Chuyện kinh tế làng quê xứ Quảng

Trên Phụ nữ tân văn số 25, ngày 17/10/1929 (trang 10 – 12), ông Phan Khôi kể về bà cố, dù chủ ý là “Một lá đơn kiện cái chế độ gia đình Annam” nhấn mạnh những lệ định cổ hủ nghiệt ngã nhưng qua đó cũng thể hiện rõ nét tính cách năng động, tư duy kinh tế nông – thương hữu hiệu ở làng quê xứ Quảng, đặc biệt lại liên quan đến vai trò và vị thế kinh tế – xã hội của người phụ nữ.

Làng quê Điện Bàn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

1. Trong cách đặt vấn đề về chữ trinh, tác giả có nói tới tình huống nghiệt ngã của người phụ nữ: chồng mất mà tái giá thì luật pháp buộc chỉ ra đi tay không, để lại toàn bộ gia sản cho nhà chồng cho dù đó là của chung. Khi chồng mất, có con trai, đi lấy chồng khác để kiếm phương kế nuôi con, sau lại về với con trong nhà chồng trước, luật pháp cũng không công nhận; đến khi mất đi, cũng không được thờ chung với chồng trong từ đường (Phụ nữ tân văn, số 21, ngày 19/9/1929). Đó chính là trường hợp bà cố của ông, với nghị lực phi thường và tư duy kinh tế đặc biệt, đã thoát nghèo và vực dậy kinh tế nông – thương, mang lại phong khí của cả một gia tộc, của nhiều miền quê xứ Quảng.

Theo đó thì họ Phan làng Bảo An khởi phát từ Nghệ An đến đây tụ cư, về sau làng mạc mở rộng, phân thành Bảo An Đông (gắn liền họ Phan) và Bảo An Tây (với hai họ Nguyễn, Ngô). Ngài họ Phan có 5 người con trai, sau chia thành 5 phái và gia đình cụ Phan Khôi thuộc phái nhì. Khoảng thời chúa Nguyễn xứ Đàng Trong, bốn phái kia phần lớn giàu sang, thậm chí làm sui gia với nhà chúa, nên càng thêm phần quyền quý. Trong khi phái nhì thì nghèo, ít học, lại độc đinh, có phần yếu thế nên đã tách về Bảo An Tây sống cùng hai họ Nguyễn, Ngô. Đến đời thứ 10 (ông cố của cụ Phan Khôi), dù nghèo vẫn gắng cho đi học.

Ông cố lấy bà cố người làng Hóa Quê năm Kỷ Tỵ (1809) và mất sớm khi mới 37 tuổi (Quý Mùi – 1823). Sau 15 năm chung sống, bà cố 33 tuổi, phải nuôi 5 con trai, 2 con gái (trai đầu 13 tuổi, cậu út 2 tuổi), lại không có đất đai, gia sản gì, bà gồng mình chạy vạy nuôi con được 6 năm thì cải giá (năm Kỷ Sửu – 1829), về làm vợ kế ông Đội Bốn ở làng Hội Vực, gần Hóa Quê, gia cảnh khá giả. Điểm lạ là bà cố giao ước lấy nhau nhưng phải để cho bà được lui tới nhà chồng cũ để chăm nom con cái nên bà thường cưỡi ngựa, mang về nhiều đồ đạc, cho con cái được ăn học.

2. Cải giá được 6 năm, sinh ra một trai một gái thì ông Đội mất, bà góa phụ lần nữa. Mãn tang chồng, bà đem hai con trở về Bảo An chung sống “một mình làm chủ hai cái gia đình trong một nhà”. Nhờ hành trang kinh tế “buôn gánh” ở phố Hội An, cứ mua bán hàng lên về giữa làng quê – phố thị, bà đã có chút vốn liếng, rồi xoay ra buôn bán lớn với người Hoa ở Hội An, đặc biệt là thổ sản mía đường nổi tiếng xứ Quảng. Chính bà đã “tư nhân hóa” để thoát khỏi cảnh độc quyền bán hàng cho Nhà nước “đường công bổn” khi dám làm ăn buôn bán với chú Tùng người Quảng Đông.

