Các cặp đôi phương Tây không muốn có con vì lo thảm họa khí hậu

Một cuộc khảo sát 600 người cho thấy một số cặp vợ chồng dự định không sinh con vì lo ngại rằng đời con cái họ sẽ phải vật lộn với một thảm họa khí hậu như ngày tận thế.

600 người trong độ tuổi từ 27 đến 45, đã bày tỏ sự quan ngại về tác động của diễn biến khí hậu đến lựa chọn sinh sản của họ. 96% người trả lời khảo sát cho thấy họ cực kỳ quan ngại đến sức khỏe của những đứa con mà mình sẽ hạ sinh trong một thế giới biến đổi khí hậu với nhiều hệ lụy khó lường.

cac-cap-doi-phuong-tay-khong-muon-sinh-con
Mối lo ngại lớn nhất của phụ huynh là con mình sẽ không khỏe mạnh khi sống trong môi trường bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ

Điều kiện khí hậu ngày càng tồi tệ

Một phụ nữ 27 tuổi cho biết: “Tôi cảm thấy mình không thể là một bà mẹ tốt khi đưa một đứa trẻ vào thế giới này và buộc chúng phải cố gắng sống sót trong điều kiện khí hậu ngày càng tồi tệ như ngày tận thế sắp xảy ra đến nơi”.

Quan điểm nêu trên được ghi nhận là đánh giá bi quan về tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu đối với thế giới. Cuộc khảo sát cũng cho thấy rằng một số người đã làm cha mẹ bày tỏ sự hối tiếc khi sinh con mà không nghĩ sâu xa về tình trạng môi trường trong những thập kỷ kế tiếp.

Việc một người quyết định sinh con cũng có nghĩa là người đó tiếp tục tạo ra lượng khí thải carbon trong suốt cuộc đời góp phần vào tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Tuy vậy, chỉ 60% trong số những người được khảo sát cho biết họ rất lo lắng về lượng khí thải carbon.

cac-cap-doi-phuong-tay-khong-muon-sinh-con
Mỗi năm, con người chứng kiến thêm nhiều vụ thảm họa tự nhiên liên quan đến biến đổi khí hậu

Tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu ngày càng rõ

Ông Matthew Schneider-Mayerson, Đại học Yale-NUS ở Singapore, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết: “Nỗi sợ hãi về lượng khí thải carbon khi có con có vẻ hơi thái quá. Nhưng nỗi sợ hãi về cuộc sống của những đứa con mà mình đã có và những đứa mình sắp sinh, thực sự là nỗi niềm. Người làm cha mẹ nào mà không đau lòng khi nghiền ngẫm các câu trả lời về tương lai của con cái, tự hỏi liệu chúng có sống yên ổn, khỏe mạnh trong một thế giới ngày càng nhiều tai họa thiên nhiên”.

Đáng lưu ý, lượng người cân nhắc yếu tố biến đổi khí hậu trong kế hoạch sinh sản của bản thân được dự báo có thể sẽ tăng cao khi tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu ngày càng rõ ràng.

Ông Schneider-Mayerson nói: “Để giải quyết vấn đề này, chúng ta thực sự cần phải cùng nhau hành động ngay lập tức để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của mọi thảm họa tự nhiên, đó là biến đổi khí hậu.”

cac-cap-doi-phuong-tay-khong-muon-sinh-con
Nhiều trẻ em ở phương Tây được bố mẹ cho tham gia các hoạt động về môi trường, khí hậu

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Climatic Change không tìm thấy nhiều sự khác biệt giữa quan điểm của phụ nữ và nam giới, mặc dù phụ nữ chiếm 3/4 số người tham gia khảo sát. Một phụ nữ 31 tuổi cho biết: “Biến đổi khí hậu là yếu tố duy nhất khiến tôi quyết định không sinh con. Tôi không muốn sinh ra những đứa trẻ trong một thế giới đang chết chóc mặc dù như bất kỳ phụ nữ nào khác, tôi mong muốn được làm mẹ khi gặp được người bạn đời.”

Trong khi đó, một bà mẹ 40 tuổi cho biết: “Tôi có phần tiếc khi đã sinh con. Có lúc, tôi kinh hãi khi nghĩ đến khả năng một vài thập kỷ tới, chúng sẽ phải đối mặt với ngày tận thế do biến đổi khí hậu”.

Cuộc nghiên cứu cũng cho thấy, những người trẻ tuổi quan ngại nhiều hơn đến các tác động khí hậu mà con cái họ sẽ phải trải qua so với những người lớn tuổi hơn khi được hỏi. Bên cạnh đó, việc nhận con nuôi được coi là một giải pháp thay thế tiềm năng cho việc sinh con.

Nghiên cứu chỉ ra rằng nỗi sợ hãi liên quan đến khí hậu đối với cuộc sống của con cái  bắt nguồn từ cái nhìn bi quan về tương lai. Trong số 400 người được hỏi đưa ra tầm nhìn về khí hậu trái đất trong tương lai, 92,3% chọn đánh giá tiêu cực, 5,6% là trung tính và chỉ 0,6% là tích cực.

Thiệu Kiệt

Theo 24hsongxanh.vn/ The Guardian

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/cac-cap-doi-phuong-tay-khong-muon-co-con-vi-lo-tham-hoa-khi-hau/

Cùng chuyên mục