Tiền đồng tăng giá làm khó cho gia công dệt may

Đồng Việt Nam (VND) tăng giá khiến cho giá hàng hóa gia công tại Việt Nam, nhất là dệt may bị cao hơn so với một số nước trong khu vực, ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu.

Các đơn hàng dệt may "nhỏ giọt" do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Ảnh:TL
Các đơn hàng dệt may “nhỏ giọt” do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Ảnh:TL

Bộ Công Thương cho biết, cho dù xuất khẩu của ngành dệt may vẫn nằm trong top 5 các mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỉ đô la Mỹ trở lên trong 9 tháng đầu năm qua nhưng thách thức đang rất lớn. Do căng thẳng thương mại Mỹ – Trung làm ảnh hưởng đến tỉ giá giữa các đồng tiền, giá hàng hóa gia công tại Việt Nam bị cao hơn các nước cũng xuất khẩu dệt may như Hàn Quốc, Trung Quốc. Nhất là việc tiêu thụ sợi và nguyên phụ liệu gặp nhiều khó khăn vì thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc (chiếm 60%) cắt giảm lượng hàng nhập.

Trong khi đó, mặt hàng may mặc cũng gặp tình trạng sụt giảm đơn hàng. “Nếu như năm 2018, tới thời điểm giữa năm, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành đã có đơn hàng đến hết năm thì thời điểm 2019 chỉ ký được đơn hàng có số lượng nhỏ và ký theo tháng”, Bộ Công thương nhận định.

Tâm lý chung của người mua đều lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ leo thang nên các đơn hàng bị “chia nhỏ” thay vì đặt số lượng lớn như những năm trước.

Cho dù các đợt hàng “nhỏ giọt” hơn những năm trước nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 8 tháng đầu năm ước đạt 24,77 tỉ đô la, tăng 10,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên do các đơn hàng liên tục thay đổi nên các doanh nghiệp cần phải có nhiều biện pháp thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh để phù hợp với tình hình.

Theo phân tích của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tỉ giá đồng đô la/tiền đồng nhìn chung đi ngang từ đầu năm đến nay nhưng tính đến hết tháng 9-2019, tỉ giá trung tâm tăng 1,47% và tỉ giá liên ngân hàng tăng nhẹ 0,12% so với cuối năm ngoái. Trong khi tỉ giá trên thị trường tự do giảm 0,13%. Nhưng trong quí 3, tiền đồng tăng giá mạnh so với rổ tiền tệ tham chiếu, với mức tăng gần 3% so với cuối tháng 6. Nguyên nhân là do đô la tăng giá mạnh và đa số các đồng tiền trong rổ tiền tệ tham chiếu lại giảm giá mạnh, nhất là đồng nhân dân tệ. Việc tăng giá của tiền đồng so với rổ tiền tệ gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Ngân hàng nhà nước cũng đã có một số biện pháp giảm áp lực tăng giá tiền đồng nhưng hiệu quả chưa như kỳ vọng.

Mặt khác, Việt Nam hiện đang mất dần lợi thế chi phí nhân công giá rẻ. Theo phân tích của một số chuyên gia dệt may, chi phí nhân công tại các nhà máy tại Việt Nam chiếm trung bình 26 – 30%, trong khi Bangladesh chỉ khoảng 20%. Dự kiến lương cơ bản năm nay cũng sẽ tăng thêm 5% đến 8% nữa.

Lan Nhi

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Cùng chuyên mục