Điểm tựa cho bệnh nhân ung thư

Trên trang chủ của mình ở địa chỉ web wecan.org.vn, Tổ chức phi lợi nhuận WE CAN – “Chúng ta có thể” chia sẻ dòng động viên những bệnh nhân ung thư bằng tiếng Anh “You have us in your own battle” (tạm dịch là “Có chúng tôi chiến đấu cùng bạn”). Từ thông điệp ấy, suốt 1 năm qua, tổ chức này đã và đang trở thành điểm tựa tin cậy cho cộng đồng bệnh nhân ung thư tại Đà Nẵng.

diem-tua-cho-benh-nhan-ung-thu
Những bệnh nhân ung thư tham gia giao lưu trong một chương trình do Tổ chức WE CAN thực hiện. Ảnh: NVCC

Nghị lực của một bệnh nhân K

Người sáng lập WE CAN là Lê Hoàng Ngân (SN 1989, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu). Bản thân cô giáo trẻ này cũng là một bệnh nhân đang chiến đấu với ung thư hơn 2 năm qua.

Ngân luôn nhớ những ngày đầu năm 2019: “Khi ấy, tự dưng thấy cơ thể mệt mỏi rồi khó thở. Bản thân tôi cứ nghĩ do đau mỏi thông thường, cho đến khi cơ thể rã rời, phải đi khám thì phát hiện mình đã mang bệnh K (tên tắt của bệnh ung thư – PV) giai đoạn 4”. Năm ấy, Ngân đang là giáo viên Trường THPT Phan Châu Trinh.

Phát hiện bệnh, tạm gác công việc đi dạy yêu thích qua một bên, những ngày tháng sau đó của Ngân là quãng thời gian nặng nề. Ngân hồi tưởng: “Rất khó để bản thân và gia đình chấp nhận sự thật về bệnh tật của tôi. Ai cũng lo lắng, có lúc thấy tinh thần tuyệt vọng”. Nhưng như một phép màu, sau một thời gian điều trị, sức khỏe của Ngân tạm ổn định, các bác sĩ điều trị cũng bất ngờ vì… cuộc sống của chị kéo dài cho đến hôm nay.

Những ngày tháng nằm điều trị ở Bệnh viện Đà Nẵng là động lực để Ngân đồng cảm với những khó khăn mà người bệnh ung thư gánh chịu. Ngân nhận ra, bệnh nhân ung thư không chỉ “đau” về thể xác mà còn cả về tinh thần. Để xoa dịu nỗi đau ấy, đôi khi họ chỉ cần những lời quan tâm ý nhị, một sự động viên nhẹ nhàng từ phía cán bộ y tế, người thân và cộng đồng…

“Sau thời gian điều trị, tôi nghĩ phải làm điều gì đó để tạo cầu nối, kết nối các tấm lòng trong xã hội với bệnh nhân ung thư và thân nhân của họ, WE CAN đã ra đời như thế vào tháng 4-2020. Lúc đó, sức khỏe của tôi ổn định, tinh thần tỉnh táo hơn để… không truyền đi nguồn năng lượng tiêu cực đến những người bệnh, thay vào đó là sự tươi vui, tích cực”, Ngân chia sẻ.

Trong câu chuyện của bản thân, Ngân nhắc về nghề giáo như một cái duyên, chị vẫn thích thú cảm giác mặc áo dài đứng trên bục giảng, được hòa mình cùng học sinh trong những tiết học. Bây giờ, cái duyên ấy được tiếp nối sang WE CAN, khi chị có được những người đồng hành là các cựu học sinh, bạn bè, người thân… tham gia hỗ trợ tổ chức từ những ngày đầu.

diem-tua-cho-benh-nhan-ung-thu
Lê Hoàng Ngân (đứng thứ 2, bên trái sang) và các tình nguyện viên đồng hành cùng với WE CAN. Ảnh: NVCC

“Cầu nối” giữa bệnh nhân ung thư với các mạnh thường quân

Gần 1 năm qua, WE CAN đã thu hút sự tham gia của khoảng 500 bệnh nhân ung thư đang điều trị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và sắp tới sẽ mở rộng tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, từ nguồn kinh phí từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân gần xa được chị Ngân kêu gọi, WE CAN hướng đến cung cấp thông tin “đủ, đúng và cần thiết” về bệnh ung thư cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cộng đồng; đồng hành cùng bệnh nhân qua các dự án cộng đồng, tư vấn sức khỏe, hướng dẫn trang điểm làm đẹp, giao lưu văn nghệ, gây quỹ học bổng…

Trong số này, chương trình “Vẽ ước mơ xanh” được tổ chức với sự tham gia của các bệnh nhân nhi đang điều trị ở Bệnh viện Phụ sản-Nhi thành phố Đà Nẵng mà theo chị Lê Hoàng Ngân là “để các em thấy bệnh viện vẫn là môi trường vui vẻ, thân thiện, an tâm điều trị và không còn đáng sợ nữa”. Hay như tọa đàm “Ung thư và cảm xúc” kết nối các bác sĩ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thông qua chia sẻ những khó khăn, tâm lý gặp phải trong quá trình chiến đấu với ung thư.

