Động vật hoang dã bị đe dọa do hệ lụy của Covid-19

Khi số người chết vì Covid-19 lên tới 1 triệu, nhân loại vẫn còn chút niềm an ủi với chỉ dấu cho thấy thiên nhiên dường như đang tự chữa lành, nhưng các loài động vật hoang dã đang phải gánh chịu thử thách khác. 

Trong bối cảnh nhiều thành phố trên phạm vi toàn cầu phải áp dụng lệnh giãn cách xã hội, nhiều người bị nhốt trong nhà, mạng xã hội cho thấy những vụ xuất hiện bất thường của động vật như dê rừng chiếm một thị trấn ở xứ Wales, những con chim cánh cụt xuất hiện ở Cape Town, những con chuột túi nhảy xuống đường ở Adelaide, Úc.

dong-vat-hoang-da-bi-de-doa
Đàn dê núi dạo chơi trên đường phố LLandudno, xứ Wales

Dấu hiệu không mấy vui

Ý tưởng về việc thiên nhiên hồi sinh đã giúp giải tỏa những lo lắng về sự đau khổ của đại dịch mà con người gây ra, và đem lại hy vọng cho hành tinh.

Tuy vậy, có lẽ không đơn giản nếu chúng ta vội mừng rằng thiên nhiên có khả năng tự chữa lành. Trên thực tế, các nhà khoa học có thể sẽ phải mất nhiều năm để đánh giá tác động thực của sự chậm lại đáng kể các hoạt động hiện đại của con người, nhất là du lịch, đối với động vật hoang dã và môi trường, nhưng đã có những dấu hiệu không mấy vui.

Các lệnh giãn cách đã khiến du lịch, một số nghiên cứu khoa học và giám sát một số khu bảo tồn động vật bị tạm dừng. Tình trạng này dẫn đến  ngày càng có nhiều kẻ săn trộm hoành hành.

Inger Andersen, giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, nói: “Chúng tôi không thể mong đợi rằng thiên nhiên sẽ tự cố gắng khắc phục những gì con người gây ra.”

dong-vat-hoang-da-bi-de-doa
Hươu nâu tại vườn thú Centenario ở Mexico

Nhiều thợ săn trộm hơn

Các cuộc khảo sát cho thấy, gần 2/3 số động vật hoang dã trên thế giới đã bị xóa sổ trong vòng 50 năm qua, trong lúc khoảng 40% thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng. Theo các chuyên gia, với việc đất đai và cảnh quan biển đã bị thay đổi đến mức không thể phục hồi, nạn ô nhiễm càng thêm trầm trọng, con người phải tìm ra cách tích cực quản lý môi trường và tìm cách sống sót một cách bền vững.

Tuy vậy,, sự hiện diện của ít người xung quanh các công viên bảo tồn không phải lúc nào cũng là điều tốt. Tại Honduras, các camera giám sát ghi lại sự thay đổi của tám công viên bảo tồn trong năm nay. Bây giờ không có du khách đi lại trên những con đường mòn, người ta bắt đầu nhìn thấy những con mèo rừng, beo, báo sư tử. Nhưng ở một số công viên khác, camera cũng bắt đầu chụp được nhiều thợ săn trộm hơn.

Đôi khi những người săn bắt động vật hoang dã trái phép chỉ là vì họ trả đũa những vụ tấn công đàn bò hoặc gia súc của họ. Những người khác thì vừa đi trong rừng vừa cầm súng và khi bất chợt nhìn thấy một con báo đốm, họ sẽ giết nó vì sợ hãi.

dong-vat-hoang-da-bi-de-doa
Cá bass miệng rộng ở hồ Opinicon, Canada

Trước đây, các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã có giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này. Một dự án kêu gọi thiết lập hàng rào điện cho các chủ trang trại để bảo vệ vật nuôi khỏi động vật săn mồi. Tuy vậy, việc kinh tế toàn cầu lao đao vì Covid-19 khiến các tổ chức phi chính phủ bảo vệ động vật hoang dã cạn kiệt nguồn tài trợ. Điều này dẫn đến việc ít tuần tra và ít cảnh giác hơn.

Ở Cộng hòa Dân chủ Congo, vấn đề tương tự đang cản trở những nỗ lực ngăn chặn những kẻ săn trộm giết hoặc bắt động vật hoang dã để buôn bán trên thị trường chợ đen. Theo quan sát của giới hoạt động bảo vệ động vật, kể khi đại dịch diễn ra, ít thấy nhân viên kiểm lâm và nhân viên an ninh hiện diện trong các khu bảo tồn như trước đây. Do vậy mà có ý kiến cho rằng Covid-19 là một món quà trời cho đối với những kẻ săn trộm.

Thiệu Kiệt

Theo 24hsongxanh.vn/ CNN

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/dong-vat-hoang-da-bi-de-doa-luy-cua-covid-19/

Cùng chuyên mục