Bà đứng ra thu mua đường của dân khắp nơi tấp nập mang về, rồi bán lại cho chú Tùng, cứ mỗi bao 100 cân thì lời 1 quan tiền, có ngày lên đến 40 bao. Không chỉ bà giàu lên, mà cả một vùng quê rộng lớn cũng nhờ bán được hàng hóa, càng trở nên khá giả, đến nỗi “cả làng bắt chước chuyển nghề buôn đường cho đến ngày nay”. Có tiền, bà tậu hơn 30 mẫu ruộng, thuộc hàng “cự phú”, cất một sở nhà ngói hai cái, tiền kẽm cứ chứa từng gian buồng, “rồi xúc mà cân, chớ không hơi sức nào đếm được”.

Gần 70 tuổi, bà chia gia tài cho các con (của cả hai chồng), mỗi người dù đã cưới gả vẫn được hơn ba mẫu ruộng, đặt tự điền hương hỏa cho ông cố một mẫu, mẹ bà cố một mẫu, cho mình một mẫu hai sào, thêm vài mẫu làm của dưỡng lão, tang ma. Nhờ vậy, các con trai đều có vườn, nhà riêng, thậm chí có anh chồng là Bá Đức “giàu bực trung phú”, nhất là ông Hương Đạo, giàu đến mức được gọi là “Tiền Hương Đạo, gạo Quản Nghi”. Ông nội học giỏi có tiếng, đậu Cử nhân thời Thiệu Trị, rồi làm quan ở Kinh, lên đến Án sát Khánh Hòa.

3. Qua đó có thể thấy cả gia tộc và làng xóm trong vùng, nhờ công đức đặc biệt của bà cố của Phan Khôi, tạo công ăn việc làm, từ sản xuất tới buôn bán, từ làm rẽ cho tới làm công nhật, mà trở nên khá giả, có điều kiện học hành khoa bảng và địa vị xã hội. Năm Tự Đức thứ 5 (1852), trong xứ đói kém, bà quyên 1.000 quan tiền cho Nhà nước chẩn cấp dân nghèo nên được vua ban biển ngạch “Lạc quyên nghĩa môn”.

Sự kiện đặc biệt là bà mất năm Quý Hợi (1863), thọ 73 tuổi. Dù có công lớn, có con trai (Phan Khắc Nhu) làm Tri phủ Vĩnh Tường ngoài Bắc nhưng theo lệ làng, bà đã cải giá ra khỏi làng thì không được chôn trên đất công của làng, nên phải chôn tại đất tư, thậm chí không được hiệp táng với chồng trước, nên phải chôn riêng. Dù ngôi mộ được làm bằng đá nguyên phiến, tốn kém tới vài ngàn đồng bạc nhưng chính điều đó càng làm cho con cháu luôn buồn tủi, nhất là về sau, bài vị bà cũng phải thờ riêng.

Chính những lệ luật nghiệt ngã, định chế bất công đó trong xã hội cũ đã hạ thấp, xóa nhòa vị thế xã hội, danh phận chính thức của người phụ nữ nhưng càng làm nổi bật vai trò của họ trong việc nuôi dạy, định hướng tư tưởng và nhất là tư duy kinh tế hàng hóa năng động, sớm biết kết hợp nông – thương để làm giàu đẹp làng quê xứ Quảng một cách hữu hiệu. Trong buồn tủi trước áp chế xã hội nhưng gia tộc và làng xã vẫn tự hào về tính tiên phong, tư duy kinh tế cởi mở, năng động đó của bà, một người phụ nữ đã góp phần làm nên phong khí của gia tộc, của một vùng làng quê xứ Quảng.

Trần Đình Hằng

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/van-hoa-van-nghe/chuyen-kinh-te-lang-que-xu-quang-87472.html

Cùng chuyên mục