Đẩy mạnh trồng rừng thay thế

Để bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ nguồn gen thực vật và tránh xói mòn, hạn chế thiên tai, từ năm 2016 đến nay, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt 12 dự án trồng rừng thay thế với tổng diện tích 446ha. Để hàng triệu cây lát hoa, chò đen và thông ba lá phát triển ổn định giữa đại ngàn, Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị trúng thầu trồng rừng phải bảo đảm 1 năm trồng, 3 năm chăm sóc mới bàn giao cho chủ rừng quản lý, trông coi.

day-manh-trong-rung-thay-the
Hơn 65.000 cây lát hoa đã được trồng cách đây 2 năm tại tiểu khu 12 rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa. Ảnh: T.Y

Chú trọng trồng cây gỗ lớn

Hơn 65.000 cây lát hoa được trồng cách đây 2 năm tại tiểu khu 12 rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa giờ đã cao từ 2-3m, bung nở nhiều lộc non. Để vào được khu rừng này, chúng tôi phải để xe tạm tại tuyến đường cao tốc La Sơn – Túy Loan (đoạn giáp ranh Vườn quốc gia Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên Huế – PV) và đi bộ khoảng 1 cây số đường rừng, băng qua vài con suối nhỏ. Sau cơn bão số 13 năm 2020, lối đi quen thuộc rộng hơn 1 mét từ đường cao tốc vào tiểu khu 12 bị xóa sổ và lối mòn mới nhanh chóng hình thành bởi bàn chân của cán bộ kiểm lâm và người trồng, chăm sóc rừng cây lát hoa.

“Địa hình, thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp cho cây lát hoa phát triển. Cây trồng xuống nhanh bám đất, cho cành lá xum xuê”, vừa chỉ vào những ngọn đồi ở tiểu khu 12, ông Nguyễn Văn Tất, Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Phú – đơn vị trúng thầu dự án trồng rừng thay thế tại tiểu khu này nói. Theo ông Tất, trước khi quyết định tham gia đấu thầu các dự án trồng rừng, ông đã dành thời gian nghiên cứu địa hình, thổ nhưỡng các cánh rừng ở Đà Nẵng. Rừng Đà Nẵng có lớp thực bì dày, muốn cây con phát triển, phải xử lý thực bì, đào hố, bón phân, bảo đảm dinh dưỡng và nguồn nước tưới. Để trồng hơn 65.000 cây lát hoa tại tiểu khu 12, hàng chục công nhân Công ty TNHH Nguyên Phú ăn dầm nằm dề giữa rừng hơn 2 tháng. “Những ngày đầu trồng cây lát hoa, khó khăn nhất là bảo đảm nguồn nước và không cho dây leo, cây tạp mọc bám vào cây giống. Để bảo vệ cây, chúng tôi lập lán trại, cử một tổ công nhân hằng ngày chăm sóc, trồng thay thế cây còi cọc hoặc chết”, ông Tất cho hay.

Tại tiểu khu 10 thuộc xã Hòa Bắc, Công ty TNHH Nguyên Phú cũng vừa hoàn thành việc trồng hơn 58.000 cây lát hoa tại khu vực khoảnh 3, khoảnh 4 (tổng diện tích 47,72ha) sau 2 tháng triển khai. Loài lát hoa có kích thước trung bình, cao tới 25m, thân thẳng, gỗ bền chắc, không bị mối mọt, dẻo dễ uốn nắn, cành lá rậm. Với những cây gần 20 năm tuổi, đường kính thường đạt 30-50cm. Ông Tất nói, do địa hình tiểu khu 10 khá hiểm trở nên việc vận chuyển cây giống, phân bón rất khó khăn. “Hành trình mang cây giống vào tiểu khu 10, công nhân phải trực tiếp cõng, gùi trên lưng. Có những đoạn dốc đá cao, phải dùng máy tời kéo rê lên vách. Để trồng 47,72ha rừng cây lát hoa trong vòng 2 tháng, chúng tôi phải đưa 60 lao động vào ăn, ngủ, làm việc giữa rừng”, ông Tất nói.

