Có những đời người trôi trong ký ức

Khi đọc Sông của Nguyễn Ngọc Tư, tôi đã nhận ra vài dấu hiệu nhận biết đặc biệt rõ nét về “nỗi đời riêng” của con người.

Đó là điều cứ loay hoay và níu giữ tôi ở lại với dòng sông của một người đàn bà mà từ lâu không còn “gặp gỡ”.

Cái đủ đầy nhất của Sông là sự thật, nhưng lại là chạy trốn sự thật. Đó là ban đầu tôi nghĩ vậy. Đó là cái cách như Ân, chạy trốn sự thật giữa cuộc sống đô thị.

Khi nghĩ đến Ân, tôi lại hoảng hốt mà thấu hiểu những điều hoàn toàn vượt lên cả ranh giới của sự thật, ranh giới của tình yêu, giới tính. Ngay cả ranh giới của những mến thương cũng hoàn toàn chẳng còn tồn tại.

Tiểu thuyết “Sông” của Nguyễn Ngọc Tư. Ảnh: NXB Trẻ

Rốt cục, nó chỉ được ngăn cách nhau bằng vạch phấn và sự ảo tưởng, dù bước qua hay không, vẫn nhìn thấu rõ.

Sông với tôi có nhiều cảm động, không bởi những bày phơi thân phận dọc sông Di mà người chị ấy trải ra, mà chính bởi những mẫn cảm riêng tư của bản thân. Ân là một phần dịu ngọt nhỏ nhẹ mà cay đắng nhắc nhớ như kề ngay bên cạnh tôi còn hơi thở nồng nồng của cậu.

Tôi thực sự thích cách Ân ở bên cạnh những người phụ nữ của mình, đó là San, Ánh và người mẹ, những người đã trải qua nhiều đổ vỡ, vừa tha thiết, bất mãn, vừa ngông ngạo, yếu đuối, vừa si mê, dỗi hờn…

Những người đàn bà không bao giờ có một mẫu số chung nhận định sướng khổ, mà chỉ cứ giữ mãi trong lòng nồng nàn.

Những người dồn nén rung cảm của tôi trong Sông đều lần lượt biến mất trong khói trời mù sương. Ảnh minh họa: Điện Ảnh Việt Nam

Tôi cảm thấy dễ dàng thích ứng được với những dấu hiệu mang tính ký ức. Đó là sự dẫn dụ đáng đánh cược nhất. Con người với tôi là sự nghi hoặc từng được cân đo đong đếm. Những khi thực sự đến gần Ân, tôi cảm thấy Ân là sự hiện hình về con người trong tôi.

Bởi thế, khi tôi nhìn thấy Ân ở bên San, tôi tự nhiên học được cách yêu thương đời người, đặc biệt là người đàn bà từng trải, trôi thản nhiên trên dòng sông mang tính nữ mãnh liệt ấy, để thỏa mãn khoái lạc đồng điệu của một phụ nữ.

Những người dồn nén rung cảm của tôi trong Sông đều lần lượt biến mất trong khói trời mù sương. Đó là điều hay. Tôi tin vào sự biến mất hơn là tồn tại dài lâu. Tôi nghĩ về cái chết gần gụi, trong sự thèm khát mãnh liệt. Ở đó, cái chết thực sự xảy đến một cách thú vị.

Tôi đọc cuốn sách này, riêng tư như thế thôi, rồi lấy cái cớ của nó mà giãi bày dăm ba chuyện thầm kín không biết cách nói ra. Đó là sự cuồng mê đắm sinh hoang tưởng vỗ về cho bản thân, cũng giống như Ân, biết đâu tất cả chỉ là tưởng tượng, chỉ mình tôi biết, tôi đã chạm được vào.

Và vì Sông, vì Ân, hay vì San, vì Ánh, tôi đã cảm thấy yêu người đàn bà đã từ lâu tôi không gặp gỡ ấy. Dù thiếu hụt niềm tin, tình vẫn nhóm lên trong “khói trời lộng lẫy” ấy.

Phong Linh

Theo Zing.vn

 

Link nguồn: https://zingnews.vn/co-nhung-doi-nguoi-troi-trong-ky-uc-post1088767.html

Cùng chuyên mục