“Biên chế” chùa quan Ngũ Hành Sơn

Ngũ Hành Sơn là non thiêng, là linh địa của tôn giáo người Chăm và sau là đất Phật dưới thời chúa Nguyễn rồi triều Nguyễn. Vua Minh Mạng đã nhiều lần xa giá viếng thăm và có hành cung ở ngọn Thủy Sơn. Công chúa của vua Gia Long từng ẩn tu tại Âm Hỏa Sơn. Một số vị vua triều Nguyễn về sau cũng đặt chân đến nơi này.

Tại Ngũ Hành Sơn có 2 ngôi chùa quan nổi tiếng là Tam Thai và Linh Ứng. Cơ cấu tổ chức biên chế trong 2 ngôi chùa này có nhiều nét khác biệt so với những ngôi chùa tư ở địa phương.

Danh vị trong chùa

Chùa quan là một loại hình đặc biệt, được sự quan tâm và chịu sự chi phối của triều đình. Tại kinh thành có 7 chùa quan: Thiên Mụ, Diệu Đế, Thánh Duyên, Long Quang, Từ Ân, Linh Quang, Linh Hựu (quán). Ở núi Non Nước có 2 chùa quan là Tam Thai và Ứng Chơn (đổi thành Linh Ứng từ thời vua Khải Định và lưu tên đến nay).

Các danh vị trong chùa quan gồm có tăng cang, trụ trì, tăng chúng và tự phu (người phục vụ trong chùa). Có chùa còn có bá hộ. Theo châu bản triều Nguyễn đời Thành Thái thứ 11 (1891), biên chế 2 chùa Tam Thai và Linh Ứng có 1 tăng cang, 2 trụ trì, 14 tăng chúng (8 ở chùa Tam Thai và 6 ở chùa Linh Ứng).

bien-che-chua-quan-ngu-hanh-son
Chùa Tam Thai trên Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Internet

Tăng cang đầu tiên của Ngũ Hành Sơn là nhà sư Từ Trí. Tăng cang Từ Trí, thế danh Nguyễn Viết Lư, sinh năm 1852, mất năm 1921. Năm Thành Thái thứ 7 (1895), nhà sư được triều đình bổ làm Tăng cang “toàn quyền lãnh đạo” hai chùa Linh Ứng và Tam Thai ở Ngũ Hành Sơn. Năm 1906, Tăng cang Từ Trí bị bệnh đau yếu “khó kham công vụ”, xin giao lại việc thờ cúng Phật sự cho 2 trụ trì chùa Tam Thai, Linh Ứng và được triều đình chấp thuận (châu bản đời Thành Thái). Tăng cang Từ Trí chính là tác giả Ngũ Hành Sơn lục. Ngoài ra, các vị tăng cang khác ở Ngũ Hành Sơn là Thiền sư Từ Nhẫn (theo Nguyễn Hiền Đức) và Hòa thượng Phước Trí (theo Thích Nữ Chúc Kim).

Theo bảng “Lâm Tế tông phổ lịch Đại giác linh” tại chùa Linh Ứng, các vị trụ trì nối tiếp nhau ở chùa Tam Thai là: Thiền sư Viên Trừng, Thiền sư Hoằng Ân, Hòa thượng Mật Hành, Hòa thượng Huệ Quang, Hòa thượng Từ Trí, Hòa thượng Chí Thành, Thiền sư Từ Nhẫn, Hòa thượng Phước Trí. Các vị trụ trì của chùa Linh Ứng là: Đại thiền sư Bửu Đài, Thiền sư Chơn Như, Đại thiền sư Phước Nghi, Thiền sư Hưng Long, Thiền sư Tôn Nguyên, Hòa thượng Hương Sơn, Thiền sư Phước Điền.

Vị trí chức danh

Tăng cang, theo Từ điển Phật học, là tên gọi một chức tăng quan chuyên giám sát quy luật của tăng ni cũng như quản lý chùa lớn nổi tiếng. Danh xưng này giống với các danh xưng sa môn thống, tăng thống, tăng chánh, tăng chủ ở Trung Quốc. Theo sách Lịch triều tạp kỷ (đầu thế kỷ 19), đời Lê dùng danh xưng tăng thống. Sổ tay từ ngữ lịch sử (quan chế) giải thích tăng thống là chức quan trông coi về Phật giáo, trên tăng lục. Như vậy, tăng cang là cấp bậc cao trong hàng tu sĩ Phật giáo. Đầu triều Nguyễn, vua Gia Long đặt chức tăng cang cho chùa Thiên Mụ. Các vua đời sau lập thêm nhiều chùa quan và cử bổ tăng cang để quán nhiếp Phật sự. Lúc đầu vua chọn tăng cang, ra lệnh Bộ Lễ cấp độ điệp và giới đao. Về sau, cử bổ tăng cang mới theo quy trình: các tăng cang họp đề cử tăng cang mới, Bộ Lễ tâu lên vua phê chuẩn. Vua chấp thuận bằng cách chấm điểm son vào tờ tâu (châu bản).

