Đưa sản phẩm Đà Nẵng vươn xa

Những năm qua, hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) được đẩy mạnh, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu ra một số quốc gia trong khu vực.

Tham gia 2 chương trình XTTM do Trung tâm XTTM và Khuyến công tổ chức vào tháng 6 và 7 vừa qua tại thành phố Vientiane (Lào) và Khon Kaen (Thái Lan), sản phẩm cà phê sạch Mayaca của Công ty TNHH MTV Cà phê Mayaca đã bước đầu được giới thiệu đến các thị trường trên. Sau chuyến đi, công ty đã ký kết được hợp đồng cung ứng sản phẩm cho một doanh nghiệp tại tỉnh Khon Kaen (Thái Lan).

Các doanh nghiệp Đà Nẵng tham gia chương trình xúc tiến thương mại tại Lào và Thái Lan.
Các doanh nghiệp Đà Nẵng tham gia chương trình xúc tiến thương mại tại Lào và Thái Lan.

Ông Hồ Đức Tiến, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Mayaca cho biết, những chuyến đi XTTM ra thị trường quốc tế đã hỗ trợ rất hiệu quả cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội chào hàng sản phẩm với các đối tác nước ngoài; đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác thiết thực. “Qua các chuyến đi, chúng tôi có thêm những mối quan hệ tốt, học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước về marketing, thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm, tìm hiểu về nhu cầu, thị hiếu của khách hàng đối với sản phẩm cà phê sạch...”, ông Hồ Đức Tiến chia sẻ.

Tương tự, nước mắm truyền thống của Công ty TNHH Mắm Hồng Hương đã thành công trong việc mở rộng được đầu ra cho sản phẩm khi ký kết được một số đơn hàng cung ứng cho các đầu mối ở Lào, Thái Lan thông qua các chuyến đi XTTM do thành phố tổ chức. Ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Công ty TNHH Mắm Hồng Hương cho hay, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vốn không có thế mạnh về tiềm lực tài chính nên việc tham gia các chương trình, đoàn XTTM là cơ hội tốt để giới thiệu sản phẩm ra giới thiệu với bạn hàng nước ngoài mà không tốn quá nhiều chi phí. Mỗi chuyến đi XTTM, đơn vị tiêu thụ được một số lượng hàng hóa đáng kể với mức giá hợp lý với túi tiền của người tiêu dùng do được hưởng ưu đãi về thuế.

Theo báo cáo của Trung tâm XTTM và Khuyến công thành phố, trong 9 tháng qua, đơn vị tham gia tổ chức nhiều chương trình hoạt động XTTM, kết nối cung cầu tại địa phương cũng như các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước tại Phú Thọ, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Gia Lai, Bình Định, thành phố Vientiane (Lào), Khon Kean (Thái Lan)… Vào cuối tháng 9/2019, Trung tâm tiếp tục tổ chức đoàn tham gia hội nghị xúc tiến thương mại Thái Lan – Việt Nam mở rộng tại tỉnh Udon Thani (Thái Lan).

Các chuyến đi này đã góp phần tạo kênh kết nối giúp doanh nghiệp, đơn vị sản xuất có cơ hội giới thiệu hàng hóa, sản phẩm của của địa phương, hàng Việt đến các đối tượng khách hàng trong và ngoài nước. Hiện nay, các chương trình XTTM quốc tế chủ yếu tập trung hai thị trường Lào và Thái Lan do những thuận lợi về hàng rào thuế quan. Hai thị trường này có số lượng người Việt sinh sống khá đông, đây chính là nguồn khách hàng tiềm năng cho các doanh nghiệp.

Dù đạt kết quả tích cực nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng, các chương trình XTTM cần được tổ chức chuyên nghiệp, quy mô và mở rộng kết nối ra thị trường các nước Đông Nam Á thay vì chỉ dừng lại ở một số địa phương ở Lào, Thái Lan. Các thông tin được cung cấp từ cơ quan XTTM cần cụ thể, chi tiết và cập nhật kịp thời về xu thế, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Các hoạt động hội chợ, triển lãm, hội thảo cần được tổ chức với nội dung phong phú hơn, trong đó chú trọng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn như; tư vấn thông tin, đào tạo kinh nghiệm sản xuất, tìm kiếm và đánh giá khách hàng…

Ông Lê Thanh Hạ, Giám đốc Trung tâm XTTM và Khuyến công thành phố cho biết, thời gian qua, đơn vị đã nỗ lực để đổi mới hình thức và chất lượng các chương trình XTTM trong và ngoài nước. Mỗi chuyến đi, có hàng chục doanh nghiệp tham gia và đem lại một số hiệu quả thiết thực. Nhìn nhận những khó khăn, hạn chế của công tác XTTM, ông Hạ cho rằng, do nguồn lực và năng lực hạn chế, kinh phí cho hoạt động XTTM tại địa phương rất hạn hẹp, trước đây chỉ vài trăm triệu đồng (khoảng 2 năm trở lại đây mới tăng lên 1 – 2 tỷ đồng). Để nâng cao chất lượng và hiệu quả các chương trình XTTM, theo ông Hạ, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp địa phương cần nâng cao chất lượng hàng hóa về chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, nhãn mác, mã vạch, thương hiệu… trước yêu cầu của các thị trường trong và ngoài nước ngày càng cao.

Bài & ảnh: Khánh Hòa

Theo Đà Nẵng Online

Cùng chuyên mục