Dựng lán, ngủ rừng mở đường vào Aur

Ngay trong những ngày đầu tiên của Tháng thanh niên, hơn 100 thanh niên Cơ Tu trên huyện biên giới giáp Lào của tỉnh Quảng Nam đã hoàn thành một công trình: mở thông tuyến đường dài gần dài 8km từ bên ngoài vào ngôi làng nằm cô lập giữa rừng.

Aur có lẽ là ngôi làng biệt lập độc đáo duy nhất còn sót lại trên huyện biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Ngôi làng đẹp hệt bức tranh, nằm bình yên dưới tán rừng già và nổi tiếng với tục “đãi khách” bằng cả tấm lòng này bị ảnh hưởng nặng vào đợt lũ lịch sử tháng 10-2020. Từ đó đến nay, để ra được bên ngoài hành trình lội rừng của bà con lại diễn ra bất trắc bên những khe đá, vực sâu, đu bám theo những dây leo…

dung-lan-ngu-rung-mo-duong-vao-aur
Ngoài tuyến đường dài 8km thì có 4 cây cầu bắc qua suối dẫn vào Aur cũng được làm tặng bà con. Ảnh: LINH TRANG

“Thế rồi thanh niên tới”

Trong trận lũ lịch sử vào cuối năm 2020, thông tin về số phận hơn 100 bà con ở ngôi làng nằm biệt lập giữa rừng Aur (xã A Vương, huyện Tây Giang, Quảng Nam) nhận được nhiều sự quan tâm của chính quyền.

Vốn kết nối với bên ngoài bằng con đường đi bộ dài 16km bám theo các triền núi, khi mưa lũ ập đến những khối núi no nước và rữa mục dần khiến Aur bị chia cắt. Bộ đội phải vượt mưa, bấu vào đất đá để cõng lương thực nuôi bà con.

Qua lũ đường sá tan nát, để ra bên ngoài lấy gạo muối người Cơ Tu ở Aur phải tự dò những con đường nham nhở giữa rừng. Cuộc sống chưa bao giờ đối diện với khó khăn như hơn 4 tháng qua.

Bí thư Huyện đoàn Tây Giang Cơ Lâu Hoài cho biết lãnh đạo Tỉnh đoàn Quảng Nam và Huyện ủy, UBND huyện Tây Giang đã đặt hàng và động viên huyện đoàn tham gia tiếp sức mở đường tặng bà con.

“Trong làng Aur không có sóng điện thoại, muốn liên lạc gì phải đi bộ 8 tiếng mới tới làng. Hôm anh em lội bộ vào tới nơi để xin ý kiến già làng, bàn kế hoạch mở đường với bà con thì nhiều người lắc đầu. Họ sợ một mình lực lượng thanh niên làm không nổi, vì ngày xưa bà con mở đường cũng huy động gần cả ngàn người mở ròng rã trong gần 2 tháng” – anh Hoài kể.

A Rất Trong, cán bộ thôn Aur, nói rằng thấy thanh niên bàn kế hoạch chia con đường dài 16km từ bên ngoài vào Aur ra thành hai đoạn, mỗi đoạn sẽ do một tổ phụ trách mở đường thì bà con rất thương. Trong lòng thì muốn đường sớm thông để bà con bớt khổ, nhưng ngoài bụng thì thương “con cháu mình” vì đường quá xa, sau lũ bà con cũng thiếu ăn, cuộc sống kham khổ nên không giúp được nhiều…

4 ngày đêm bám rừng và 8.000m đường kỳ tích

Những ngày qua, con đường từ trung tâm xã A Vương vào đến thôn A Réc thỉnh thoảng lại có vài người xắn ống quần, chiếc gùi trĩu nặng những mớ đồ đạc từ trong núi đi ra. Đó là những người Cơ Tu ở làng Aur, họ tranh thủ con đường mới mở để đi bộ ra trung tâm huyện mua lương thực, quần áo, dép nhựa…

