Chuyên gia lo nguy cơ sạt lở thường trực ở miền Trung

Điều kiện địa chất bất lợi, mưa lũ dồn dập ở miền Trung khiến nguy cơ sạt lở tăng cao, đe dọa đến an toàn, tính mạng người dân.

Hai cơn bão số 8 và số 9 liên tiếp đổ bộ vào miền Trung trong những ngày qua để lại hậu quả nặng nề. Số người chết và mất tích do các vụ sạt lở đất lên đến hàng chục, công tác tìm kiếm, cứu hộ vô cùng khó khăn.

Theo các chuyên gia, các tỉnh miền Trung có nền địa chất yếu, dễ biến động và nguy cơ trượt lở đất đặc biệt cao khi mưa lớn kéo dài. Trong khi đó, các cơn bão kéo theo mưa lớn được cho là tổ hợp của các điều kiện bất lợi khiến tình trạng sạt lở càng thêm trầm trọng, nặng nề.

Tổ hợp các điều kiện bất lợi

Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dải đất miền Trung có nhiều bất lợi khiến việc trượt lở đất diễn ra liên tiếp với cường độ mạnh.

Yếu tố địa chất khu vực này yếu, dễ biến động. Đất đá phong hóa mạnh, dẫn đến mềm, xốp, hình thành cách vết nứt, gãy. Bên cạnh đó, các cơn bão liên tục đổ bộ mang theo mưa lớn, khiến đất ngậm no nước, trượt lở càng dễ xảy ra.

nguy-co-sat-lo-thuong-truc-o-mien-trung
Chuyên gia đánh giá đất đá khu vực miền Trung bị phong hóa mạnh, dễ xảy ra trượt lở đất. Ảnh: Duy Hiệu

Ngoài ra, việc con người xây dựng, sản xuất ở các khu vực này khiến nền địa chất bị tác động. Diện tích các cánh rừng lớn ở miền Trung suy giảm nghiêm trọng, điều kiện địa chất, độ dốc bị thay đổi do việc đào núi làm đường và xây các công trình.

“Điều kiện địa chất yếu, mưa lũ lớn mà không có rừng che phủ thì tất yếu sạt lở đất. Các cơn bão lớn, lượng mưa vượt mức lịch sử càng khiến cho hậu quả thêm tai hại”, ông Hồng nói.

Theo chuyên gia, nguy cơ sạt lở đất ở những khu vực này rất cao, nhưng lại chưa được cảnh báo đầy đủ. Ông lo ngại tình trạng trượt lở có thể tiếp tục xảy ra trong những ngày tới, nhất là với những nơi có địa hình dốc ở miền Trung.

Vị chuyên gia kiến nghị lãnh đạo Tổng cục Phòng chống thiên tai, chính quyền các tỉnh chịu ảnh hưởng của mưa bão khẩn trương rà soát khu vực dân cư, đánh giá nguy cơ. Từ đó, các đơn vị vẽ lại bản đồ trượt lở đất để tiến hành di dân tạm thời đến các khu vực an toàn.

Ông cũng đề nghị người dân sống ở các nơi gần chân núi, sườn đồi, chú ý đến 3 dấu hiệu trượt lở đất. Một, khu vực nguy cơ cao là nơi đất đá có nhiều vết nứt mới, xuất hiện các mạch nước chảy ra bất thường. Hai là nơi có đất bở, tơi, ẩm do ngấm nhiều nước mưa. Và ba là nơi có hiện tượng cây cối bị nghiêng hàng loạt.

“Người dân ở khu vực có những dấu hiệu này cần khẩn trương đến nơi có địa hình bằng phẳng, trú ở nhà người thân hoặc liên hệ chính quyền địa phương để được trợ giúp. Tạm thời tránh xa những khu vực này”, ông Hồng nhấn mạnh.

Cần các biện pháp dài hơi

Cùng quan điểm, PGS.TS Lê Văn Thăng, nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Huế, nhìn nhận hiện tượng trượt lở đất ở khu vực miền Trung rất phức tạp, khó lường.

Khu vực dân cư ở các chân núi, lưng đồi là nơi mất an toàn nhất. Nguy cơ trượt lở không chỉ là trong và sau khi bão lũ xảy ra mà lúc nào cũng thường trực, chỉ chờ các điều kiện tự nhiên, khí hậu bất thường để nảy sinh.

Trước mắt, ông đề nghị chính quyền nhanh chóng hỗ trợ người dân tìm nơi vững chãi để tránh trú, đặc biệt là người già, phụ nữ và trẻ em. Ông cũng lưu ý người dân cảnh giác kể cả khi trời nắng ráo, vì nguy cơ trượt lở vẫn thường trực.

nguy-co-sat-lo-thuong-truc-o-mien-trung
Hàng chục người chết, mất tích do các vụ sạt lở đất ở Quảng Nam sau khi địa phương này chịu ảnh hưởng của bão số 9. Ảnh: Trương Khởi

Các nhà khoa học cần tham gia, đánh giá một cách cụ thể, chi tiết điều kiện địa chất, khí hậu của từng địa phương ở miền Trung, thiết lập lại bản đồ quy hoạch. Bản đồ cần xác định chính xác vùng nguy cơ cao, vùng an toàn, cũng như khu vực được phép xây dựng, sản xuất.

“Những sự việc thương tâm vừa qua thực sự là hồi chuông báo động mạnh, chính quyền cần phải ra tay. Đặc biệt khi đây là những địa phương thường xuyên hứng chịu mưa bão”, vị tiến sĩ bày tỏ.

Đề cập đến việc di dân khỏi những nơi mất an toàn, ông Lê Văn Thăng nhấn mạnh cần hết sức thận trọng. Việc di dân với số lượng lớn đòi hỏi kế hoạch, sự chuẩn bị, đầu tư và nghiên cứu, đánh giá tác động chi tiết, kỹ lưỡng.

Không những thế, việc ổn định cuộc sống cho người di dời, tạo công ăn việc làm mới cho họ cũng có nhiều thách thức khi một bộ phận không nhỏ sinh sống, sản xuất phụ thuộc vào rừng.

Ông Vũ Trọng Hồng cho rằng thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên Môi trường cần huy động chuyên gia, nhà khoa học thực hiện chuyên đề nghiên cứu đặc biệt, đánh giá lại địa chất khu vực miền Trung.

Đây không chỉ là cơ sở để cảnh báo người dân mà còn là căn cứ quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng, sản xuất, hạn chế thấp nhất các tác động lên môi trường và tránh được rủi ro, tai nạn đáng tiếc do sạt lở đất.

Các cơ quan, đơn vị chức năng ở địa phương sớm rà soát lại các quy hoạch sản xuất, quy hoạch xây dựng ở nơi triền đồi, chân núi, nơi có địa hình dốc. “Đây là việc rất lớn, cần làm ngay để giữ cho miền Trung ổn định”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Chỉ trong hai ngày 28 – 29/10, tỉnh Quảng Nam xảy ra 4 vụ sạt lở đất nghiêm trọng, làm hàng chục người bị chết và mất tích. Nghiêm trọng nhất là vụ sạt lở ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My hôm 28/10 làm 45 người mất tích. Vụ sạt lở ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn cũng làm 11 người bị vùi lấp.

Trước đó, ngày 18/10, vụ sạt lở ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị làm 22 quân nhân hy sinh. Ngày 12/10, sạt lở đất ở thủy điện Rào Trăng 3, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng khiến 5 người chết và 13 người mất tích. Vụ việc cũng khiến 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên đường vào hiện trường ứng cứu.

Sơn Hà

Theo Zing.vn

Link nguồn: https://zingnews.vn/chuyen-gia-lo-nguy-co-sat-lo-thuong-truc-o-mien-trung-post1147423.html

Cùng chuyên mục