Du ký Việt Nam và thế giới lướt qua những trang sách

Chẳng cần phải “xê dịch” trong mùa dịch này, hình ảnh thế giới, Việt Nam vẫn hiện ra sinh động qua 10 tác phẩm du ký, truyện… do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành.

Hội An trong tôi. Tác giả: Trần Hoàng Đức. Nằm trong dòng sách artbook (sách nghệ thuật), một trào lưu sáng tác mới của các họa sĩ trẻ, Hội An trong tôi giới thiệu những điểm tham quan nổi tiếng của phố cổ Hội An như Chùa Cầu, Hội quán Phúc kiến, Hội quán Quảng Đông… Những món ngon như mì Quảng, cao lầu, cơm gà Phố Hội… Những quán cà phê mang bầu không gian tĩnh lặng của phố cổ… Điều đặc biệt là cuốn sách được tác giả thực hiện một cách công phu, tinh tế và sáng tạo, tất cả hình ảnh trong tác phẩm đều được Trần Hoàng Đức vẽ tay rất đẹp mắt… đáp ứng cả nhu cầu đọc lẫn nhu cầu xem của bạn đọc.
Quen lạ xứ người – Du ký Nhật Bản. Tác giả: Lam Anh. Với Quen lạ xứ người, tác giả truyền tải thông điệp: Thay vì ảo tưởng lấy bản thân mình làm khuôn vàng thước ngọc để mà đo thế giới, văn hóa Nhật Bản hướng người ta đến việc tự hiểu mình để tìm cho mình một chỗ đứng phù hợp trong thế giới. Để thế giới là vườn hoa muôn nghìn hương sắc thì mỗi người phải là một bông hoa có vẻ đẹp riêng tỏa ra từ những tố chất riêng, nhờ tương hợp với vị trí đặc thù mà trở nên rạng ngời lung linh hay dịu dàng nhuần nhị. Tồn tại ổn thỏa bên cạnh cái khác mình là cách sáng suốt của sự khẳng định mình.
Vàng trên biển đá đen. Tác giả: Elena Pucillo Truong. Mười bốn truyện ngắn và mười một tạp bút ở đây là một phối hợp không chỉ về dung lượng. Những câu chuyện gắn với Việt Nam ghi dấu các chuyến đi dọc dặm dài đất nước của tác giả: Tây Bắc (“Vàng trên biển đá đen”), Hà Nội (“Một đêm huyền diệu”, “Hà Nội, nét đẹp bí ẩn”), Quảng Ninh (“Trên đỉnh núi thiêng”), Vũng Tàu (“Bình minh vàng trên biển”), An Giang (“Trà Sư, thánh địa của loài chim”)… Với Elena, đi là để gặp người, để nắm bắt những tình huống tạo nên số phận, làm nên nỗi đau hay niềm hạnh phúc. Đôi mắt ấy thích khám phá tâm cảnh hơn là nhiên cảnh.
Sài Gòn có lá me bay. Tác giả: Đỗ Quang Tuấn Hoàng. Nét riêng có của những hàng me với lá “bay trong mắt, khắc trong tim” trên các tuyến đường trung tâm TP.HCM, bên những dòng kênh uốn lượn xuyên tâm các cây cầu chữ Y, chữ U độc đáo, trong những khúc nhạc du dương vào ngày cuối tuần từ phố Tây (đường Phạm Ngũ Lão) hay từ Nhà hát Lớn (công trường Lam Sơn), từ các quán cà phê sân vườn hay cà phê hẻm quen thuộc, và những ngôi nhà, khu phố cổ bền bỉ sức sống… Tất cả đã khiến cho thành phố này mang miền nhớ cho bất kỳ ai từng đến, từng ngụ cư, rồi rời xa.
Nhẹ bước lãng du. Tác giả: Nguyễn Chấn Hùng. Cuốn sách tập hợp nhiều bài viết là những liên tưởng thú vị, cảm nhận tinh tế, cảm xúc dạt dào trước vẻ đẹp ở những nơi mà tác giả có dịp đặt chân đến trên bước đường “lãng du” của mình. Đó là Hy Lạp với thánh địa Delphi dìu dặt giữa mộng và thực, đó là Pháp với dòng sông Seine chảy trôi dưới cầu Mirabeau, vũ điệu Flamenco ở Barcelona, đến lăng mộ Taj Mahal nổi tiếng ở Ấn Độ, Hoa Thanh Trì với bức tượng Dương Quý Phi đẹp ngọc ngà, tháp Đại Nhạn ghi dấu công lao dịch kinh Phật của Đường Tam Tạng, hoa anh đào rộ nở trên đất Nhật Bản… Đó còn là tình cảm sâu sắc, đậm đà với đất nước qua những lần ra Hà Nội viếng Văn Miếu Quốc Tử Giám, qua những dòng sông cây cầu trên khắp mọi miền Tổ quốc…