Trụ trì là vị lãnh đạo nhóm tu sĩ Phật giáo, phụ giúp tăng cang tại một ngôi chùa. Đại sư là vị thầy của các tăng sĩ. Tăng chúng là nhà tu thường. Đạo chúng là người mới tu. Việc cử bổ trụ trì theo quy trình: tăng cang và trụ trì các chùa quan họp đề cử vị trụ trì, tâu lên Bộ Lễ. Bộ Lễ dâng lên vua giống ở trên. Sau khi vua phê duyệt, Bộ Lễ sẽ cấp một bằng cấp (văn bằng) trụ trì và cấp độ điệp cùng giới đao. Thiền sư Viên Trừng vốn là tăng chúng chùa Thiên Mụ và Thiền sư Chơn Như là tăng chúng chùa Long Quang ở kinh thành, cả 2 được bổ nhiệm về trụ trì chùa Tam Thai và Linh Ứng theo sắc dụ của vua Minh Mạng vào năm 1826. Mỗi vị được cấp chứng thư độ điệp chính thức. Nếu trụ trì được “tinh giảm biên chế” sẽ bị thu hồi giới đao và độ điệp, trả về cho Bộ Lễ.

Độ điệp là chứng thư của triều đình cấp cho các tăng ni, đạo sĩ. Giới đao dùng để rọc y, cắt tóc, cắt móng tay, gọt vỏ trái cây, đoạn trừ những điều ác (tinh thần).

Chế độ lương – phục

Kinh phí hoạt động chung của chùa quan đều do triều đình chu cấp từ việc xây dựng, tu bổ cho đến tự khí, tự điển. Một ví dụ, căn cứ vào các án thờ và lễ tiết trong năm để định ra số lượng lễ rồi theo đó cấp chi phí, dưới thời Tự Đức thứ 28 (1875), 2 chùa Tam Thai và Linh Ứng được cấp 400 quan và 12 thăng muối, 12 vuông gạo cho mỗi án. Trụ trì chỉ việc làm đơn đến tỉnh để lĩnh về. Nơi ở của các vị tăng cang, trụ trì, tăng chúng của chùa quan đều được nhà nước sắp đặt. Tháng 8 năm Thành Thái thứ 7 (1895), triều đình chuẩn cho lập thêm 1 tăng cang kiêm quản 2 chùa Tam Thai và Linh Ứng, nên nhà nước phải làm thêm một am cho tăng cang ở.

Các “biên chế” trong chùa được cấp tiền lương và pháp phục riêng. Dưới thời Minh Mạng, tăng cang được lĩnh 1 vuông gạo và 3 quan tiền; trụ trì lĩnh 1 vuông gạo và 2 quan tiền; tăng chúng mỗi người lĩnh 2 vuông gạo và 1 quan tiền. Dưới thời Thành Thái (1899), tăng chúng được chiếu theo lệ cấp như lính, mỗi người hằng tháng cấp 1 đồng 4 hào (theo lệ cũ mỗi tháng cấp 1 vuông gạo và 2 quan tiền), trụ trì mỗi tháng cấp 1 đồng 6 hào (theo lệ cũ mỗi tháng cấp 1 vuông gạo và 5 quan tiền). Albert Sallet năm 1925 đã nhận xét sự đãi ngộ như vậy “rất ít ỏi”, “các sư sống đạm bạc và nghèo nàn”, “khoản tiền lương này thể hiện sự chịu đựng chế độ ăn uống thấp nhất của các nhà tu”, vì ông tính một vuông gạo “khoảng 40 lít gạo”. Ông kể lại “vị Tăng cang Lư có lần đã ngã quỵ với khoản tiền lương và chế độ ăn uống này”.

Tăng cang được cấp 2 bộ pháp phục. Mỗi bộ pháp phục gồm có: 1 cà sa y, 1 áo hậu 5 màu, 1 mão Quan Âm, 1 mão Tỳ Lư có hình 5 vị Phật, 1 bộ thiền cụ, 1 đôi giày (hia), 1 đôi dép. Trụ trì cũng được cấp mỗi năm 2 bộ pháp phục giống như của tăng cang, khác là áo hậu của trụ trì chỉ có hai màu.

Nguyễn Dị Cổ

Theo Quảng Namm Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/dat-va-nguoi-xu-quang/bien-che-chua-quan-ngu-hanh-son-93250.html

Cùng chuyên mục