Cô giáo ròng rã 10 năm “mở cửa thiên đường” cho trẻ ung thư

Nhiều cô giáo và tình nguyện viên cũng đến rồi đi, bởi vì cuộc sống, hoặc bởi vì không thể chịu đựng được nỗi đau tiễn biệt.

Dọc hành lang bệnh viện, những nụ cười, cái nắm tay và lời chào thân thiện của cha mẹ lẫn đứa trẻ đối với cô, tôi thực ngưỡng mộ. Nhưng lắng nghe câu chuyện của cô rồi, tôi lại thêm cảm phục đối với người phụ nữ có vóc dáng nhỏ nhắn ấy.

Tính từ khi thành lập đến nay là vừa tròn 10 năm cô Đinh Thị Kim Phấn đồng hành cùng lớp học cho trẻ ung thư. Từ những ngày đầu còn đầy rẫy khó khăn, cho đến nay đã đi vào quỹ đạo ổn định. Bước sang năm học thứ 11, lần đầu tiên các em có một lễ khai giảng đúng nghĩa.

"Thời gian của chúng tôi đều đã trở nên gấp gáp".
“Thời gian của chúng tôi đều đã trở nên gấp gáp”.

Chứng kiến những đứa trẻ đầu lơ thơ tóc, tay cắm kim chuyền, gầy gò yếu ớt, nhiều cô giáo, bác sĩ và phụ huynh không cầm nổi nước mắt.

Cô Phấn chia sẻ: “Đối với cả cô và trò chúng tôi, thời gian đều đã trở nên gấp gáp. Chúng tôi quý trọng khoảng thời gian còn lại. Và tôi mong muốn làm được thật nhiều điều cho các bé”.

Cô giáo Đinh Thị Kim Phấn trong buổi lễ khai giảng (Ảnh: NVCC).
Cô giáo Đinh Thị Kim Phấn trong buổi lễ khai giảng. Ảnh: NVCC

Ít người hình dung được hành trình đến với những đứa trẻ ung thư, trong lớp học đặc biệt nhất TP.HCM của cô giáo Phấn khó khăn hơn rất nhiều so với tưởng tượng. Bởi chính cô cũng đã từng trải qua nỗi đau, mà như cô nói “không gì có thể so sánh được”. Đó là câu chuyện từ đại ngàn Tây Nguyên cách đây 40 năm.

Hơ Phấn của núi rừng đại ngàn Tây Nguyên

Năm 1977, khi đất nước vừa thống nhất không lâu, nữ sinh Đinh Thị Kim Phấn nghe theo tiếng gọi của trái tim, để lại thành phố cùng gia đình thân thương, vượt chặng đường xa lên Tây Nguyên, cống hiến sức trẻ.

Đăng ký học sư phạm tại Đại học Tây Nguyên, nữ sinh viên hăng hái trong học tập cũng như các hoạt động của trường, lớp. Ngày ấy, Tây Nguyên vẫn còn nhiều biến động, nhưng Kim Phấn không sờn lòng. Cô vẫn giữ một tình yêu ban đầu đối với Tây Nguyên, với bầu trời xanh ngắt, áng mây trôi lững lờ, tiếng chim hót líu lo.

"Tôi từng nghĩ sẽ gắn bó với Tây Nguyên đến hết đời, cho đến khi gặp phải cú sốc lớn" (Ảnh: NVCC)
“Tôi từng nghĩ sẽ gắn bó với Tây Nguyên đến hết đời, cho đến khi gặp phải cú sốc lớn”. Ảnh: NVCC

Tại trường học, Kim Phấn tham gia lớp dạy tiếng Việt cho đồng bào dân tộc của thầy Nguyễn Trường và thầy Phạm Toàn. Cảm thấy việc truyền đạt con chữ gặp nhiều trở ngại, cô quyết định học thêm tiếng Ê Đê, chỉ với mục tiêu dạy chữ cho con em đồng bào, không ngờ rằng, đấy lại là cơ duyên gắn bó hơn 10 năm sau này.

Ra trường, mặc dù được phân công về dạy học ở ngôi trường có con em người Kinh, nhưng lòng Kim Phấn vẫn luôn đau đáu ước nguyện mang chữ đến cho đồng bào dân tộc. Vậy là cô tìm cách đổi trường, và phải cam kết tự chịu trách nhiệm, bởi ngày ấy, Tây Nguyên vẫn chưa thật sự yên bình.

Cô Kim Phấn chia sẻ: “Cảm giác ngồi trên xe từ thị trấn Buôn Hồ (nay là thị xã Buôn Hồ) đến xã Cơ Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk. Ngắm núi rừng trùng điệp, phía xa xa là vạt nương lúa chín, không khí trong lành, mát lạnh, tôi thấy yêu vô cùng”.

Kim Phấn ở lại nhà một người phụ nữ dân tộc, lúc đó, cô cũng chưa thành thạo tiếng Ê Đê, vì vậy, cứ thấy người ta sinh hoạt thế nào là làm theo.

Ngày đầu tiên lên lớp, cô trò tròn mắt nhìn nhau, chẳng biết giao tiếp như thế nào, cô giáo Phấn đành cho lớp nghỉ. Chiều hôm đó, cô tìm gặp một số thanh niên biết chữ, nhờ họ phiên âm những câu cơ bản từ tiếng Ê Đê sang tiếng Việt. Sáng hôm sau, cô có “tài liệu” để dạy học.

Người giáo viên được tất cả những đứa trẻ yêu thương.
Người giáo viên được tất cả những đứa trẻ yêu thương.

Gắn bó với đồng bào nơi đây 12 năm, Kim Phấn từ một cô giáo trẻ, rồi trở thành Hiệu phó, được cử đi học quản lý để chuẩn bị lên làm Hiệu trưởng. Kim Phấn, cũng từ một cô gái, rồi cô lập gia đình, có 2 người con trai kháu khỉnh. Người con đầu làm việc rất giỏi, còn người con thứ lại học rất tốt.

Kim Phấn từng nghĩ, cuộc sống của cô chắc hẳn cứ gắn bó với đồng bào dân tộc như vậy đến hết đời. Đồng bào còn đặt cho cô cái tên Hơ Phấn. Bởi theo truyền thống của người Ê Đê, chữ “Hơ” chỉ dành cho con gái, có nghĩa tương đồng như chữ “Thị” của người Kinh. Ấy thế mà, nỗi đau đột ngột xảy ra vào năm 1989, con trai đầu của cô mất.

Tôi cứ nghĩ đó chỉ là cơn sốt bình thường, đưa vào viện con vẫn còn nói chuyện bình thường, nhưng được một lát thì con co giật, hôn mê, rồi mất vào sáng ngày hôm sau. Tôi không bao giờ ngờ tới, sự việc diễn ra quá nhanh khiến tôi bị trầm cảm mất một năm sau đó”.

Kim Phấn “bỏ trốn”. Trốn khỏi Tây Nguyên đại ngàn. Cô trở về Sài Gòn, cả ngày chỉ nhìn chăm chăm vào bức tường, vì hễ cứ nhìn thấy màu xanh cây lá lại nhớ đến Tây Nguyên, nhớ đến con trai.

Khi đã bình tâm lại, Kim Phấn quyết định lên Tây Nguyên, xin chuyển công tác, về Sài Gòn, khép lại 13 năm đầy ắp kỷ niệm, dành trọn tuổi thanh xuân gắn bó với núi rừng và bà con đồng bào Tây Nguyên.

Kim Phấn vẫn mang trái tim nhiệt huyết, nhưng thêm vào một tinh thần thép

Trở về Sài Gòn, nhờ những cống hiến trước đây, cô được nhận vào Trường tiểu học Đuốc Sống. Từ một người Sài Gòn, Kim Phấn lên Tây Nguyên phải học cách để làm quen với cuộc sống của đồng bào dân tộc, rồi trở thành một thành viên của Tây Nguyên. Giờ đây, cô lại học cách làm quen với sự năng động của Sài Gòn.

Mọi thứ chẳng có gì biến động lắm cho đến khi tôi bắt gặp bài báo về “đóa hướng dương” Lê Thanh Thúy. Một bài viết rất xúc động. Tôi thường lấy để đọc cho học sinh nghe và dạy về tấm gương nghị lực của một cô bé bị bệnh ung thư nhưng vẫn nghĩ đến mọi người”.

Thương mến bé Thúy, cô Kim Phấn tìm đến nhà thăm em, rồi sau khi em mất, cô thường vào bệnh viện thăm những đứa trẻ khác. Thấu hiểu nỗi đau của các em, vì vậy, khi được mời đứng lớp dạy chữ cho các bé, cô gật đầu đồng ý không suy nghĩ.

Cô báo cáo Ban giám hiệu Trường tiểu học Đuốc Sống và được tạo điều kiện các buổi chiều thứ 6, cô dành thêm sáng thứ 7 và chủ nhật cho các em.

Lễ khai giảng đầu tiên của lớp học diễn ra vào ngày 4/9/2009, với 50 học sinh. Thời gian đầu tiên, các cô giáo phải dạy trong phòng bệnh, cứ mỗi lớp học lại có chiếc bàn gấp con con cho 5 – 6 em, cô Phấn cử ra giáo viên, tình nguyện viên cho mỗi phòng, rồi lại sang phòng khác. Trẻ em của 6 phòng bệnh được tập trung thành 4 điểm học.

