Xin đừng thưa thớt trở về

Tháng Bảy, có biết bao đứa con xa nhà ngồi nhìn mưa rơi ngoài cửa kính mà thèm hơi ấm của căn bếp củi. Tưởng như nhắm mắt lại là có thể nghe thấy tiếng mẹ bẻ củi lách cách, tiếng bát đũa, xoong nồi khe khẽ va nhau.

Người trẻ nên dành thời gian nhiều hơn để về quê thăm hỏi các bà, các mẹ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Người trẻ nên dành thời gian nhiều hơn để về quê thăm hỏi các bà, các mẹ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Củi ngày mưa khói cay mắt mẹ. Nhưng mùi dầu tràm tỏa ra từ ngọn lửa leo lắt thường khiến người ta dễ chịu. Trời mưa mẹ hay kho cá, cũng có khi là mớ tép đồng. Thêm vài lát khế hoặc ít măng chua cũng đủ dậy lên thứ hương vị bình dị của quê nhà. Nhà có gì ngon mẹ cũng để phần con. Từ túi bỏng mới thổi, hoa quả ngoài vườn, con gà mái tơ, đến giàn hoa thiên lý còn đang chúm chím. Các con không về quả trên cây đàn chim gọi nhau về ăn chỉ còn lại hạt, con gà mái đẻ xong mấy đợt trứng rồi, cũng đã qua mùa hoa thiên lý.

Tôi có khi nghe tin mẹ ốm qua lời đứa bạn cùng quê. Lúc gọi về nhà thì mẹ đã ra viện mấy hôm, đã quanh quẩn ngoài vườn trồng cây, nhổ cỏ. Mẹ nói “không muốn để các con lo lắng. Ở nhà đã có cha và cô bác xóm giềng”. Lần khác, lúc về thăm nhà mới biết tháng trước mẹ bị bỏng nặng. Do bất cẩn nên cả chảo mỡ đang sôi đổ vào tay mẹ. Mẹ không đi viện mà tự mình sơ cứu rồi đắp thuốc. Hàng xóm kêu “trời ơi, bác cứ tưởng mẹ cháu bị nhiễm trùng mất cả cánh tay. Thế mà bảo gọi các con về mà mẹ cháu cứ can. Nói tụi nhỏ còn trăm công ngàn việc”. Tôi nâng cánh tay mẹ nhìn vết sẹo loang lổ nước mắt ứa ra. Tự dằn vặt bản thân lúc mẹ đau có thể mình đang bận một cuộc vui nào đó.

Gọi điện về lần nào mẹ cũng bảo ở nhà vẫn bình thường. Mẹ kể chuyện con bò mới đẻ, cây hồng năm nay sai quả lắm, lúa ngoài đồng đã bắt đầu trĩu bông, đường nước sạch đã về đến tận nhà, hàng xóm lại có người mới đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Mẹ không nhắc đến những cơn đau trên cơ thể mình. Mẹ cũng rất ít khi nói nhớ nhung hay hỏi xem bao giờ con về. Mẹ chỉ dặn nhớ dành thời gian để nghỉ ngơi, sống xa nhà không ai chăm sóc. Tôi đâu biết sáng nào mẹ cũng xé tờ lịch trên tường, nhắc với cha “lần trước cái út về là vào ngày nhà mình đang nạo vét ao thả đợt cá mới. Thế mà ngày mai đã tát ao bắt cá. Giá mà nó về thể nào cũng đòi ăn cá nướng”.

Trong số chúng ta, rất nhiều người chỉ trở về nhà khi vấp váp đau buồn. Khi không có nơi nào đó để đi. Khi hết tiền. Khi giỗ chạp, ma chay, những chuyện chẳng đừng mới đành xách ba lô bắt xe trở về nhà. Mỗi lần về ngỡ ngàng thấy cha mẹ mình gầy đi, tóc trên đầu trắng hơn, nhìn già đi trông thấy. Lòng tự nhủ sẽ quan tâm đến bậc sinh thành nhiều hơn nhưng cuộc sống mưu sinh cuốn đi, cứ tự an ủi mình sẽ còn nhiều thời gian dành cho cha mẹ. Đâu biết đời sống quá mong manh. Gió máy đêm khuya hay một cơn bạo bệnh sẽ cướp đi cha mẹ bất cứ lúc nào. Có biết bao người trẻ phải sống trong cảm giác day dứt và ân hận lúc cha mẹ còn sống đã không ở bên họ nhiều hơn. Để cùng ăn với nhau những bữa cơm, ngắm hoa nở đầu hè, rủ rỉ bên nhau trong những ngày mưa bão trắng trời. Khi mất cha mẹ rồi mới thấy tiền nhiều mấy cũng chẳng thể mua lại nụ cười. Dù có công thành danh toại thì cuộc sống cũng chẳng bao giờ vẹn tròn khi quê nhà chẳng còn ai đợi nữa. Nên những ai còn cha còn mẹ chỉ xin đừng thưa thớt trở về. Bởi hạnh phúc có đôi khi chỉ là nhìn thấy nhau mỗi sớm mai thức giấc…

Vũ Thị Huyền Trang

Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục