Tìm hướng bảo tồn giống quế Trà My

Cùng với mở rộng đầu tư phát triển diện tích trồng quế, công tác quản lý, gieo ươm nguồn giống đạt chất lượng và kết nối với thị trường… được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp huyện Nam Trà My bảo tồn và phát triển đặc sản địa phương.

Từ quế Trà My, giúp nâng cao thu nhập cho đồng bào Ca Dong, Xê Đăng, huyện Nam Trà My. Ảnh: A.N
Từ quế Trà My, giúp nâng cao thu nhập cho đồng bào Ca Dong, Xê Đăng, huyện Nam Trà My. Ảnh: A.N

Nâng diện tích cây trồng

Được xem là “thủ phủ” của cây quế Trà My với diện tích trồng đạt khoảng 3.688ha, những năm qua, bên cạnh tập trung ưu tiên trồng cây quế trong nhân dân, Nam Trà My còn đẩy mạnh công tác gieo ươm cây giống đạt chất lượng, hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị cây quế, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc trưng.

Ông Hồ Quang Bửu – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, năm 2017 huyện đã xây dựng đề án “Đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây quế Trà My, giai đoạn 2017 – 2020 và định hướng đến năm 2030”. Đây được xem là “đòn bẩy” vừa giúp mở rộng diện tích cây trồng theo hướng tập trung, vừa ngăn ngừa sự lai tạp về nguồn giống, góp phần nâng cao giá trị “Cao sơn ngọc quế”.

Để nâng cao hiệu quả đề án, cùng với chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện ưu tiên tập trung phát triển cây quế Trà My thông qua việc huy động các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, UBND huyện còn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật đến người trồng quế. Nhờ vậy, nâng diện tích trồng quế toàn huyện từ 2.864ha (năm 2017) lên khoảng 3.688ha vào năm 2019 (trong đó, Nhà nước hỗ trợ trồng hơn 2.121ha và nhân dân tự bảo tồn, trồng phát triển hơn 1.566ha).

“Song song với các hoạt động trên, chúng tôi cũng đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp huyện phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ về công tác quản lý giống cây cây quế trên địa bàn huyện; đồng thời kiểm tra, thẩm định từ khâu thu hái hạt giống đến khi cây con xuất vườn theo đúng quy định ban hành. Ngoài ra, bên cạnh phối hợp với Trung tâm lâm sản ngoài gỗ tại Hà Nội triển khai lựa chọn 30 cây quế đầu dòng và xây dựng vườn giống quế chuyển hóa với 10ha để lấy hạt làm giống, chúng tôi cũng đang xây dựng vườn giống quế gốc với quy mô 5ha nhằm duy trì, phát triển nguồn gen, hướng đến việc bảo vệ thương hiệu cây quế Trà My” – ông Bửu cho biết.

Cơ hội giảm nghèo

Ông Đinh Mươk – Chủ tịch Hội Sâm núi Ngọc Linh và Quế Trà My cho rằng, từ giá trị về kinh tế của cây quế Trà My hiện nay, việc bảo tồn và phục hưng thương hiệu của “Cao sơn ngọc quế” cần phải sớm được đưa vào trong các định hướng phát triển của địa phương, gắn với công tác giảm nghèo ở cộng đồng miền núi. Đây được xem là trách nhiệm chung của hệ thống chính trị, bởi một khi quế Trà My được bảo tồn và phát triển sẽ góp phần rất lớn trong việc giảm nghèo, giúp ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Để làm được điều đó, ông Đinh Mươk đề xuất huyện Nam Trà My cần có hoạch định cụ thể trong việc mở rộng diện tích trồng quế trong nhân dân, đồng thời xác lập khu vực trồng quế tập trung, cũng như chuyển đổi một số vùng canh tác nông nghiệp khác không đem lại hiệu quả kinh tế để đầu tư trồng quế. Cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu được giá trị thực của cây quế, giúp góp phần nâng diện tích trồng theo định hướng của chính quyền địa phương.

Phải linh hoạt với tình hình thực tế, nơi nào không trồng được keo thì trồng quế. Việc trồng quế cũng phải được tính toán phù hợp, từ việc tìm đầu ra, kết nối doanh nghiệp để tạo các sản phẩm như tinh dầu quế, túi thơm hương quế… tiến tới làm giàu thực sự từ quế” – ông Đinh  Mươk nói.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT – ông Lê Minh Hưng cho hay, kể từ khi được cấp chỉ dẫn địa lý, Sở NN&PTNT đã xây dựng quy hoạch, bảo tồn quế Trà My theo chủ trương của tỉnh, với tổng diện tích 10.000ha. Tuy nhiên, sau khi khảo sát tại các địa phương, hiện chỉ có khoảng 8ha vùng trồng quế Trà My có thể chọn làm giống, vì thế việc đạt chỉ tiêu theo kế hoạch sẽ còn rất lâu dài.

Ông Hưng cũng chia sẻ, thời gian qua Chính phủ, tỉnh cũng rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát triển quế Trà My và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, nhằm giúp người dân có điều kiện mở rộng diện tích, vực dậy thương hiệu. Vì thế, ông Hưng đề nghị, cùng với đẩy mạnh mở rộng diện tích, ngăn chặn giống quế kém chất lượng từ bên ngoài, Nam Trà My cần liên kết với các địa phương lân cận hợp tác phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm quế đa dạng, tạo cơ hội mở rộng đưa sản phẩm quế Trà My ra thị trường tiêu thụ theo hướng bền vững cả trong nước và thế giới.

ALăng Ngước

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/kinh-te/lam-nghiep/201912/tim-huong-bao-ton-giong-que-tra-my-884504/

Cùng chuyên mục