Đất và người Tân Lộc – Ngọc Giáp

Con đường Võ Chí Công ở vùng đông TP.Tam Kỳ và huyện Núi Thành có một đoạn băng qua địa giới các xã Tân Lộc và Tân Lộc Ngọc Giáp xưa (nay là hai thôn Tân Lộc và Lộc Ngọc, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành). Ven phía đông đoạn đường này có hai di tích: mộ ông Trần Văn Thái – Thượng thư Bộ Công đầu tiên thời vua Gia Long và mộ của chí sĩ Phan Bá Phiến – một trong những lãnh tụ của phong trào Nghĩa hội Cần Vương chống Pháp ở Quảng Nam.

dat-va-nguoi-tan-loc
Mộ thượng thư Trần Văn Thái. Ảnh: PHÚ BÌNH

Đất Tân Lộc – Ngọc Giáp xưa

Nằm giữa hai nhánh sông Tam Kỳ và Trường Giang, khá gần cửa biển An Hòa, phía nam xã Tân Lộc giáp xã Tân Lộc Ngọc Giáp; phía bắc giáp xã Quảng Phú thuộc tổng Hưng Thịnh Hạ, huyện Lễ Dương – theo địa bàn hành chính đầu thời Nguyễn. Trước đó, vào thời các chúa Nguyễn (thế kỷ 17, 18) chưa thấy tư liệu lưu lại nào ghi tên Tân Lộc và Tân Lộc – Ngọc Giáp là địa hiệu hành chính.

Trong danh sách các xã, thôn, phường (được ghi trong sách Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn soạn năm 1776) nằm cùng địa bàn với hai địa phương nói trên, hiện còn một số tên có thể nhận ra như Thạch Tân, vi tử Hương Trà (nay thuộc địa bàn TP.Tam Kỳ); vi tử nhiêu phu Tịch An Đông phường, Hòa Trà Tây, Hòa Trà Đông (nay thuộc các xã Tam Xuân 1, Tam Tiến của huyện Núi Thành). Giữa các địa danh đó có tên “vi tử Hoa Lộc”. Có suy đoán, thời vua Thiệu Trị, do kỵ húy, các địa danh có từ “Hoa” trên khắp nước phải đổi sang từ khác: như phủ Thăng Hoa (tỉnh Quảng Nam) đổi thành phủ Thăng Bình; huyện Mộ Hoa (tỉnh Quảng Ngãi) đổi thành huyện Mộ Đức…; do đó, Hoa Lộc được đổi thành Tân Lộc. Tuy nhiên, suy đoán này chưa phù hợp. Bởi trong địa bạ lập thời Gia Long trước đó (từ năm 1804 – NV), đã thấy có hai tên Tân Lộc và Tân Lộc Ngọc Giáp là hai xã  thuộc địa bàn của một đơn vị hành chính xưa có tên là “thuộc Liêm Hộ” (Liêm hộ: đọc trại của chữ “Kim hộ”; nay thuộc địa bàn của các huyện Núi Thành, Phú Ninh, TP.Tam Kỳ và một phần của huyện Tiên Phước – NV).

Theo nghiên cứu của cụ Ngô Duy Trí (cán bộ lão thành, ở phường An Phú, TP.Tam Kỳ, đã qua đời năm 2015) về phổ chí của tộc Nguyễn Thiên (sau cải thành Nguyễn Văn) ở địa phương thì vào niên hiệu Chính Trị thứ 12 đời vua Lê Anh Tông (1568) đã có hai vị thủy tổ của tộc này là Nguyễn Đăng Trình và Nguyễn Đăng Tài là những người đầu tiên vào vùng Tân Lộc Ngọc Giáp “kiến canh điền bộ”; về sau, con cháu họ mới thiên cư đến vùng “núi An Hà” ở phía tây – nay thuộc phạm vi phường An Phú, TP.Tam Kỳ.

Thượng thư Trần Văn Thái

Bộ sử Đại Nam thực lục ghi rất chi tiết về cuộc đời của ông thượng thư có quê ở Tân Lộc  Ngọc Giáp này. Sách Đại Nam liệt truyện tóm tắt lại như sau: “Trần Văn Thái: người huyện Hà Đông, trấn Quảng Nam. Buổi đầu theo ngụy (cách gọi nhà Tây Sơn của người viết sử triều Nguyễn – NV) làm Cai bạ kiêm Công bộ. Năm Quý Sửu – 1793, xin quy thuận, bổ làm Tri đồ gia Cai bạ. Mùa thu năm Bính Thìn – 1796, cùng với viên quản Trung thủy là Vũ Di Nguy, kiêm quản cả doanh Ngũ thủy. Thái là người có tài khéo, phàm chỉ bảo cách thức đóng các thuyền đều do ở tay Thái cả. Mùa thu năm Kỷ Mùi – 1799, quân ta (quân Nguyễn – NV) lấy lại Quy Nhơn, Thái (…) chọn lính ở phủ Quy Nhơn dồn bổ vào đội ngũ. Rồi sau (…) theo Đông cung về Gia Định, trước coi các đội vận chuyển bằng thuyền mộc đĩnh. Năm Gia Long thứ 1, Thái kiêm quản cả ban tàu vận. Năm thứ 2, vua ra tuần miền bắc, Thái cùng với Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Văn Khiêm ở lại giữ kinh thành. Năm thứ 5, quản lĩnh các hạng thợ. Thái cho việc Bộ Công bề bộn, xin đặt thêm chức Thiêm sự, vua y cho. Rồi kiêm lĩnh cả doanh Phấn Dực… Năm thứ 8 – 1809, Thái đổi bổ làm Công bộ Thượng thư, vẫn thống quản các thủy quân, rồi chết (1810 – NV), tặng là Tham chính, cho nhiều gấm lụa, cấp phu coi mộ”.

