10 năm nắm bắt “Nhịp sống Sài Gòn”

Trong giới nhiếp ảnh, Trần Thế Phong là một nghệ sĩ tên tuổi với hơn 200 giải thưởng uy tín trong và ngoài nước.

Tiệm may Thiện Thưởng (Phú Nhuận) nổi tiếng bậc nhất Sài thành những năm 50 của thế kỷ trước ẢNH: TRẦN THẾ PHONG
Tiệm may Thiện Thưởng (Phú Nhuận) nổi tiếng bậc nhất Sài thành những năm 50 của thế kỷ trước. Ảnh: TRẦN THẾ PHONG
Chính vì vậy, cuốn sách ảnh Nhịp sống Sài Gòn (NXB Trẻ) vừa ra mắt của ông đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người trong nghề và người yêu Sài Gòn – TP.HCM.
Sau nhiều năm gắn bó với Sài Gòn – TP.HCM, vào một ngày hơn 10 năm trước, Trần Thế Phong chợt nhận ra “sao mà ta… nặng nợ với nơi này quá!”. Thế là ông bắt tay lên ý tưởng cho dự án sách công phu có tên gọi Nhịp sống Sài Gòn để trả nghĩa cho vùng đất đã cưu mang mình.
Từ đó, hằng ngày Trần Thế Phong thức dậy thật sớm, bất kể nắng hay mưa, mang chiếc máy ảnh cũ lang thang khắp “hang cùng ngõ hẻm” của thành phố để chụp ảnh. Có khi ông bỏ ra 4 – 5 ngày “ngồi đồng” tại một địa điểm để tìm cách chộp lấy những khoảnh khắc ưng ý nhất.
Gánh hàng rong (nhà thờ Đức Bà 2010)
Gánh hàng rong (nhà thờ Đức Bà 2010).
Tôi là đứa trẻ kém may mắn...”, Trần Thế Phong tâm sự: “Cha mẹ ly hôn từ năm mới 3 tuổi, tôi sống tự lập với một bà cô nuôi và trải qua đủ thứ nghề kiếm sống, từ bán báo, bán vé số, chạy bàn, làm nhang, đánh giày, phụ bếp… Hồi ấy, thấy bạn tôi hay mang ra khoe các bức ảnh cảm động về gia đình còn lưu giữ rất quý giá, tự dưng tôi thấy nghề chụp ảnh cũng hay hay nếu muốn lưu lại những ký ức đẹp. Chưa kể, đôi khi một bức ảnh giá trị cũng có thể thay đổi cả cuộc đời, thậm chí làm rúng động cả thế giới. Vì vậy, tôi bắt đầu tò mò tìm đến với nhiếp ảnh”.
Lăn lộn mưu sinh ở Sài Gòn đã khiến cho Phong vô cùng yêu ảnh đất phương Nam nắng gió và phóng khoáng tình người này. Chính sự trải nghiệm của tuổi thơ cơ cực đã giúp cho Trần Thế Phong có sự đồng cảm với người lao động bình dân ở Sài Gòn.
Ổ bánh mì từ thiện hay bình nước trà đá miễn phí của bao con người mộc mạc, bình dị ở phố đã tạo động lực và nguồn cảm hứng cho ông săn ảnh. Với ông, cuộc sống của những người lao động ấy đã làm nên nhịp sống Sài Gòn rất riêng biệt.
Sài Gòn phát triển và thay đổi từng ngày. Mỗi khi đi ngang qua thương xá Tax, bùng binh chợ Bến Thành hay nhà thờ Đức Bà đang sửa chữa bề bộn… tôi thấy mình may mắn vì đã kịp lưu giữ được nhiều bức ảnh di sản đẹp cho ngày sau. Trong sách tôi có ảnh về tiệm may Thiện Thưởng (Phú Nhuận) nổi tiếng bậc nhất Sài thành những năm 50 của thế kỷ trước, hình ảnh ông Dương Văn Ngộ (89 tuổi) hơn 29 năm viết thư thuê ở Bưu điện TP.HCM hay cụ bà Diệp Liên (gần 100 tuổi) ở hẻm cổ Hào Sĩ Phường (Q.5)...”, tác giả Trần Thế Phong bùi ngùi. 153 tác phẩm ảnh chọn lọc trong tập sách ảnh Nhịp sống Sài Gòn đã phản ánh đời sống muôn mặt Sài Gòn từ năm 2008 – 2019.
Qua bữa
Qua bữa.
TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu kể: “Một sáng tháng 6 tôi và nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong gặp nhau ở Đường sách TP.HCM. Dưới vòm me màu hạ xanh mướt chúng tôi lần giở từng tấm hình mà anh chụp hơn 10 năm ở Sài Gòn. Từng con đường, từng góc phố, con người sinh hoạt hiện lên sinh động. Tôi nhận ra đây đúng là một Sài Gòn mình đã biết và nặng lòng yêu thương”.
Trần Thế Phong sinh năm 1969 tại Sài Gòn. Ông có 9 lần đoạt giải thưởng xuất sắc của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN, 10 lần nhận giải thưởng báo chí TP.HCM và quốc gia, 3 HCV nhiếp ảnh tại Áo, 4 huy chương Asahi Shimbun và giải thưởng Grandprix tại Nhật Bản.
Nhân dịp ra mắt sách, Trần Thế Phong vừa khai mạc triển lãm ảnh Nhịp sống Sài Gòn (diễn ra đến ngày 18/9), tại showroom Lê Bảo Minh (184 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM).
Lê Công Sơn
Theo thanhnien.vn
Cùng chuyên mục