Chi phí phòng chống đại dịch kế tiếp ‘chỉ bằng 2% thiệt hại do Covid-19’

Theo một phân tích mới, chi phí ngăn chặn đại dịch tiếp theo trong thập kỷ tới bằng cách bảo vệ các loài thú hoang dã và rừng sẽ chỉ bằng 2% thiệt hại tài chính do Covid-19 gây ra.

Giới nghiên cứu cho biết, mỗi năm có hai loại virus mới được xác định lây lan từ vật chủ là động vật hoang dã sang người vào thế kỷ trước. Sự hủy diệt tự nhiên ngày càng tăng có nghĩa là nguy cơ ngày nay cao hơn bao giờ hết.

chi-phi-phong-chong-dai-dich
Tê tê trong một đường dây buôn lậu bị thu giữ ở Belawan, Indonesia

Hệ lụy sẽ đến rất nhanh

Do vậy, vấn đề cấp thiết để phòng vệ cho sức khỏe con người là xử lý nạn buôn bán động vật hoang dã và phá rừng trên phạm vi toàn cầu. Hai vấn nạn này gia tăng nguy cơ khiến động vật hoang dã tiếp xúc với người và gia súc. Nhưng các nỗ lực như vậy hiện đang giảm sút.

Các nhà nghiên cứu ước tính, việc chi khoảng 260 tỷ đô la trong vòng 10 năm sẽ làm giảm đáng kể rủi ro của một đại dịch khác theo quy mô của sự bùng phát coronavirus. Con số này chỉ bằng 2% thiệt hại ước tính 11,5 ngàn tỷ đô la do Covid-19. Hơn nữa, việc chi tiêu cho công tác bảo vệ động vật hoang dã và rừng cũng sẽ đem lại lợi ích khác: Cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu.

Các chương trình chính mà các nhà khoa học đang kêu gọi là: Ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã và thịt thú rừng ở Trung Quốc, giám sát và kiểm soát dịch bệnh ở động vật hoang dã và gia súc, cắt giảm 40% nạn phá rừng ở những vùng trọng yếu. Có một mối liên hệ rõ ràng giữa nạn phá rừng và sự xuất hiện ngày càng nhiều của virus. Trong số đó, loài dơi được cho là ổ chứa virus Ebola, Sars và Covid-19, còn bìa rừng nhiệt đới có thể ẩn chứa một số loài lây lan các loại virus mới cho con người.

Giáo sư Andrew Dobson, Đại học Princeton ở Mỹ, cho biết: “Thật ngây thơ khi nghĩ rằng đại dịch Covid-19 là sự kiện chỉ diễn ra một lần trong một thế kỷ. Bất cứ điều gì chúng ta làm với môi trường, hệ lụy sẽ đến rất nhanh, giống như tình trạng biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu.”

chi-phi-phong-chong-dai-dich
Việc bảo vệ rừng cũng giúp cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu

Tín hiệu SOS cho hệ sinh thái

Giáo sư Stuart Pimm tại Đại học Duke ở Mỹ, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: “Việc đầu tư cho phòng ngừa đại dịch có thể là chính sách bảo hiểm tốt nhất cho sức khỏe con người và nền kinh tế toàn cầu trong tương lai. Chúng ta có thể ngăn chặn đại dịch trong tương lai trước khi chúng bắt đầu gây thảm họa.”

Ông Inger Andersen, người đứng đầu lĩnh vực môi trường của Liên Hợp Quốc hoan nghênh phân tích nêu trên. Ông nói thêm: “Chúng ta không đủ khả năng giải quyết tất cả các căn bệnh phát xuất từ động vật hoang dã. Hành động quyết liệt ngay bây giờ sẽ giúp chúng ta tiết kiệm hàng tỷ đô la chi phí trong tương lai và tránh những đau khổ khủng khiếp do Covid-19 mà chúng ta đang chứng kiến trên toàn thế giới.”

Phân tích này là lời cảnh báo mới nhất từ giới khoa học cho các chính phủ nhằm ngăn ngừa đại dịch trong tương lai. Trong tháng này, một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết thế giới đang ứng phó với các vấn đề sức khỏe con người và thiệt hại kinh tế do đại dịch coronavirus nhưng không quan tâm đến nguyên nhân môi trường. Hồi tháng 6/2020, các chuyên gia cho biết đại dịch là một tín hiệu SOS cho hệ sinh thái và rằng các đại dịch nguy hiểm hơn có thể xảy ra trừ khi thiên nhiên được bảo vệ trước khi quá muộn.

chi-phi-phong-chong-dai-dich
Con người và hoạt động kinh tế của chúng ta phụ thuộc vào tình trạng cân bằng sinh thái của hành tinh

Phân tích được công bố trên tạp chí Science, được thực hiện bởi các chuyên gia về môi trường, y học, kinh tế và bảo tồn. Đặc biệt nó lưu ý rằng các mạng lưới thực thi việc bảo vệ động vật hoang dã đang bị thiếu hụt trầm trọng. Mạng lưới ở Đông Nam Á có ngân sách hàng năm chỉ 30.000 đô la.

Giới nghiên cứu cho biết, việc chấm dứt buôn bán thịt thú rừng là điều tiên quyết, và việc này sẽ cần gần 20 tỷ đô la mỗi năm. Ngành kinh doanh thịt thú rừng thu hút đến vài triệu người.

Akanksha Khatri, người đứng đầu chương trình hành động tự nhiên, Diễn đàn Kinh tế Thế giới,cho biết: “Đại dịch Covid-19 cho chúng ta thấy rằng con người và hoạt động kinh tế của chúng ta phụ thuộc vào tình trạng cân bằng sinh thái của hành tinh. Nếu tiếp tục đi ngược lại sự cân bằng này, chúng ta sẽ đặt chính mình vào tình trạng nguy hiểm.”

Stéphane De La Rocque, một chuyên gia thú y tại tổ chức Y tế Thế giới, cho biết phân tích này rất cần thiết và sau Covid-19, các nhà lãnh đạo đã bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật hoang dã.

Thiệu Kiệt

Theo 24hsongxanh.vn/ Guardian,CBC

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/chi-phi-phong-chong-dai-dich-ke-tiep-chi-bang-2-thiet-hai-covid-19/

Cùng chuyên mục