Năm 2017, UBND thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh việc trồng rừng thay thế bằng những dự án cụ thể, như trồng cây thông ba lá quy mô 60ha tại tiểu khu 11, phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu); trồng cây chò đen quy mô 24ha tại tiểu khu 44, xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang). Năm 2019, UBND thành phố có Công văn số 932/UBND-KT ngày 6-2-2018 và Công văn số 467/VP-KTTC ngày 4-7-2019 giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư kiêm quản lý dự án trồng rừng thay thế tại địa bàn các xã Hòa Bắc, Hòa Phú (huyện Hòa Vang) với diện tích 123,49ha. Ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố cho biết, quy trình trồng rừng thay thế ở Đà Nẵng được UBND thành phố quy định chặt chẽ, trong đó tập trung một số loài cây gỗ lớn, phù hợp với địa hình và thổ nhưỡng, khí hậu Đà Nẵng như cây lát hoa, chò đen, thông ba lá. Cây giống chọn trồng phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đạt chiều cao 0,6-0,8m, đường kính cổ rễ từ 4mm trở lên, sinh trưởng phát triển tốt, không cong queo, cụt ngọn, không sâu bệnh, bộ rễ phát triển ổn định. Trước khi trồng cây phải xử lý thực bì, đào hố kích thước 40x40x40cm. Cây trồng xong phải thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ liên tục trong 3 năm, thường xuyên phát dọn thực bì, cắt gỡ dây leo, cây phụ sinh quấn vào thân cây trồng, tra dặm cây chết và bón phân chăm sóc cây chậm phát triển.

Cũng theo ông Phương, việc trồng rừng thay thế hiện nay được UBND thành phố giao cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thực hiện, quyết toán đúng quy định; đồng thời giao Sở NN&PTNT, UBND quận Liên Chiểu, UBND huyện Hòa Vang, Chi cục Kiểm lâm và các đơn vị liên quan phối hợp theo dõi, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra và nghiệm thu trồng rừng thay thế đúng quy định.

Sau 3 năm trồng và chăm sóc hàng ngàn cây thông ba lá trên diện tích hơn 13ha tại khoảnh 7, tiểu khu 6 phường Hòa Hiệp Bắc, Công ty TNHH Nguyên Phú đã bàn giao cho Hạt Kiểm lâm quận Liên Chiểu quản lý theo đúng hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư. Nhìn rừng thông mọc ổn định, cao tầm 2,5-3m, mới thấy hiệu quả của các dự án trồng rừng thay thế tại Đà Nẵng thời gian qua.

Thiết lập hồ sơ quản lý rừng

Để công tác quản lý rừng ngày một hiệu quả, từ giữa năm 2020, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tham mưu UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng và quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030, xây dựng chương trình quản lý rừng bền vững, thực hiện cắm mốc ranh giới, hỗ trợ các đề án trồng cây gỗ lớn, giám sát công tác quản lý, bảo vệ rừng… Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cũng yêu cầu Sở Tài nguyên – Môi trường hoàn thiện thủ tục pháp lý về thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất gắn với thu hồi rừng; tổ chức giao, cho thuê đất rừng đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đúng quy định; đồng thời giao Sở Du lịch rà soát, phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn thiên nhiên, phát triển rừng bền vững.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, công tác trồng rừng thời gian qua gặp không ít khó khăn do diễn biến thời tiết phức tạp. Các đợt nắng nóng liên tục, kéo dài vào các năm 2018, 2019, 2020 và một số cơn bão năm 2020 đã ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích trồng rừng thay thế, nhất là đối với cây con mới trồng, trồng dặm còn yếu. Ngoài ra, cơn bão số 9 năm 2020 cũng gây sạt lở, ảnh hưởng 0,5ha rừng đã trồng và chăm sóc 2 năm tại tiểu khu 15, xã Hòa Bắc. “Chúng tôi đang yêu cầu đơn vị thi công trồng rừng chủ động khắc phục hậu quả, tiếp tục trồng dặm, chăm sóc, bảo vệ rừng theo hồ sơ thiết kế đã duyệt để bảo đảm thành rừng sau khi bàn giao theo hợp đồng đã ký kết”, ông Trần Viết Phương cho hay.

