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục