‘Chuyện nhỏ Sài Gòn bao nhớ’ – điều bình dị ở vùng đất phương Nam

Những câu chuyện riêng lẻ tập hợp trong cuốn “Chuyện nhỏ Sài Gòn bao nhớ” tạo nên cảm xúc đẹp về mảnh đất phương Nam.

Có bao giờ bạn tự hỏi: Mảnh đất đô thị phương Nam có gì đặc biệt mà khiến nhiều người chọn đến và sống cả cuộc đời ở đây. Thực ra, Sài Gòn không có điều gì to lớn để giữ chân người, Sài Gòn chỉ có những điều rất nhỏ, nhỏ đến mức chúng ta không quan tâm nó sẽ trôi đi rất nhanh.

Từng câu chuyện, từng kiếp người, từng sự chảy trôi của dòng đời làm nên một Sài Gòn khác lạ, làm một Đàm Hà Phú si mê không ngừng và làm nên quyển sách Chuyện nhỏ Sài Gòn bao nhớ.

chuyen-nho-sai-gon-bao-nho
Sách Chuyện nhỏ Sài Gòn bao nhớ do NXB Trẻ phát hành. Ảnh: N. L.

Quyển sách là một tập hợp các câu chuyện riêng lẻ, không ai giống ai, không có cảm xúc nào giống cảm xúc nào, nhưng tất cả làm nên nét đặc biệt của Sài Gòn, của người miền Tây, của vùng đất và con người Nam Bộ. Quyển sách còn là sự kết hợp đặc biệt của hai quyển trước đó Chuyện nhỏ Sài Gòn và Sài Gòn bao nhớ.

Sài Gòn qua lăng kính của Đàm Hà Phú là những gì gần gũi, thường thấy nhất. Sài Gòn là câu chuyện về đời sinh viên nghèo, về những con hẻm nhỏ, là chuyện về những khu chợ, về những con người giàu tình cảm và phóng khoáng. Đó còn là những hàng quán quen thuộc với ổ bánh mì, dĩa cơm tấm “sà bì chưởng”, tô hủ tiếu gõ hay vài món ăn lề đường giản đơn.

Dừng lại một chút để không bị nhịp sống hối hả thúc giục, chúng ta lắng nghe thử thanh âm của Sài Gòn của sáng sớm và tối khuya. Những thanh âm đó là nhịp thở của thành phố, là đời sống mỗi người, là nhiều cuộc đời hòa lẫn vào nhau.

Không chỉ kể những câu chuyện về Sài Gòn, tác giả còn mang chúng ta về những vùng quê miền Tây, về cái tình sông nước, về những con người chân chất, thật thà.

Miền Tây là những món ăn dân dã, những đám tiệc rộn ràng, những ly trà, ly “gụ”, từng câu chuyện đời đan xen vào nhau, bình dị và thân thương.

Miền Tây sông nước còn chứa đựng biết bao giá trị về tình người, tình thân, tình yêu hòa vào phù sa, hòa vào mùi lúa chín. Cái chân thật, cái hào sảng làm nên con người miền Tây, làm nên đời sống tinh thần êm đềm của biết bao thế hệ.

Sài Gòn và miền Tây qua cách kể của Đàm Hà Phú rất sống động. Giọng văn đôi lúc dí dỏm, đôi lúc thâm trầm của ông khiến ai đọc cũng phải phì cười vì dễ thương, mát lòng mát dạ vì tình người và đôi khi bật khóc vì chuyện đời chuyện phố.

Những câu từ đơn giản, bình dân khiến chúng ta chẳng thể rời mắt, rồi bỗng giật mình vì yêu mảnh đất này lúc nào không hay.

Hồng Hạnh

Theo Zing

 

Link nguồn: https://zingnews.vn/chuyen-nho-sai-gon-bao-nho-dieu-binh-di-o-vung-dat-phuong-nam-post1194520.html

Cùng chuyên mục