Dòng chính trên bia mộ ông Thái ghi các tước hiệu “Tán trị công thần – Công bộ Thượng thư – Thống quản Thủy quân (tặng) Sùng Tiến Tuyên Lộc đại phu – Tham chính Quý Đức hầu” đúng như sắc gia phong ký vào ngày 13 tháng 3 âm lịch năm Gia Long thứ chín – 1810 hiện còn lưu ở gia tộc tại xã Tam Tiến.

Theo truyền khẩu, để an táng vị Thượng thư Bộ Công đầu tiên của triều vua Gia Long về yên nghỉ ở quê quán, huyện Hà Đông đã phải huy động rất nhiều dân phu đào một con kênh từ bờ tây sông Trường Giang dài hơn 0,5km để thuyền chở quan tài vào huyệt mộ. Mộ cụ Thái lớn nhất ở vùng nam Quảng Nam xưa. Do chiến tranh, nhiều kiến trúc không còn nguyên vẹn; tuy nhiên, hiện trạng còn lại vẫn giúp hình dung được kiến trúc mộ lúc ban đầu.

Chí sĩ Phan Bá Phiến

Mộ cụ Phan Bá Phiến ở Tam Tiến đã được trùng tu khang trang và được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Mặt trước bia mộ (cũ) có dòng chính ghi “Đại Nam – Tân Phong – Mậu Ngọ khoa Cử nhân – Lĩnh Phù Cát huyện Tri huyện – Thọ lĩnh Cần Vương Súy Án Sát sứ Phan Lệnh Công chi mộ”. Nội dung này thể hiện đầy đủ các nét chính về cuộc đời người trong mộ: “Quê ở Tân Lộc, sau khi đỗ Cử nhân (sách Quốc triều Hương khoa lục ghi đỗ năm Nhâm Ngọ 1882 – NV) được bổ làm tri huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Bỏ chức quan về nhà, cụ Phan Bá Phiến tham gia quân Nghĩa hội Cần vương (Cần vương sư) ở Quảng Nam; giữ chức Án sát sứ”.

Mặt sau bia mộ ghi: Hiển tổ Phan Lệnh Công húy Bá Phiến, tự Dương Nhân. Sơ bạt Hương giải, toại ác huyện Phù. Hàm Nghi nguyên niên Ất Dậu: Quốc vong, Đế xuất. Phụng chiếu Cần Vương, lũy dữ Pháp binh chiến. Thời quai lực kiệt, sát thân thành nhân, cẩn cúc lệ nhi hiến. Thụy viết “Lượng tiết công”. Ô hô! Minh viết: Sinh ư hiếu, tử ư trung; dĩ quốc lương thủy dĩ quốc liệt chung; dĩ lượng dĩ tiết ư ngã Tiên công. Bảo Đại thập nhất niên, thập nhất nguyệt, sơ bát nhật. Tự tôn: Phan Bích bái lặc”. (Dịch: Ông nội họ Phan tôn quý của chúng tôi tên húy là Bá Phiến, tên tự là Dương Nhân. Buổi đầu, đỗ thi Hương, được giao giữ chức ở huyện Phù Cát. Năm Ất Dậu – 1885, nước mất, vua rời kinh thành; tuân chiếu Cần Vương, nhiều lần cùng quân Pháp giao chiến. Thời không gặp, sức không còn, chắp tay nhỏ lệ bái lạy (triều đình) rồi tự vẫn. Sau khi ông hy sinh, người đời xưng tụng là bậc khí tiết thanh cao. Hỡi ơi! Xin khắc câu minh: “Sống vì hiếu, chết bởi trung; trước: lấy việc nước làm đầu, sau: vì nước mà quyết chết; đó là phẩm cách cao đẹp của Tiên công chúng tôi. Lập bia vào ngày mùng 8 tháng 11 năm Bảo Đại thứ 11 – 1936. Cháu thừa tự: Phan Bích bái lạy khắc bia).

Hoạt động chống Pháp và sự hy sinh lẫm liệt (uống thuốc độc tự vẫn khi việc không thành) của cụ Phan Bá Phiến hầu như người Quảng Nam ai cũng biết. Nhưng, ít ai biết, trong guồng kìm kẹp của thực dân, dựng được một văn bia có nội dung yêu nước chống thực dân như trên quả là chẳng dễ!

Phú Bình

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/dat-va-nguoi-xu-quang/dat-va-nguoi-tan-loc-ngoc-giap-106821.html

Cùng chuyên mục