Tính đến tháng 3/2020, Đà Nẵng có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng hơn 66.409ha, trong đó đất có rừng hơn 59.000ha (rừng tự nhiên 43.200ha, rừng trồng 16.200ha – PV), độ che phủ rừng tương ứng 46,3%. Ông Phương cho biết, việc kiểm kê rừng được thành phố thực hiện từ năm 2016. Tại thời điểm đó, diện tích rừng trồng mới (gồm rừng trồng mới trên đất chưa có rừng, rừng trồng lại sau khai thác, rừng tái sinh chồi) chỉ đạt 12.568ha và 10.119ha đất chưa có rừng (gồm một số loại như đất có cây gỗ tái sinh, đất mới trồng chưa thành rừng, đất có cây nông nghiệp, núi đá)…

Theo ông Phương, việc kiểm kê giúp đơn vị nắm bắt chính xác toàn bộ diện tích rừng, trữ lượng, diện tích đất chưa có rừng được quy hoạch cho mục tiêu lâm nghiệp gắn với chủ rừng cụ thể. “Kiểm kê thường xuyên giúp chúng tôi thiết lập được hồ sơ quản lý rừng, tạo cơ sở dữ liệu rừng và đất lâm nghiệp chưa có rừng. Ngoài ra, việc xác định nguồn gốc, mục đích sử dụng rừng của chủ rừng, đơn vị hành chính liên quan thông qua hoạt động kiểm kê sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để Đà Nẵng thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ”, ông Phương nói.

Ông TRẦN VIẾT PHƯƠNG, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chính sách trồng rừng có nhiều điểm mới

Chính sách trồng rừng hiện nay có nhiều điểm mới, nổi bật so với trước đây như Thông tư số 15/2019/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNN ngày 30-10-2019 về hướng dẫn một số nội dung quản lý đầu tư công trình lâm sinh (thay thế Thông tư số 23/2016/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNN ngày 30-6-2016) đã tăng các tiêu chí nghiệm thu, bàn giao rừng trồng thay thế như tỷ lệ cây sống tốt sau tra dặm tăng từ 70% lên 85%, mật độ cây sống khi hoàn thành thời gian kiến thiết cơ bản tăng từ 70% lên 75%, qua đó ràng buộc đơn vị thi công phải nâng cao hiệu quả, chất lượng rừng trồng. Tuy nhiên, hiện các định mức kinh tế kỹ thuật lâm sinh còn khá thấp nên chưa khuyến khích được các đơn vị tham gia thực hiện.

Ông NGUYỄN VĂN TẤT, Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Phú: Rừng Đà Nẵng phù hợp trồng cây lim xanh

Với kinh nghiệm hơn 20 năm trồng rừng, tôi thấy cây lim xanh khá phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu rừng Đà Nẵng. Đây là loài cây trồng ít bị sâu bệnh, trâu bò không ăn, dễ sinh trưởng, phát triển. Lim xanh cũng là cây bản địa ở Đà Nẵng nên việc gầy lại các rừng lim là cần thiết và phù hợp. Ngoài ra, rừng Đà Nẵng không nên trồng cây thuần loại mà nên trồng hỗn giao, nghĩa là nhiều loại cây trên cùng một diện tích, tạo điều kiện cho cây phát triển đồng đều, nếu rủi ro sâu bệnh chết cây này còn cây khác.

Tiểu Yến – Quỳnh Trang

Theo Đà Nẵng Online

 

Link nguồn: https://www.baodanang.vn/channel/5404/202101/phat-trien-rung-ben-vung-bai-3-day-manh-trong-rung-thay-the-3875649/

Cùng chuyên mục