Về Hội An, nhớ Bảo Phúc

Dòng sông ấy đã lặng lẽ trôi đi! Ước mơ gần với Hội An và với biển của anh đã khép lại ở tuổi 51…

Cuối tháng 5 của 10 năm trước, một tin như sét đánh đã gây bàng hoàng và lan nhanh trong giới văn nghệ từ Nam chí Bắc, cả trên mạng internet: Nhạc sĩ tài hoa Bảo Phúc đã ra đi sau cơn đột quỵ trước đó và cuộc phẫu thuật thất bại…

Lê Minh Quốc gọi ra Đà Nẵng thông báo tin dữ với bạn bè lúc 14 giờ: “Cuộc đời sao có những chuyện lạ kỳ rứa hỉ? Mới đó mà… có ai ngờ…”. Quốc chỉ nói được chừng đó rồi phải vội liên lạc với tòa soạn các báo để kịp có tin về Phúc cho số báo sáng hôm sau… NSND Kim Cương sau đó cũng gọi thông báo tin này trong nước mắt. NSND Kim Cương bảo lần nào ra Hội An cũng đều có nhạc sĩ Bảo Phúc theo mình, giờ thì mãi mãi thiếu đi một người mà chị yêu quý…

Mười năm sau tin dữ, những ngày cuối tháng 5 năm nay, tôi nhớ lần ấy Bảo Phúc vừa đến phúng điếu mẹ tôi khi cùng các nhà văn, nhà báo TP HCM ra Cù Lao Chàm đã vội về ngay để chăm sóc người vợ bị tai biến… Nhớ mãi anh những lần cùng NSND Kim Cương và tôi đến các trại xã hội ở Hội An ủy lạo những cụ già, trẻ mồ côi. Một nhạc sĩ có sức làm việc khó ai sánh bằng, lúc nào cũng thấy thiếu thời gian nhưng năm nào Bảo Phúc cũng có mặt ở Cù Lao Chàm hoặc các trung tâm xã hội để “gắn bó với Hội An và với biển” như cách nói của anh. Những ngày giáp Tết âm lịch nào Bảo Phúc cũng có mặt ở Quảng Nam trong những đợt đi thăm hỏi và tặng quà cho người nghèo, trẻ mồ côi, các trung tâm chăm sóc người già. Không chỉ ở Hội An, anh còn đến Tam Kỳ, Điện Bàn, Đà Nẵng…

Một lần ngồi ở sân của Trung tâm Chăm sóc người già, Bảo Phúc tâm sự rằng ao ước của đời anh là thành lập một quỹ hỗ trợ tài năng âm nhạc cho trẻ em nghèo ở miền Trung và mong muốn tìm được người đứng ra quản lý, điều hành quỹ này. “Miền Trung mình có rất nhiều tài năng âm nhạc nhưng do hoàn cảnh kinh tế eo hẹp nên khó phát triển. Mình cũng trải qua nhiều năm tháng khốn khó nên rất hiểu” – Bảo Phúc nói, đồng thời cho rằng có thể Hội An là nơi thuận lợi nhất để làm bản doanh cho quỹ ấy.

Nhạc sĩ Bảo Phúc lúc sinh thời
Nhạc sĩ Bảo Phúc lúc sinh thời

Từng nổi danh với nhiều ca khúc như: Những nẻo đường phù sa, Dòng sông không trở lại, Gót hồng, Nụ hồng lẻ loi, Kẻ rong chơi cuối thế kỷ, Ngôi sao cô đơn…, Bảo Phúc còn là một trong những nhạc sĩ thành công trong lĩnh vực hòa âm phối khí và dàn dựng các chương trình ca nhạc lớn. Nhưng ít người biết nhạc sĩ Bảo Phúc được sinh ra trong một gia đình dòng dõi hoàng tộc. Ông nội anh là em thứ ba của vua Thành Thái, tước Tuyên Hóa vương. Thân sinh ra anh là nhạc sĩ Vĩnh Phan, tước hiệu Đinh hầu, vốn nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc, sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ cổ truyền. Mẹ anh là nghệ sĩ Bích Liễu, một giọng ca chầu văn nổi tiếng trong dòng nhạc cung đình Huế. Chính truyền thống gia đình như vậy nên Bảo Phúc có thể chơi giỏi hàng chục nhạc cụ dân tộc.

Thế nhưng, gia đình anh gặp biến cố. Bảo Phúc và anh là Bảo Chấn phải lam lũ làm nhiều nghề – kể cả bán báo dạo, bán bánh, đạp xích lô, chơi đàn đám cưới… – để giúp đỡ gia đình. “Theo mình nghĩ, một nhạc sĩ hay nghệ sĩ nói chung mà chỉ toàn sống trên nhung lụa thì sẽ khó có tác phẩm hay” – Phúc thường nói vậy trong chỗ thân tình với bằng hữu, mỗi khi nhớ về những năm tháng cũ.

Nhưng rồi dòng sông ấy đã lặng lẽ trôi đi! Ước mơ gần với Hội An và với biển của Bảo Phúc đã khép lại ở tuổi 51 để giờ đây, đi trên phố cố Hội An, bỗng dưng tôi buột miệng lẩm nhẩm những ca từ của anh: Sông khóc ai khóc ai, dòng trôi mãi/ Em vẫn nghe tiếng anh, từ khi vắng nhau thiếu nhau/ Còn nguyên nhung nhớ, còn nguyên nhung nhớ…/ Trong nỗi đau mất nhau, còn đau mãi…

Bài và ảnh: Trương Điện Thắng
Theo Người lao Động Online

Cùng chuyên mục