Có những lúc bệnh nhân và người nhà chưa hiểu nên không cho mở lớp. Họ nói, bệnh tật sống chết nay mai, còn học để làm gì!”.

Cô giáo Phấn luôn động viên, giúp đỡ "phụ huynh" của lớp học vượt qua nỗi đau.
Cô giáo Phấn luôn động viên, giúp đỡ “phụ huynh” của lớp học vượt qua nỗi đau.

Sau đó, bệnh viện bố trí 1 phòng trên lầu 2, khu B gọi là phòng sinh hoạt chung và được sử dụng làm lớp học cho các bé đến bây giờ.

Các con chuyển từ học 3 buổi xuống còn 2 buổi, vào chiều thứ 6 và sáng thứ 7. Nhiều cô giáo và tình nguyện viên cũng đến rồi đi, bởi vì cuộc sống, hoặc bởi vì không thể chịu đựng được nỗi đau tiễn biệt. Chỉ có cô giáo Kim Phấn vẫn ở đó, trực tiếp cùng lũ trẻ trải qua ngày tháng.

Sau 10 năm gắn bó với lớp học, tôi biết rằng các bé không những khát chữ, khát khao được học tập, mà còn có rất nhiều ước mơ đẹp đẹp khác nữa. Chỉ có điều, đó đều là những ước mơ rất xa xôi với các em”.

Ước mơ trở thành bác sĩ của bé Vân Thành (Ảnh: NVCC)
Ước mơ trở thành bác sĩ của bé Vân Thành. Ảnh: NVCC

Trong 10 năm ấy, cô Kim Phấn không chỉ dạy các bé học chữ, học múa, học hát mà còn từng lần, từng lần tiễn các bé ra đi. Có bé thì cô kịp đến viện chia tay, gặp mặt lần cuối, có bé thì cô tham dự đám tang, cũng có bé cô về tận nhà đưa tiễn. Cô Kim Phấn luôn gìn giữ từng cuốn vở của các con, đa số chúng đều đang viết dở. Cô dành nó để làm kỷ vật, kèm với cuốn album hình tặng cho gia đình sau này.

Cô từng đi khắp các tỉnh thành, khắp các nẻo đường, miền núi, biển đảo, để dự đám tang và trao kỷ vật cho những học trò cô yêu thương.

Làm thế nào để chịu đựng được nỗi đau của những lần đưa tiễn? Cô nói với tôi: “Chỉ có những trái tim sỏi đá mới không cảm thấy gì“.

Tại nhà riêng và trên lớp học, có hàng nghìn cuốn vở đang viết dang dở như vậy.
Tại nhà riêng và trên lớp học, có hàng nghìn cuốn vở đang viết dang dở như vậy.

Tôi từng phải trải qua nỗi đau cắt ruột trước sự ra đi đột ngột của con trai. Đó là tâm trạng nặng nề nhất, tai họa lớn nhất đối với người làm cha mẹ. Và tôi nghĩ đến kết cục những bà mẹ ở đây phải chịu đựng cũng là như vậy”.

Đó cũng là lý do cô quyết tâm nhận lớp. Dù vậy, cô cũng có những khoảng thời gian khó khăn, thậm chí dường như mắc chứng trầm cảm.

Trước đó, nỗi đau mất con của tôi đã ngủ yên, cho đến khi nhận lớp. Tôi không chịu nổi. Rất nhiều giáo viên khác đã ra đi, chỉ vì ngày ngày phải chứng kiến nỗi đau ấy. Nhưng tôi phải tự vực mình dậy, nén nỗi đau, giúp đỡ gia đình lo chuyện hậu sự cũng như làm điểm tựa tinh thần cho cha mẹ các bé. Chỉ khi mọi việc xong xuôi, qua một hoặc hai ngày, nỗi đau với tôi mới thấm, tôi lại về nhà, gặm nhấm nỗi đau một mình”.

Khung ảnh do tình nguyện viên của lớp học dành tặng cô giáo Phấn.
Khung ảnh do tình nguyện viên của lớp học dành tặng cô giáo Phấn.

Trong 10 năm ròng rã cùng lớp học, có biết bao nhiêu cuộc điện thoại, tin nhắn từ phụ huynh thông báo cho cô Phấn về những đứa trẻ đã lên thiên đường. Nhưng trước đó, nhờ những giờ học thân thương từ cô, những cánh cửa thiên đường đã mở ra êm ái, nhẹ nhàng với các em hơn.

Khánh Hòa

Theo vietnamnet.vn

Cùng chuyên mục