Bảo hộ thương hiệu sâm Ngọc Linh

Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ mục tiêu đăng ký mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ và phát triển vùng trồng sâm theo quy hoạch của tỉnh” là vô cùng thiết thực, góp phần bảo hộ thương hiệu sâm Ngọc Linh, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân thăm quan Trại sâm giống Tắc Ngok (Nam Trà My).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân thăm quan Trại sâm giống Tắc Ngok (Nam Trà My).

Mở rộng vùng bảo hộ

Đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký CDĐL số 00049 cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh của 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Tuy nhiên, sâm Ngọc Linh đã được chính quyền, doanh nghiệp, người dân 2 tỉnh đầu tư mở rộng diện tích trồng ngoài vùng được bảo hộ và đầu tư di thực đến một số vùng. Nếu không có công cụ quản lý tốt thì CDĐL Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ sẽ bị lạm dụng hoặc gây ảnh hưởng xấu trong quá trình trồng và kinh doanh sản phẩm sâm tại những vùng địa lý chưa được bảo hộ.

TS. Lương Đức Toàn – Viện Thổ nhưỡng nông hóa cho biết, đề tài nhằm xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ đăng ký mở rộng phạm vi bảo hộ CDĐL Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ; nghiên cứu và phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh quy hoạch trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu đặc tính đất và chất lượng sâm ngoài vùng quy hoạch; đề xuất các giải pháp phát triển sâm bền vững…

TS. Lương Đức Toàn cho biết, về điều kiện tự nhiên vùng trồng sâm Ngọc Linh, cây sâm phân bố trong vành đai của khối núi Ngọc Linh ở độ cao 1.200 – 1.500m. Vùng trồng sâm đều nằm trong các đai rừng phòng hộ với mật độ che phủ rừng đạt trên 70%… Nhóm nghiên cứu đề xuất hơn 12.000ha đất bổ sung, thích hợp cho vùng nghiên cứu bổ sung, đưa vào phạm vi bảo hộ của CDĐL cho 7 xã tại huyện Nam Trà My, gồm Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam, Trà Dơn, Trà Tập, Trà Leng, Trà Don.

Nhóm nghiên cứu đề xuất quy hoạch vùng trồng sâm trên diện tích hơn 15.500ha. Trong đó, quy hoạch vùng bảo tồn trên diện tích hơn 2.200ha, tại 7 tiểu khu thuộc xã Trà Cang, Trà Nam, Trà Linh; vùng quy hoạch phát triển sâm tại 7 xã trên tổng diện tích hơn 10.200ha. Đề tài xác định diện tích đất ưu tiên cho vùng trồng sâm hơn 5.300ha, chiếm 42,63% diện tích vùng trồng sâm của tỉnh; đề xuất vùng chuyển tiếp hơn 5.000ha, vùng phát triển di thực là hơn 1.600ha, diện tích phát triển tạo vùng đệm 414,87ha…

Đề xuất nhiều giải pháp

TS. Lương Đức Toàn đề xuất, ngoài giải pháp quy hoạch vùng sâm rộng hơn 15.500ha nói trên, cần triển khai đồng bộ các giải pháp bảo tồn, phát triển thực hiện trong giai đoạn 2016 – 2020, 2020 – 2025. Trong đó chú trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào vùng sâm (nhân giống sâm chuẩn, phòng trừ dịch hại bằng phương pháp sinh học, giải pháp phân biệt sâm giả – sâm thật); nghiên cứu, đánh giá khả năng thích hợp của cây sâm tại các vùng di thực; giải pháp nâng cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sâm (đường sá, phát triển hạ tầng du lịch, đầu tư hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin)… Đồng thời đồng bộ các giải pháp về thị trường tiêu thụ, xúc tiến thương mại, giải pháp về chính sách đầu tư, xây dựng, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư trồng sâm, phát triển công nghiệp sâm…

Ông Hồ Quang Bửu – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho rằng, cần phải xây dựng một bản đồ đất đai vùng trồng sâm, bản đồ hiển thị vùng nào trồng sâm được, vùng nào không được để người dân và doanh nghiệp rõ. “Lâu nay, mỗi doanh nghiệp lên Nam Trà My đều phải khảo sát, đem đất về kiểm định, đánh giá, nếu Nhà nước giúp khâu này, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư trồng sâm thuận lợi hơn nhiều” – ông Bửu nói.

Ông Bửu đề xuất, ngoài nâng cấp tuyến đường huyết mạch quốc lộ 40B từ quốc lộ 1 lên huyện Nam Trà My cần nâng cấp 2 tuyến đường vào vùng sâm quốc gia (đường 40B – Trà Linh và Trà Tập – Trà Linh; đường nối Trà Cang – Trà Tập – Trà Leng) bởi đi cùng với quy hoạch vùng trồng sâm cần chú trọng đến bài toán về hạ tầng…

Ông Phạm Viết Tích – Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ cho rằng, tại 7 xã thuộc vùng mở rộng quy hoạch và 3 xã đã trồng sâm, bảo tồn cây sâm trước đó, cần thiết xây dựng bản đồ cụ thể vùng nào có thể trồng sâm được, tạo thuận lợi trong đầu tư, phát triển cây sâm. Với 2 xã Phước Lộc (Phước Sơn) và Ch’Ơm (Tây Giang), không nằm trong phạm vi nghiên cứu đề tài, 2 xã này vẫn chưa đủ điều kiện để đưa vào vùng mở rộng CDĐL và cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, chỉ khi đủ điều kiện mới đưa vào. Cần thêm đề tài nghiên cứu về di thực vùng trồng sâm, tập trung nghiên cứu cây sâm di thực ở vùng có độ cao 1.200 – 1.500m so với mực nước biển, đánh giá hiệu quả để đề xuất, khuyến cáo.

Bài & ảnh: Hoàng Liên

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/kinh-te/201912/bao-ho-thuong-hieu-sam-ngoc-linh-886063/

Cùng chuyên mục