Biến mo cau thành đồ dùng

Từ phế thải mo cau, chị Phan Vũ Hoài Vui, 32 tuổi, đã sản xuất thành chén, bát, khay, thìa thân thiện với môi trường.

Cuối tháng 3, tại ngày hội khởi nghiệp sáng tạo ở Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam, gian hàng “Mo cau xứ Tiên” của Hợp tác xã Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam thu hút nhiều người đến tham quan và mua hàng.

Hợp tác xã do chị Phan Vũ Hoài Vui làm Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Mỗi ngày, 7 lao động của cơ sở sản xuất hơn 1.000 sản phẩm từ mo cau.

bien-mo-cau-thanh-do-dung
Chị Phan Vũ Hoài Vui (giữa) giới thiệu sản phẩm làm từ mo cau.

Sinh ra trong gia đình nông dân ở xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước, thủ phủ trồng cau của Quảng Nam, chị Vui quen thuộc với các loại bát ăn cơm, đài múc nước làm từ mo cau. Rời quê nhà vào TP HCM lập nghiệp, chị làm kế toán cho một doanh nghiệp và mở trung tâm Anh ngữ.

“Đầu năm 2020, khi làn sóng Covid-19 bùng phát, công việc kế toán tạm dừng, trung tâm tiếng Anh đóng cửa. Không có việc làm, tôi tìm kiếm một lĩnh vực mới để kinh doanh”, chị Vui kể.

Hứng thú với các sản phẩm làm từ nguyên liệu thiên nhiên, đặc biệt là nguồn mo cau sẵn có ở quê nhà, chị tìm kiếm các loại máy móc tận dụng nguồn phế thải này. “Từ xưa, ông bà, cha mẹ đã dùng mo cau làm bát ăn cơm, đài múc nước… Tôi tự nghĩ tại sao mình không tiếp tục?”, chị Vui nói.

Mo cau tự nhiên có lớp chống thấm gần như hoàn hảo, có khả năng phân hủy hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên. Theo chị Vui, các chất vô cơ từ mo cau không gây hại cho sức khỏe con người và môi trường. Sản phẩm còn gợi nhớ cho nhiều người về thời thơ ấu ở làng quê.

Từ ý tưởng trên, Hợp tác xã Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam ra đời với bảy thành viên, góp gần 2 tỷ đồng mua máy móc, công nghệ từ nước ngoài. Tháng 9/2020, xưởng chế biến hoạt động, gồm hai máy ép, máy khử khuẩn, máy lau chùi vệ sinh, máy đóng gói hút chân không, kinh phí gần 500 triệu đồng.

bien-mo-cau-thanh-do-dung
Nhân công cho mo cau vào máy ép thành chén bát.

Mo cau được người dân đem đến bán, sau đó nhân công sẽ chọn lọc, ngâm nước cho mềm, rửa sạch và đưa vào máy ép gia nhiệt, ép cắt trên khuôn để tạo thành sản phẩm. Cuối cùng là công đoạn xử lý tia UV Ozone khử trùng và đóng gói sản phẩm bằng màng nylon kèm theo túi hút ẩm.

Chị Vui cho biết, quá trình sản xuất không sử dụng loại hóa chất nào nên người dùng có thể yên tâm. Hiện hợp tác xã sản xuất 13 mẫu từ mo cau như chén tròn, chén vuông, đĩa tròn, đĩa vuông, tô chữ nhật, muỗng… Giá bán bình quân 4.000 đồng một sản phẩm.

Sản phẩm có thể dùng nhiều lần, tuy nhiên hiện các nhà hàng, khu resort chỉ dùng một lần. “Thị trường chủ yếu là TP HCM, chúng tôi đang tiếp cận thị trường nước ngoài”, chị Vui nói và cho biết hiện sản phẩm bán lẻ trên các kênh thương mại điện tử và đơn hàng tại chỗ.

Trong 3 năm đầu, Hợp tác xã Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam đặt mục tiêu xây dựng chiến lược phát triển thị trường trong nước, trồng và phát triển khu vườn nguyên liệu. Từ năm 2025 trở đi, khi quy trình ổn định, Hợp tác xã kết hợp các hộ nông dân mở rộng quy mô trồng cau để đảm bảo nguyên liệu đủ tiêu chuẩn cung ứng cho nhu cầu xuất khẩu sang châu Âu.

bien-mo-cau-thanh-do-dung
Các sản phẩm làm từ mo cau.

Bà Vũ Thị Hồng Hạnh, giáo viên mầm non ở TP Tam Kỳ, chia sẻ tuổi thơ gắn bó với mo cau nên khi bắt gặp sản phẩm đã thích thú và mua về sử dụng. Mỗi chiếc mo cau có vân tự nhiên khác nhau nên sản phẩm trở nên độc đáo. “Tôi mua về để truyền tải cho học sinh biết sáng tạo đồ dùng hàng ngày từ những phế phẩm trong nông nghiệp”, bà Hạnh nói.

Phó chủ tịch huyện Tiên Phước, ông Nguyễn Hùng Anh, đánh giá sản phẩm làm từ mo cau rất mới, tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương. “Chị Vui đã sáng tạo làm thành chén bát mo cau dùng cho gia đình và đồ ăn nhanh. Sau khi sử dụng, loại sản phẩm này thải ra thân thiện với trường”, ông nói.

Bài & ảnh: Đắc Thành

Theo VnExpress

Link nguồn: https://vnexpress.net/bien-mo-cau-thanh-do-dung-4255419.html

Cùng chuyên mục