Chính quyền đô thị tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng có gì đặc biệt?

Tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, Chính phủ quy định rõ cơ cấu tổ chức, số lượng cán bộ công chức cấp cơ sở.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 32, 33, 34 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 119 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.

Theo các Nghị định này, việc tổ chức chính quyền đô thị ở mỗi thành phố có những quy định riêng về cơ chế vận hành cũng như việc thành lập các cơ quan chuyên môn trực thuộc.

Chủ tịch phường phải đối thoại ít nhất 2 lần/năm

Tại Hà Nội, theo Nghị định số 32, UBND Hà Nội và chủ tịch UBND quận, thị xã thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại UBND phường.

Chủ tịch UBND quận, thị xã quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác đối với chủ tịch UBND phường, phó chủ tịch UBND phường; khen thưởng, kỷ luật công chức làm việc tại UBND phường; giao quyền chủ tịch phường theo quy định của pháp luật.

chinh-quyen-do-thi
Hà Nội được tiến hành thí điểm chính quyền đô thị. Ảnh: Hoàng Hà

Sở Nội vụ Hà Nội thực hiện hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại UBND phường.

Cơ cấu tổ chức của UBND phường tại Hà Nội gồm: Chủ tịch phường, phó chủ tịch phường, trưởng công an phường, chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự phường và các công chức thuộc các lĩnh vực: Văn phòng – Thống kê; Địa chính – Xây dựng – Đô thị và Môi trường; Tài chính – Kế toán; Tư pháp – Hộ tịch, Văn hóa – Xã hội.

Biên chế công chức bình quân làm việc tại UBND phường là 15 người. Số bình quân này được tính trên tổng số phường của một quận, thị xã.

Căn cứ quy định trên, UBND Hà Nội trình HĐND cùng cấp phân bổ số lượng biên chế công chức của UBND phường thuộc từng quận, thị xã. Chủ tịch UBND quận, thị xã thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức làm việc tại UBND phường.

Nghị định cũng nêu rõ thời hạn giữ chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch phường cho mỗi lần bổ nhiệm là 5 năm, tính từ thời điểm quyết định bổ nhiệm có hiệu lực. Chủ tịch phường không giữ chức vụ quá 10 năm liên tục ở cùng một đơn vị hành chính phường.

Theo Nghị định 32, hàng năm, trước kỳ họp thường kỳ của HĐND quận, thị xã, chủ tịch phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị đối thoại với người dân ở phường về những vấn đề liên quan đến quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của công dân ở địa phương. Số lần đối thoại không dưới 2 lần.

Căn cứ vào quy mô dân số của phường, lãnh đạo phường có thể tổ chức đối thoại với người dân qua các đại diện tổ dân phố.

UBND phường phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi thông báo đến tổ trưởng tổ dân phố về thời gian, địa điểm, nội dung của hội nghị đối thoại với người dân, chậm nhất là 7 ngày trước khi tổ chức hội nghị.

Thí điểm tổ chức chính quyền đô thị ở Đà Nẵng

Đối với TP.HCM, Nghị quyết 33 của Chính phủ nêu rõ mỗi ban thuộc HĐND TP.HCM có 1 ủy viên hoạt động chuyên trách. Ủy viên hoạt động chuyên trách do Thường trực HĐND TP xem xét, phê chuẩn theo đề nghị của trưởng ban thuộc HĐND.

Chức danh ủy viên hoạt động chuyên trách tại các ban thuộc HĐND TP.HCM gồm: Ủy viên chuyên trách Ban Pháp chế, ủy viên chuyên trách Ban Kinh tế – Ngân sách, ủy viên chuyên trách Ban Văn hóa – Xã hội và ủy viên chuyên trách Ban đô thị.

Cơ cấu tổ chức của UBND quận gồm: Chủ tịch quận, phó chủ tịch quận, trưởng công an quận, chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự quận, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, cơ quan hành chính khác và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND quận.

chinh-quyen-do-thi
Khi thí điểm chính quyền đô thị, UBND các quận tại TP.HCM phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Ảnh: Quang Huy

UBND TP.HCM cần quy định cụ thể tên gọi và số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận cho phù hợp. Riêng Văn phòng HĐND, UBND quận được gọi là Văn phòng UBND quận.

Việc thành lập các cơ quan hành chính khác thuộc UBND quận được thực hiện theo quy định của pháp luật về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính và theo quy định pháp luật chuyên ngành.

UBND quận làm việc theo chế độ thủ trưởng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến vào giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức tại quận và theo quy định của pháp luật; bảo đảm các hoạt động phải dân chủ, công khai, minh bạch, thống nhất, thông suốt.

Còn tại Đà Nẵng, Nghị định số 34 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.

Ngoài các nội dung quy định về cơ cấu tổ chức chính quyền đô thị tương tự TP.HCM, Nghị định 34 cũng quy định biên chế công chức bình quân làm việc tại UBND phường tại Đà Nẵng là 15 người. Số bình quân này được tính trên tổng số phường của một quận.

Theo Nghị định 34, chủ tịch, phó chủ tịch phường, công chức cấp xã ở phường thuộc chính quyền TP Đà Nẵng được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày 1/7/2021 sẽ được chuyển thành công chức làm việc tại phường đang công tác; trường hợp chuyển sang vị trí việc làm mới thì công chức phải bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp vị trí việc làm đó.

Mỹ Hà

Theo Zing

 

Link nguồn: https://zingnews.vn/chinh-quyen-do-thi-tai-ha-noi-tphcm-va-da-nang-co-gi-dac-biet-post1198612.html

Cùng chuyên mục