Đi qua những buổi chợ phiên

Vùng tây Quảng Nam có những phiên chợ độc đáo, có chợ chỉ đông từ lúc 3 – 4 giờ sáng đến 6 – 7 giờ sáng như chợ Đông Giang mà nhiều người quen gọi đùa là chợ “3 nghìn”; có chợ chỉ đông vào tầm 11 giờ trưa đến 2 giờ chiều là “chợ 5 nghìn” Tây Giang. Mỗi phiên chợ mang nét đặc trưng văn hóa vùng miền, gắn với tập quán sản xuất, nhu cầu trao đổi hàng hóa, sinh hoạt của cư dân bản địa.

Phiên chợ vùng cao hoạt động từ 3 - 4 giờ sáng và vãn tầm 7 - 8 giờ sáng. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Phiên chợ vùng cao hoạt động từ 3 – 4 giờ sáng và vãn tầm 7 – 8 giờ sáng. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Chợ sớm

Những ngày cuối đông ở vùng tây Quảng Nam, cái rét căm căm, tê buốt cả thịt da. Nhất là vào ban đêm và rạng sáng, nhiệt độ giảm đột ngột song vẫn không ngăn được bước chân các mế, các chị, các em gái vùng cao cõng, gùi những sản vật đến với phiên chợ “3 nghìn” nằm ngay giữa lòng thị trấn P’rao. Gọi vui là chợ “3 nghìn” song thực chất chỉ có những món như bó rau má, rau dớn nhỏ và ít bắp chuối rừng là được bán với giá 3.000 đồng, các món khác theo giá thị trường. Có mặt tại phiên chợ từ rất sớm, không chịu được rét, chúng tôi sà vào đống lửa đỏ rực được các em trai, em gái đốt lên để sưởi ấm. Bên đống lửa đỏ, những đôi bàn tay lạnh cóng dần trở nên ấm lại và đôi má của những thiếu nữ vùng cao cũng ửng hồng lên.

Vừa soạn xong mớ hàng gồm một thau và một xô nhỏ với mớ lươn, ếch, cua mà em và cha mẹ lặn lội đi bắt từ 7 giờ tối đêm qua tới tận 12 giờ khuya, Bhnước Quang (thôn Đrôồng, xã Tà Lu) vô tư hong tay bên lửa, vui vẻ kể về đời sống, sinh hoạt của gia đình em với núi rừng. Bhnước Quang kể, chỉ trừ những đêm mưa quá to, còn lại đêm nào em và ba mẹ cũng tranh thủ đi ra đồng mò cua, bắt ốc, ếch, cá đồng để bán vào phiên chợ rạng sáng, kiếm thêm ít đồng mắm muối. “Ban đêm, giống cua, ếch thường đi ăn, đi gặp bạn tình nên rất dễ bắt” – Bhnước Quang vui vẻ kể. “Vậy ngủ khi nào?” – tôi hỏi. “Thì giờ đó em về tranh thủ ngủ vài tiếng đồng hồ lấy sức để đi chợ sáng, kiếm chút tiền phụ gia đình. Sáng sớm ba mẹ lên rẫy, còn em đi chợ về sẽ phụ dệt thổ cẩm ở nhà” – Quang nói. Alăng Thị Tâm (thôn Tà Vạt), cô gái mười tám, đôi mươi cũng đến chợ chỉ bán mớ đậu ve, ít trái su su, vài bắp chuối, ít măng rừng…

Ba giờ rưỡi sáng, màn đêm vẫn còn giăng bủa, giữa cái rét tê tái, hầu như chưa có người mua, chỉ lác đác người bán, ai nấy tranh thủ lựa chọn cho mình những chỗ ngồi thuận tiện, dọn ra mớ rau rừng, mớ cá, thịt rừng, tiêu rừng… Dù chưa bán được gì, nhưng các em bé vùng cao, các mế, các chị vẫn cười nói rất vui vẻ. Mế Huỳnh Xuân từ làng xa cõng gùi nông sản đi bộ cả mấy cây số từ làng tới chợ, vừa trải xong tấm bạt, bày biện ra mớ củ kiệu, mè đen, tiêu rừng, dăm nải chuối, vài bó rau dớn, dăm cái bắp chuối rừng và ít nấm được gia đình mế lấy từ rừng. “Đi bộ cũng hơi xa, nhưng mế vui lắm. Còn sức thì vẫn cứ đi chợ bán kiếm dăm ba chục bỏ túi chứ ở nhà buồn lắm” – mế Xuân nói. Cạnh đó, mế Alăng Lưới (thị trấn P’rao) đến chợ chỉ để bán buồng cau, mớ trầu, vừa trang trải tiền chợ, vừa có bầu bạn.

Nhọc nhằn sản vật của rừng

Alăng Thị Bắp (thôn Gừng, P’rao) cũng với mớ rau rừng, bắp chuối rừng được gùi đi xa vài cây số khi màn đêm còn dày đặc. Và khi chợ tan, Alăng Thị Bắp cũng như nhiều phụ nữ Cơ Tu khác lặn lội trở về nhà để cùng với gia đình lên rẫy, khi thì phát rẫy trồng keo, khi thì khai thác, đập và lột vỏ keo cho các chủ rừng với ngày công lao động được trả 150.000 đồng/ngày nhưng chỉ mang tính thời vụ. Chị Zơrum Thiêng mang đến chợ con cúi lúi vừa được đào bắt chiều qua và con vật “lẽo đẽo” theo bước chân chị với sợi dây cột quanh thân. Zơ Rum Thiêng kể, phải đào sâu mới có cúi lúi, con này thịt ăn ngon và bổ, mỗi con được bán với giá 100 – 200.000 đồng. Có người đi chợ chỉ để bán dăm bảy bó mía chặt khúc hay để nguyên cây. Có những phụ nữ còn mang đến chợ cam Ga Ri, ba kích tím và đẳng sâm từ khu 7, Tây Giang để bán cho khách mua về ngâm rượu. Nhiều chủ buôn cũng chở đến chợ nào là thịt heo, thịt gà, cá biển, mắm cái, muối dưới xuôi để đáp ứng nhu cầu bà con vùng cao.

Năm giờ sáng, chợ bắt đầu đông dần, nhiều cán bộ công tác ở vùng cao và bà con ở thị trấn P’rao cũng đã dạo qua phiên chợ để mua ít thực phẩm cho bữa ăn trong ngày. Các chủ nhà hàng, quán ăn cũng tranh thủ lội chợ để mua được mớ rau rừng còn tươi non, mượt và nhiều giỏ cua, cá đồng, ếch đồng, lươn, cá niêng tươi ngon. Lại có những cán bộ bám trụ ở vùng núi tranh thủ mua ít đồ rừng để gửi về gia đình dưới xuôi sử dụng, mà món rau rừng các loại dường như là thứ được mua nhiều nhất. Song khác biệt là phiên chợ vùng cao không sôi động, ồn ào như dưới xuôi và người mua – người bán hầu như rất ít mặc cả.

Từ 5 giờ tới tận 7 – 8 giờ sáng, cái rét không còn buốt thịt da như trước thì phiên chợ giữa thị trấn bắt đầu vắng người mua dần. Các mế, các chị, thiếu nữ vùng cao cũng tranh thủ về làng để bắt đầu với chuỗi bận rộn với cuộc mưu sinh khác, người lên rẫy, kẻ đi bẻ măng rừng, hái nấm rừng, rau rừng… chuẩn bị cho phiên chợ sau…

Hoàng Liên

Theo báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục