Hè đã về rồi sao?

Dạo một vòng Facebook, thấy vài bạn bè dưới quê không hẹn mà gặp cùng khoe những khoảnh khắc thả diều vui vẻ cùng chồng, cùng con, tôi mới ngợ ra, à Hè đã về rồi…

Hè về râm ran tiếng ve, mang theo những cơn nóng gai người, những trận nắng đổ lửa. Sao mùa Hè đến sớm vậy kìa? Tôi vu vơ thắc mắc. Bây giờ chỉ mới tháng 3 thôi mà. Học trò đã nghỉ Hè đâu. Sài Gòn vào đợt nắng nóng hanh hao, tự dưng tôi lại thèm mùi gió đồng mang theo hơi đất, mùi rạ khô, từng cơn, từng cơn gió lồng lộng hào phóng thổi trên cánh đồng nhao nhao tiếng tụi con nít thả diều…

Thèm là thèm vậy, nhưng nỗi nhớ về những buổi thả diều cùng chúng bạn lại không sâu đậm bằng những ngày Hè quê ngoại. Những năm tiểu học và cấp hai, mỗi kỳ nghỉ Hè tôi đều được mẹ cho về quê ngoại sống một tháng. Hè ở quê ngoại không có những trưa trốn ngủ theo tụi bạn hái me hái ổi, chơi năm mười hay thả diều, đánh trỏng. Hè quê ngoại là những sáng theo em họ bắt chằn, bắt rẹm để làm mồi đặt lợp, bỏ ngủ trưa đi đặt lợp hoặc câu cá bống dừa theo con nước, chiều cùng dì Út làm mồi cám, chày cá tép hay mò hến, tắm sông. Có những ngày “giải lao” không kiếm cá bắt hến, dì cháu chị em chúng tôi cũng chơi trò đồ hàng, bán bánh mì hay bánh canh thịt vịt bột xắt… Bánh mì là đoạn thân mập ú của cây dầm mọc dại ven bờ mương hay thân lục bình cậu vớt trên sông về thả trong mương nước. Nhân thịt rau của bánh mì là đọt lục bình hoặc lá dầm, trái ô rô. Bánh canh là nhụy hoa bần xé sợi, thịt vịt là trái bần cắt lát, rắc thêm vài lá đinh lăng xắt nhuyễn thay cho hành lá. Tiền để mua những món “bá cháy” ngày ấy là lá mít, “mệnh giá” cao hơn thì là lá mận hay lá xoài, bởi trong suy nghĩ giản đơn của bọn con nít tụi tôi thì lá nào to hơn sẽ có giá trị cao hơn. Chúng tôi nhập vai cũng đạt lắm nghen, cũng giả bộ “sụp soạt” ăn ngon lành, luôn miệng “ngon quá, ngon quá”, cũng rút từ lưng quần lấy tiền mới cứng ra trả, rồi ha hả cười vang góc vườn. Tưởng những ký ức ấy đã trôi vào quên lãng, nhưng bất giác ùa về khiến lòng tôi rộn rã. Đó là những tháng ngày hạnh phúc ở quê ngoại, ký ức vẫn theo tôi suốt những năm tháng sau này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nắng Hè quê ngoại rất khác nắng Hè nhà tôi. Gió mát rượi hắt lên từ bốn mặt kênh quanh nhà chứ không hanh khô như ở nhà tôi, ánh nắng chói chang nhưng khi xiên qua tán lá trên cao lại sáng lấp lánh, mơ màng. Những tán lá ấy là mái lá mát lành của những gian hàng bánh mì, bánh canh “xóm lá”, cái xóm nghèo thỉnh thoảng dậy lên mùi bùn ngay ngáy hay thảng thốt tiếng bìm bịp kêu con nước lớn ròng.

Hoài niệm về những trò chơi thuở nhỏ, bạn có thể chợt nhớ chợt quên nhưng sẽ không bao giờ biến mất, có phải không? Hình ảnh về những ngày vô ưu vô lo thời thơ ấu cứ nối tiếp nhau ùa về như cuốn phim quay chậm, từng cảnh, từng khoảnh khắc tỏ mờ đan xen. Đó là khoảnh khắc té lăn cù nhưng vẫn cười sảng khoái với trò chơi kéo mo cau chạy quanh từ đầu sân ra cuối bờ. Là tiếng cười khoái trá khi cố ý kéo mo cau chạy thật nhanh cho người ngồi trên mo cũng té lăn cù như mình, thiệt hả hê. Đó là những đêm mấy dì cháu chị em nằm xếp lớp trùm mền tận cổ nghe bà ngoại kể chuyện ma, mà theo lời ngoại thì đều là những câu chuyện có thật, ông ngoại cũng đôi ba lần là người trong cuộc. Sợ thì rất sợ nhưng tụi con nít tụi tôi rất thích nghe, dẫu nghe đến thuộc làu nhưng vẫn thích nghe, bởi giọng kể đều đều của ngoại như giọng kể của bà Tám kể chuyện cổ tích trên tivi hay chiếu sau này. Đó là khung cảnh đêm trăng sáng mờ mờ, gần 8 giờ tối, hai chị em bơi ghe vào bến ông Tám chờ rước cậu đi dạy về, với một cây đèn pin cũng sáng mờ mờ và tiếng khua mái chèo là âm thanh duy nhất. Có thể em họ cũng nín lặng vì sợ như tôi, một tiếng chim chuyền vút cánh qua tàu lá cũng khiến chị em tôi hú hồn hú vía. Ánh sáng chớp tắt của bầy đom đóm trên ngọn bần hồi ấy chúng tôi không hề thấy đẹp, chỉ thấy sợ, bởi bà ngoại có lần từng nói mỗi con đom đóm là một hồn ma. Sau này trưởng thành rồi, vài lần tình cờ thấy những ngọn bần lung linh trong đêm, bừng sáng rồi chợt tắt bởi hàng trăm con đom đóm khi đi ghe cùng mẹ hay cậu mợ tôi mới phát hiện hình ảnh ấy mới lãng mạn và đẹp xiết bao. Nhưng nghĩ mãi tôi vẫn không nhớ ra sao lúc ấy chị em tôi có thể bơi được đến bến ghe nhà ông Tám để đón cậu về, sao chị em tôi có thể dám đi như thế dù đứa nào cũng nhát gan và sợ ma dù không có người lớn đi cùng.

Bạn tôi hay nói con nít bây giờ thiếu vắng tuổi thơ, kể cả trẻ con thành thị lẫn thôn quê, bởi trẻ con bây giờ chỉ có học và học, Hè cũng đi học, học thêm, học nâng cao, rồi học năng khiếu… Nếu có thời gian rảnh, đa phần trẻ con cũng dán mắt vào ipad, vào smartphone. Và những trò chơi dân gian ấy thời bây giờ cũng không đứa trẻ nào biết chơi nữa. “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”, triết gia Heraclitus từng nói như thế. Dù tôi có mặc sức thả trôi miền nhớ về những ngày Hè ấu thơ quê ngoại cũng không thể nào tìm lại được chính tôi ngày ấy, không thể sống lại cảm xúc của những ngày tháng ấy, lần thứ hai. Thời gian một khi đã trôi đi sẽ không bao giờ trở lại. Con nước còn khi lớn khi ròng, trôi ra biển rồi cũng sẽ trở lại về sông, nhưng thời gian thì không. Và tôi cũng ngộ ra, thời gian thật vô tình, dù mình hữu ý cũng không thể nào níu giữ được thời gian.

Đến bây giờ tôi vẫn rất thích cuốn sách Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, và câu chú viết trong lời tựa, “tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những người từng là trẻ em”. Tôi đã từng là trẻ em, tôi nhớ những ngày mình từng là trẻ em và từng ước ao được trở lại là trẻ em thuở lên tám lên mười. Nơi đó, ở một góc vườn quê ngoại, dưới bóng râm của cây mận lão, có tiếng con nít trong veo, hồ hởi “chủ quán, bán tui ổ bánh mì thịt, bỏ thịt nhiều nhiều nghen”, mặc kệ trên đầu nắng Hè chói chang, nhảy múa đủ đường tìm cách xiên qua kẽ lá…

Miên Viễn

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/trua-choi-nang/

Cùng chuyên mục