Adidas thử nghiệm giày tái chế để chấm dứt rác thải nhựa

Những người yêu lối sống bền vững vừa đón nhận tin vui: Hãng Adidas bắt đầu thử nghiệm loại giày tái chế với tên gọi UltraBOOST DNA LOOP. Sản phẩm này được ghi nhận là một phần trong nỗ lực của hãng sản xuất đồ thể thao hàng đầu nhằm tuân thủ các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn.

Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Các hệ thống tuần hoàn áp dụng các quy trình tái sử dụng thông qua chia sẻ, sửa chữa, tân trang, tái sản xuất và tái chế nhằm tạo ra các vòng lặp kín cho tài nguyên sử dụng trong hệ thống kinh tế nhằm giảm đến mức tối thiểu số lượng tài nguyên sử dụng đầu vào và số lượng phế thải tạo ra, cũng như mức độ ô nhiễm môi trường và khí thải.

Loại giày nêu trên được thiết kế để chúng có thể được tái chế vào cuối vòng đời và làm lại thành các đôi giày mới.

adidas-thu-nghiem-giay-tai-che
Đôi giày mới tuân thủ nguyên tắc tái chế gắt gao

“Sản phẩm của tương lai”

Mẫu giày tái chế này hiện đang được kiểm tra độ bền và mẫu mã bởi 1.500 người chạy để xác định cách thức hệ thống bán và trả lại “Made to be Remade” của công ty sẽ được triển khai rộng rãi vào năm tới. James Carnes, phó chủ tịch chiến lược thương hiệu của Adidas cho biết: “Chúng tôi tin rằng chúng tôi phải thiết kế sản phẩm của tương lai ngay bây giờ – nhưng chúng tôi không thể làm việc đó một mình.”

“Trong giai đoạn thử nghiệm, chúng tôi hy vọng sẽ tìm hiểu thêm về cách bao gồm yếu tố quan trọng nhất của quá trình – hành vi đón nhận và phản hồi của người dùng- để định hình cách chúng tôi tái sử dụng những vật liệu này trong một vòng lặp vô tận. Đây là một phần trong cam kết rộng lớn hơn về mục tiêu chấm dứt rác thải nhựa.”

Nhà sản xuất cho rằng, khái niệm “Được sản xuất để được làm lại” sẽ chỉ hoạt động nếu họ có thể hoàn thành vòng lặp. Việc trả lại đôi giày sau một thời gian sử dụng là yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công của quy trình này. Do vậy, hãng sản xuất chú trọng mẫu thiết kế và tinh chỉnh quy trình trước khi sản phẩm được sản xuất hàng loạt.

Đáng lưu ý, mỗi đôi giày UltraBOOST DNA LOOP được làm hoàn toàn từ một vật liệu – nhựa nhiệt dẻo TPU và được lắp ráp bằng nhiệt chứ không phải bằng keo như các đôi giày thể thao thông thường.

adidas-thu-nghiem-giay-tai-che
Nhựa nhiệt dẻo TPU làm nên sự khác biệt của đôi giày tái chế

Một đôi giày sẽ không bao giờ bị vứt bỏ

Điều này có nghĩa là chúng có thể được trả lại cho Adidas sau khi chúng bị mòn đi và được đưa vào nhà xưởng để làm lại thành các giày mới. Adidas đã âm thầm thử nghiệm loại giày này vào năm 2019 và phiên bản thử nghiệm công khai mới đây dành cho các thành viên Câu lạc bộ Người sáng tạo, sẽ tập trung vào cách thức hoạt động của quy trình thương mại mới.

200 vận động viên điền kinh trên khắp thế giới đã tham gia vào quá trình thử nghiệm kín đầu tiên, sở hữu giày chạy bộ UltraBOOST DNA LOOP Gen 1, mang chúng thường xuyên và sau đó trả lại cho Adidas để họ làm lại giày mới.

Tiếp đó, 200 vận động viên được yêu cầu xỏ đôi giày mới được tái chế từ giày cũ và cung cấp phản hồi giúp hãng sản xuất điều chỉnh các yếu tố liên quan đến sản phẩm. Những đôi giày được nhận lại sau đợt thử nghiệm mới sẽ được sử dụng để làm thành các đôi giày sẽ được bán ra thị trường vào năm 2021.

adidas-thu-nghiem-giay-tai-che
Một chiếc giày như thế này được kỳ vọng sẽ trải qua nhiều vòng đời bất tận

Ông Carnes chia sẻ thêm: “Tham vọng của chúng tôi là chấm dứt rác thải nhựa. Thông qua chiến lược mới, chúng tôi muốn đảm bảo rằng ngày càng nhiều sản phẩm của mình được làm bằng vật liệu tái chế, được làm lại hoặc làm bằng vật liệu có nguồn gốc tự nhiên. Tác động lớn nhất đến môi trường của chúng tôi đến từ các vật liệu sử dụng trong các sản phẩm. Chúng tôi cần đảm bảo rằng những vật liệu này được lưu giữ lâu nhất có thể và được tái sử dụng để tạo ra các sản phẩm mới.”

Thiệu Kiệt

Theo 24hsongxanh.vn/ Dezeen

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/adidas-thu-nghiem-giay-tai-che-de-cham-dut-rac-thai-nhua/

Cùng chuyên mục