5 điều kiện để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số của doanh nghiệp

Chuyển đổi số đã, đang và sẽ tiếp tục trở thành xu thế lớn nhất trong kinh doanh toàn cầu. Trong bối cảnh đó, câu hỏi được đặt ra cho doanh nghiệp không phải chuyển đổi số hay không, mà là làm thế nào để chuyển đổi số đạt được hiệu quả tối ưu?

Các hoạt động của doanh nghiệp đang thay đổi từng ngày, nhờ những thành tựu trong khoa học công nghệ, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu.

Chuyển đổi số giờ đây không còn được coi là một điểm cộng, mà là điều bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện nếu không muốn trở nên tụt hậu và bị loại ra khỏi cuộc chơi.

chuyen-doi-so-doanh-nghiep
Nhiều doanh nghiệp vẫn gặp phải nhiều khó khăn, lúng túng trong công tác số hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù các tiện ích công nghệ ngày càng phổ biến và dễ sử dụng, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp phải nhiều khó khăn, lúng túng trong công tác số hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Katherine Xin, chuyên gia quản lý tạiTrường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc – Châu Âucho biết, đa số các doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại hoặc gặp cản trở do quá vội vàng ứng dụng một số thành tựu công nghệ, trong khi năng lực của đội ngũ lãnh đạo và nhân viên chưa kịp thích ứng với phương thức hoạt động mới.

Cụ thể, GS. Katherine đưa ra năm điều kiện tiên quyết cần chuẩn bị trước khi bắt tay vào quá trình ứng dụng số hóa cho các công ty.

Đầu tiên, xây dựng năng lực của nhà lãnh đạo. Theo đó, quá trình chuyển đổi số không chỉ đơn giản là ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh, mà còn đỏi hỏi sự hiểu biết về hiệu quả, chiến lược cũng như tư duy của mỗi cá nhân trong tổ chức.

Mỗi doanh nghiệp sẽ có quá trình số hóa riêng biệt, đòi hỏi nhà lãnh đạo cần phải hiểu một cách sâu sắc, bên cạnh tầm nhìn xa để vạch ra các chiến lược dài hạn.

Bên cạnh đó, phong cách quản lý và ứng xử của nhà lãnh đạo cũng cần được tinh chỉnh sao cho phù hợp với các công cụ kỹ thuật số, đòi hỏi cần có sự cởi mở, sẵn sàng thay đổi suy nghĩ và chấp nhận những khó khăn ban đầu khi phải thay đổi phong cách làm việc hình thành lâu năm.

Thứ hai, cơ cấu tổ chức phù hợp. Trước đây, để lấn sân sang lĩnh vực thương mại điện tử, các doanh nghiệp thường thực hiện theo phương án xây dựng một đội nhóm riêng lẻ đảm nhiệm phát triển kênh bán hàng này.

Tuy nhiên, theo GS. Katherine, phương pháp này đã hoàn toàn trở nên lỗi thời do sự thiếu gắn kết trong các đội nhóm, gây ra sự phân mảnh trong hệ thống tổ chức. Từ đó, các doanh nghiệp cần tập trung đào tạo chuyển đổi số cho cả các nhân sự làm việc theo phương thức truyền thống, đảm bảo quá trình số hóa được diễn ra đồng đều.

Thứ ba, xây dựng quy trình làm việc phù hợp. Theo đó, sự tương tác và phối hợp làm việc giữa các cá nhân và phòng ban sẽ có thể diễn ra nhanh chóng, thuận tiện hơn. Tuy nhiên, quá trình đó có thể gây ra những hiểu nhầm hoặc sự lúng túng nếu không có một quy trình làm việc cụ thể và chi tiết.

Đổi mới về công nghệ là nhân tố vô cùng quan trọng để kích thích khả năng sáng tạo cũng như tối ưu hóa hiệu quả công việc. Ứng dụng đổi mới thông qua quy trình làm việc rõ ràng, minh bạch và hợp lý sẽ giúp phát huy tối đa thế mạnh của chuyển đổi số.

chuyen-doi-so-doanh-nghiep
Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi trả số tiền lớn để tuyển dụng những nhân tài về công nghệ nhằm phục vụ quá trình số hóa.

Thứ tư, xây dựng đội ngũ chuyên môn về công nghệ. GS. Katherine cho biết, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi trả số tiền lớn để tuyển dụng những nhân tài về công nghệ nhằm phục vụ quá trình số hóa, nhưng lại chưa hề đầu tư đúng mức cho việc phát triển kỹ năng ứng dụng số hóa ở đội ngũ nhân viên.

Các chuyên gia về kỹ thuật số có thể đưa ra nhiều phương án để doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi sang quy trình công nghệ cao nhưng sẽ rất khó để xác định phương án nào là phù hợp nếu chưa nắm vững đặc điểm của nội bộ doanh nghiệp. Vì vậy, phát triển kỹ năng số cho đội ngũ nhân sự cũ sẽ đóng vai trò tìm ra phương án chuyển đổi số phù hợp nhất, bên cạnh việc thực hiện phương án đó một cách đồng bộ và hiệu quả.

Cuối cùng, củng cố văn hóa tổ chức doanh nghiệp. Văn hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì và củng cố tình đoàn kết và tính tương tác để giải quyết các vấn đề trong nội bộ.

Quy trình làm việc trên nền tảng kỹ thuật số bao gồm nhiều công đoạn được thực hiện trên nền tảng trực tuyến có thể sẽ gây ra sự mai một trong việc duy trì văn hóa doanh nghiệp mà lãnh đạo cần phải lường trước.

Phạm Sơn

Theo theleader.vn

 

Link nguồn: https://theleader.vn/5-dieu-kien-de-nang-cao-hieu-qua-chuyen-doi-so-cua-doanh-nghiep-1598417983547.htm

Cùng chuyên mục