Vàng son một thuở Ba Tư. Tác giả: Nguyễn Chí Linh. Tập du ký kết nối thời gian đưa người đọc quay về êm đềm của tuổi thơ bằng ký ức tập truyện Nghìn lẻ một đêm mà những vết tích xưa còn khắc lại trên vách núi ở Iran. Quyển du ký chẳng khác gì là chiếc thảm trong nghìn lẻ một đêm để đi qua những vùng miền khác nhau trong lòng sa mạc, để thấy thú vị hơn với những phiên chợ Ba Tư đặc sắc theo từng chủng loại hàng. Nhích dần theo nhịp thời gian khi bước qua tuổi thơ, Ba Tư một thuở lại mang đến cảm xúc đình đám về những bộ phim hoành tráng của Hollywood như: 300 chiến binh Hy Lạp đã dũng cảm như thế nào khi bị Ba Tư hai lần vây hãm và “Chúa tể của những chiếc nhẫn” khi đại đế Cyprus đưa ra tập tục đeo nhẫn của con người.
Sông nước biên thùy. Tác giả: Đoàn Đại Trí. Cuốn sách được chia làm ba phần: Dòng sông đời người, Nhỏ bé nơi đường biên, Vẻ đẹp miền biên ải. Nhưng phần nào cũng đều mang vẻ đẹp của vùng biên thùy. Đấy là những ánh mắt Chăm nơi thánh đường ở thượng nguồn An Giang, là những người Khmer, người S’tiêng… với văn hóa đặc trưng thật riêng khác. Đấy là những cánh đồng mùa nước về với xóm câu, người đẩy côn, hái súng ma, đặt lọp… Đấy là những người hành nghề xe lôi, thu mua rơm, chẻ đá, phơi lá buông, phu mía…
Milano Sài Gòn đang về hay sang? Tác giả Trương Văn Dân. Có thể nói những cuộc viễn du của Trương Văn Dân khắp năm châu, bốn biển cũng là một phương thức để tích lũy vốn sống cho những trang viết. Chính vì vậy ở những câu chuyện của Trương Văn Dân, cuộc sống bày ra ngồn ngộn, thậm chí khá bộn bề. Một phương diện khác của cõi nhân sinh trong Milano Sài Gòn đang về hay sang? đó là nỗi ám ảnh về nguồn cội, về đất nước quê hương mà dẫu có sống ở những quốc gia giàu sang đến mức nào thì khát vọng tìm về cội nguồn vẫn luôn canh cánh trong lòng những con dân nước Việt.
Theo dấu chân người tình. Tác giả: Đỗ Quang Tuấn Hoàng. “Đất nước Việt Nam hiền hòa với những phong cách thiên nhiên tươi đẹp trải dài từ Bắc tới Nam, với 54 dân tộc mang những nét văn hóa độc đáo của mỗi vùng miền sẽ là một điểm đến tuyệt vời cho những ai yêu thích du lịch, muốn khám phá những vùng đất mới, khám phá văn hóa bản địa. Với mong muốn mang đến cho người đọc những hiểu biết thú vị về thiên nhiên, văn hóa, con người trên mảnh đất hình chữ S, nhà báo Đỗ Quang Tuấn Hoàng với lợi thế là một người đi nhiều, trải nghiệm nhiều, đã tập hợp những ghi chép trong mỗi hành trình đến các vùng miền trên cả nước trong Theo dấu chân người tình.
Làm gì trước 30? Tác giả: Hà Chiến Thắng. Sau khi có cơ hội “được phượt Thác Bản Giốc – chuyến đi của bụi và bánh mì” đã đem đến cho tác giả Hà Chiến Thắng một trải nghiệm hoàn toàn mới với 817km cho một hành trình 3 ngày 2 đêm bằng xe máy qua những con đèo miền Bắc, một cảm giác lạ lẫm, mới mẻ của một người lần đầu tiên đi phượt. Cuộc đời là những chuyến đi, hãy cứ “đam mê” và “dấn thân” rồi các bạn sẽ tìm được chính mình trên con đường ấy… Gửi các bạn, đã trẻ, đang trẻ, và sắp hết trẻ. Chúng mình, chỉ có mỗi một đời để sống mà thôi!

Vũ Yến

Theo Zing.vn

 

Link nguồn: https://zingnews.vn/du-ky-viet-nam-va-the-gioi-luot-qua-nhung-trang-sach-post1071222.html

Cùng chuyên mục