Cha và con và… người Quảng

Gặp anh ở Hà Nội. Gặp tình cờ khi đi lùng mua sách cũ. Mới mở miệng: “Ơ răng anh ra đây?”. Anh cười: “Ra mua sách, thấy còn hỏi?”. Hai anh em thỏa thuận cứ mua sách đi đã, chút nữa rồi đi chè chén vỉa hè hoặc bia bọt tính sau.

Anh vẫn không già đi theo tuổi. Hai ba mươi năm trước thường gặp anh trong đám bạn văn chương, sân khấu ở Đà Nẵng, Vĩnh Điện. Hỏi mới biết anh chẳng là “nhà” chi hết. Chỉ mê văn chương, mê kịch, thấy thích thì chơi. Hỏi nghề chính, anh nói “thợ hồ”, mà thiệt, tay nghề khá, lại ham đọc, học, thỉnh thoảng có nhận làm phù điêu các cơ quan, đơn vị. Chơi thân với nhà điêu khắc Đỗ Toàn, Phạm Hồng, quen cả nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo (Quân Đội) nữa…

Vì tính chất “vô danh” mà nhân vật và bài viết này muốn hướng đến, nên chỉ dùng hình mang tính minh họa. Ảnh: Internet

Tiếp xúc lâu thấy anh thuộc nhiều văn chương trung đại, đoạn Truyện Kiều nào gắn với sự kiện chi, anh cứ vanh vách. Nào đoạn Kiều trao duyên, Kiều bán mình chuộc cha, Kiều ở phiên tòa Lâm Truy, Kiều đêm tái hợp…

Anh có nhiều tài vặt, kể cả tài “khôn vặt” theo kiểu tiếu lâm của người Quảng, anh nói “muốn lấy sự liều làm căn bản thì phải biết đối tượng đang thiếu cái gì?”. Theo anh, trong nghệ thuật “nói trước công chúng” – không thể “múa rìu qua mắc thợ” mà phải “phùa” (bịa), phải sắm vai hiểu biết chuyện người nghe chưa biết, kiểu “ tui còn lạ chi chuyện nớ, có điều, tui có cái hay là tui chưa gặp đúng người để nói”.

Gặp dân kiến trúc, xây dựng thì anh nói chuyện y khoa, gặp dân văn chương thì anh nói về “kết cấu công trình”. Tôi ấn tượng về anh nhiều sự. Gặp một cô xinh đẹp ngồi cà phê bàn khác lâu lâu húng hắng che miệng ho, anh mạo muội cầm ly sang, hỏi han chi đó, rồi thấy cô gái lục túi xách, lấy cuốn sổ, cây viết đưa anh, anh cắm cúi viết, lâu lâu vỗ trán ra chiều suy nghĩ rồi viết, viết… Trở lại bàn cũ hỏi anh viết chi đó, anh nói, “nhan sắc” đang bị viêm họng, anh kê giùm cái toa.

Chuyện tưởng nhỏ nhưng chỉ tuần sau, nhan sắc đến hỏi anh em rằng anh nớ đi mô rồi, xúm hỏi anh mô, cô nói cái anh chi bác sĩ bạn ngồi cùng với mấy anh đó, không có chi, em đến để cám ơn ảnh, em hết đau rồi, ảnh thiệt giỏi, em chữa ba bốn năm ni rồi mà không hết…

“Cha con vốn không hợp tính, mà dân Quảng Nam thì có cha con mô hợp tính”. Ảnh minh họa: Internet

Lần khác, đi tham quan bên Lào, vô một quán cơm Việt ở Viêng Chăn, hỏi nước mắm, cô phục vụ người Lào không hiểu vì cô không thạo tiếng Việt, từ dưới bếp vọng lên, “đây không có nước mắm, đây có mắm koái (cái), eng (ăn) không?”. Thì là anh. Hỏi qua đây làm chi, anh nói qua làm tượng Phật cho chùa, quán ni quen, đang làm mì Quảng, mần tô chứ mấy anh em?”…

Rốt anh nói, vợ anh mất mấy năm rồi, con cái nên gia thất hết, ra Bắc là ra “báo hiếu” – ông già tập kết, mẹ anh mất hồi chiến tranh, ổng lấy vợ ở luôn ngoài ni, đẻ nhiều, có thêm năm đứa nữa…, ổng bịnh, yếu rồi, mấy đứa em nói chỉ có anh mới chăm bố được, bố bẳn tính lắm, động tí là “gắt um lên”.

Ông đang nằm viện 108, khổ lắm, gần đi rồi mà vẫn cứ cố chấp, thỉnh thoảng còn hỏi mình “răng hồi xưa con không trốn lính mà lại đi lính (chế độ cũ)?”. Ổng là cha mình, gần đi, chẳng lẽ cãi. Cha con vốn không hợp tính, mà dân Quảng Nam thì có cha con mô hợp tính! Bữa trước ổng la thằng em vô lý, mình xía vô, con nói thiệt, dân Quảng mình có chi nói nấy, còn cha thì quen muốn chi nói nấy rồi, ôi, rứa là giận, là tăng huyết áp, rồi mua chi về cũng không ăn, cứ nằm than mình không dạy được con…

Cuối cuộc hàn huyên, tôi hỏi anh rằng có muốn “viết tập hai” với nhan sắc mô nữa không, anh nói muốn lắm chứ, nhưng mà đang sợ mất tự do, cứ nghĩ đi, làm thằng đàn ông mà không còn muốn thì chết cha đi cho xong… Nói dứt, anh đưa tay vả miệng mình mà nói: “Cái miệng ăn mắm ăm muối”.

Phùng Tấn Đông

Cùng chuyên mục