Bí mật thăm thẳm vẫn nằm nơi đại dương

Ước tính có hơn 90% đa dạng sinh học nằm trong biển cả, nhưng cho đến nay chúng ta mới thám hiểm hơn 2% đại dương.

Ngược dòng lịch sử, các khám phá địa lý từ trước thời Columbus đặt chân tới châu Mỹ đều dựa trên việc rong thuyền qua các đại dương, biển lớn, và ngược dòng sông tiến vào đất liền. Do đó, việc đi theo các dòng nước luôn là cảm hứng bất tận cho chúng ta khám phá không chỉ về sự sống mà còn về các nền văn hoá và miền đất xa xôi.

Cội nguồn của sự sống

Nếu không có nước, hành tinh của chúng ta cũng chỉ là một trong hàng tỷ thiên thạch im lìm trôi nổi giữa khoảng không thăm thẳm.

Chúng ta nên gọi hành tinh của mình là “Trái nước”. Như quả cầu nhỏ bồng bềnh trong bóng tối vô tận của không gian, Trái đất như ngọn lửa sự sống thắp sáng cái lạnh lẽo bất tận của vũ trụ. Đi ngược lại mọi quy luật, Trái đất là khu vườn của hết thảy dạng sống nảy nở, sinh sôi.

Thuyết minh trực quan nhất về đại dương là cẩm nang về biển cả.

Nếu không có nước, hành tinh của chúng ta cũng chỉ là một trong hàng tỷ thiên thạch im lìm trôi nổi giữa khoảng không thăm thẳm. Ngay cả các nhà thống kê cũng nhận thấy xác suất Trái đất tồn tại với hệ động thực vật phong phú còn thấp hơn khả năng chúng ta là một loài sống trên bề mặt của nó. Ấy thế mà bất chấp mê trận của tính phi xác suất, ta vẫn phần nào tìm thấy con đường dẫn tới ngày nay.

Con người đã bị biển cả mê hoặc từ trước khi nhà thơ Homer của Hy Lạp cổ đại viết nên sử thi Odyssey về cuộc phiêu lưu trên đại dương. Chúng ta lao vào vương quốc đại dương lạ lẫm để tìm câu trả lời, còn nó thì luôn miễn cưỡng, chẳng dễ mở lòng. Dù cho các nhà thám hiểm, nhà khoa học, nhà hải dương học đã đạt được những thành tựu vô tiền khoáng hậu thế nào thì thật ra ta vẫn chưa khám phá qua khỏi bề mặt đại dương.

Ước tính có hơn 90% đa dạng sinh học nằm trong các đại dương. Từ loài sứa dập dềnh bơi cho tới cuộc chiến sinh tử giữa bạch tuộc và tôm tít, các khám phá luôn chờ đợi chúng ta. Với mỗi bí mật được bật mở, lại có hàng tá bí mật khác tự hiện ra. Chắc chắn sẽ vô vàn hưng phấn khi lao vào khám phá tiền đồn cuối cùng trên hành tinh này.

Nhờ công nghệ mới, ta có thể thám hiểm hơn 2% các đại dương mà nhiều thế hệ trước đây đã quan trắc. Nhưng dù có công nghệ hiện đại thì phải mất vài thế hệ nữa, chúng ta mới đạt tới mức hiểu biết cơ bản như chúng ta có được về đất liền.

Bất kể có cảm thấy đại dương xa xôi diệu vợi đến đâu thì mỗi hoạt động hàng ngày của chúng ta đều tác động tới vòng tuần hoàn nước của hành tinh và nó sẽ ảnh hưởng ngược trở lại. Toàn bộ nước đổ xuống mặt đất (từ đỉnh núi cao nhất tới đồng bằng thấp nhất) đều thoát vào đại dương.

Và mặc cho điều này đã diễn ra hàng triệu năm, dấu chân sinh thái không ngừng tăng của loài người trong thế kỷ qua đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới vòng tuần hoàn này. Từ việc lạm dụng phân bón ở đất liền (khiến tảo nở hoa làm chết thủy sinh vật ở cách xa nghìn cây số) cho tới rác nhựa trôi nổi tới tận những miền xa xôi, tất cả đều ảnh hưởng tới “sức khỏe” đại dương – hệ thống hỗ trợ sự sống duy nhất của chúng ta.

Lời nhắc nhở này viết ra không phải để bạn cảm thấy chúng ta đang tự tận diệt mình, mà cho bạn thấy: Nhờ vốn tri thức ngày càng mở rộng về đại dương, ta có thể chữa trị cho hành tinh đang suy yếu. Chỉ cần những hành động đơn giản, mỗi chúng ta có thể tác động tích cực đáng kể lên tương lai hành tinh và thế giới mà con cháu chúng ta thừa hưởng. Tóm lại, hãy học cách thuận xoay cùng thiên nhiên chứ đừng cưỡng ép thay đổi nó.

Cuốn sách dành cho người đặc biệt say mê đại dương

Trích dẫn phía trên chính là lời giới thiệu của nhà bảo tồn đại dương Fabien Cousteau trong cuốn sách Thuyết minh trực quan nhất về Đại Dương. Cuốn sách được các nhà khoa học hàng đầu của Viện Smithsonian và Bảo tàng lịch sử tự nhiên Mỹ phối hợp biên soạn, hai cơ quan khoa học này có uy tín cao nhất tại Mỹ.

500 trang sách màu sinh động, đồ sộ được mua bản quyền từ nhà xuất bản DK, Anh.

Thuyết minh trực quan nhất về Đại Dương không chỉ gồm nội dung hoàn chỉnh về khoa học mà cuốn sách còn đề cập tới nhiều vấn đề mang tính thời đại khác như bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, du lịch, phát triển bền vững sinh kế cho thế hệ mai sau.

Cuốn sách phù hợp cho mọi đối tượng. Các giáo viên và học sinh, sinh viên có thể sử dụng tư liệu của sách làm các bài tập về địa lý, lịch sử tự nhiên của trái đất, hải dương học, sinh thái học biển và ven biển, bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Những nhà giáo dục môi trường có thể sử dụng sách làm bài giảng ngắn gọn, trực quan, đầy đủ về các quá trình tự nhiên và mối quan hệ của con người với thiên nhiên, đặc biệt là tác động của loài người lên các đại dương đang ôm trọn các lục địa đầy sự sống trong đó.

Các nhà khoa học chuyên ngành có thể tra cứu nhanh thuật ngữ và khái niệm khoa học trong lĩnh vực rộng lớn của khoa học trái đất và khoa học sự sống.

Những nhà bảo tồn thiên nhiên và di sản văn hoá sẽ tìm thấy những câu chuyện thành công và thất bại minh hoạ cho triết lý quản lý môi trường họ đang theo đuổi.

Những hướng dẫn viên du lịch và các nhà nghiên cứu du lịch sẽ có thêm nhiều tri thức địa lý, sinh thái học và khoa học trái đất để cải tiến chất lượng dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch dựa vào thiên nhiên, phát triển du lịch bền vững và làm giàu chính đáng.

Ái Thư

Theo Zing.vn

 

Link nguồn: https://news.zing.vn/bi-mat-tham-tham-van-nam-noi-dai-duong-post1037134.html

Cùng chuyên mục