Tuyến đường đất dù chỉ đào mở bằng những nhát cuốc thô sơ, rộng 1,5 – 2m và bám theo các lưng núi dẫn bên ngoài vào làng Aur nhưng là một kỳ tích. Sáng 5/3, chọn điểm khởi đầu tuyến đường vào Aur tại làng A Réc để làm lễ ra quân Tháng thanh niên, hơn 100 cán bộ đoàn viên thuộc 10 xã và 10 đơn vị trực thuộc đã gùi balô mang theo quần áo, đồ dùng cá nhân, gạo muối và cuốc xẻng đi thẳng vào rừng để mở đường. Ròng rã 4 ngày đêm lầm lụi giữa rừng già, một con đường đất như sợi dây thừng lớn dần lộ ra dưới tán cây.

Anh A Lăng Trớt, bí thư xã đoàn A Vương, nói rằng biết bà con trong làng mong ngóng nên anh em cán bộ, trong đó có cả bộ đội chính quy, dân quân địa phương, đoàn viên, cán bộ công chức tại Tây Giang đã thay nhau đào núi khoét đất mở đuờng từ sáng tới tối, không khí chẳng khác gì cảnh… dân quân hỏa tuyến.

“Chúng tôi cắt khúc đường dài 8km cần phải làm và phân thành hai khúc. Khúc ở hướng giáp với làng Aur thì 50 người và khúc bên ngoài thì các anh em còn lại. Do đường về nhà quá xa, mọi người quyết định dựng lán ngủ tại rừng. Hằng ngày có một số người được phân công lùi ra bên ngoài mua thức ăn, cõng gạo vào lán làm “anh nuôi”. Cả đội cứ miệt mài đào khoét suốt mấy ngày nhưng không thấy mệt, ngược lại còn phấn chấn và khí thế rần rần” – Trớt nói.

Hôih Anh, bí thư Đoàn thanh niên xã A Xan, cũng tham gia dựng lán, bám “công trường” mở đường vào Aur. “Bà con cho nắm rau rừng vừa hái được, người cho khúc mía, quả bầu… Còn gạo và thức ăn chúng tôi tuyệt đối không nhận. Đó là những hình ảnh, kỷ niệm thân thương khó quên” – Hôih Anh nói.

Ngày vui ở Aur

8h sáng 7/3, sau mấy ngày lầm lụi đào ủi ngoài rừng, những tiếng cuốc xẻng, tiếng sột soạt từ nhát rựa phát dọn mở đường bắt đầu xuất hiện ở bìa rừng trước lối vào làng Aur. Chỉ mấy phút sau, đoàn người xuất hiện, người lùi tới đâu đường hiện ra như sợi dây thừng khổng lồ tới đó. Đường vào Aur được thông trong sự vui mừng, chào đón của hơn 30 hộ dân ở ngôi làng biệt lập này.

Bí thư Huyện đoàn Cơ Lâu Hoài cho biết để tuyến đường hoàn thành, hơn 100 con người đã ngủ rừng 3 đêm, làm ròng rã 4 ngày giữa rừng. Vào ngày cuối cùng của chiến dịch, cả đoàn được bà con mời vào làng rồi chia tới các nhà để ngủ. Ngoài việc thông đường, anh em còn hợp sức khiêng, dựng nhà giúp một hộ gia đình trong làng Aur và làm 4 cây cầu gỗ bắc qua các đoạn suối. Những cây cầu này có thể trụ vững ít nhất 3-4 năm cho bà con đi lại.

Dù không tổ chức lễ lớn nhưng sáng 8-3 khi đoàn chính thức bàn giao tuyến đường cho bà con thì tất cả người dân ở Aur đã không đi rẫy mà ở nhà. Đó có lẽ là khoảnh khắc xúc động và cũng là ngày vui nhất của bà con từ lâu nay.

Thái Bá Dũng

Theo Tuổi Trẻ Online

 

Link nguồn: https://tuoitre.vn/dung-lan-ngu-rung-mo-duong-vao-aur-20210319091641012.htm

Cùng chuyên mục