Mới đây, Ngân và cộng sự thực hiện đêm nhạc “Chúng ta hát ca” được tổ chức nhằm gây quỹ học bổng “Cùng em giữ ước mơ” hướng tới những em nhỏ là con em của bệnh nhân ung thư đã qua đời, nhằm giúp các em học tập ổn định. “Đêm nhạc ấy, ca sĩ cũng là những bệnh nhân ung thư, họ được hát, giao lưu, gặp gỡ những người đồng cảnh để thấu hiểu nhau hơn, cùng nhau sống tốt, làm việc ý nghĩa hơn”, Ngân kể. Gần đây nhất là chương trình “Chúng ta tỏa sáng” tư vấn, hướng dẫn phụ nữ mắc ung thư cách trang điểm sao cho đẹp và tươi tắn để tự tin sống vui, sống khỏe.

Năm nay 63 tuổi và có thời gian điều trị ung thư vú, bà Hồ Bích Trâm (phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) tham gia các hoạt động do WE CAN tổ chức suốt thời gian qua. Bà chia sẻ: “Với chúng tôi, Ngân không chỉ là một người bạn mà còn như người con, người cháu trong nhà. Tôi nể phục Ngân khi trong bối cảnh vừa điều trị bệnh, lại có con nhỏ nhưng vẫn đủ sức và tâm huyết cho tất cả những chương trình ý nghĩa của WE CAN. Bản thân là một bệnh nhân, sau khi điều trị xong, tôi cũng muốn chia sẻ, lan tỏa thông điệp ý nghĩa tích cực đến với cộng đồng nhưng tuổi tác, sức khỏe không cho phép, và rất vui khi Ngân đã thực hiện được điều ấy theo một cách tự nhiên…”.

Theo bà Trâm, cộng đồng bệnh nhân ung thư luôn rất cần sự hỗ trợ, đặc biệt về mặt tinh thần và những điều WE CAN đang làm đã tạo nên điểm tựa, cầu nối cho họ.

Mong muốn kết nối

Tổ chức các chương trình thiện nguyện, hoạt động xã hội… nói chung vốn dĩ không dễ dàng, lan tỏa thông điệp của nó đến cộng đồng lại càng khó, nhưng Ngân tự tin mình sẽ làm được, ngay cả lúc đang thực hiện phác đồ điều trị gồm cả hóa trị và xạ trị đầy mệt nhọc.

“Nhờ WE CAN mà tôi có niềm vui tích cực vào cuộc sống. Xây dựng, tổ chức một chương trình là cách để bản thân bận rộn hơn, sống có mục đích hơn. Mình biết là ngày mai, ngày kia, tháng tới mình sẽ làm chương trình này, sự kiện kia cho những người bị ung thư như mình, nhờ vậy mà cuộc sống trôi qua không còn vô vị nữa”, Ngân nói.

Sắp tới, WE CAN sẽ có mặt để sẻ chia với những bệnh nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngân cho biết, chị và cộng sự sẽ phát triển, hoàn thiện WE CAN theo đúng chức năng ban đầu. Trước mắt, chị đang ấp ủ xây dựng dự án thư viện sách “Chúng ta cần biết” dành cho bệnh nhân ung thư, người nhà và cộng đồng, nhằm chia sẻ kiến thức về chăm sóc sức khỏe, lan tỏa lối sống tích cực.

“Hiện tại ở Đà Nẵng có nhiều chương trình hay cho bệnh nhân ung thư, trong số đó có thể kể đến “Một bức tranh – nhiều hy vọng”. Với cá nhân mình, tôi hy vọng trong tương lai có thể kết nối với các chương trình, tổ chức hỗ trợ bệnh nhân ung thư tốt hơn”, Ngân chia sẻ.

Xuân Sơn

Theo Đà Nẵng Online

 

Link nguồn: https://baodanang.vn/nguoi-da-nang/202103/diem-tua-cho-benh-nhan-ung-thu-3878254/

Cùng chuyên mục