Tiễn biệt… sông!

Bao năm xa quê ấy, trong mơ tôi vẫn thấy/ hôm nay tôi trở về lòng chợt vui thấy sông không già...”.

Bọn tôi thường nghêu ngao bài Trở về dòng sông tuổi thơ của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp mỗi khi ngồi cùng nhau ở bến sông quê. Nơi này đã lưu giữ một phần ký ức của tuổi thơ chúng tôi – những đứa trẻ có thể tắm sông cả ngày, lên bờ thậm chí chẳng thèm dội gàu nước ngọt nào cũng có thể lăn ra ngủ. Ký ức tươi đẹp đó vẫn vẹn nguyên, dù cho hôm nay dòng sông đã khác. Tôi hát nhiều bài về sông với bạn bè, lúc nào cảm xúc cũng cứ đong đầy như hát về dòng sông tuổi thơ của mình. Mấy hôm trước, tôi tự dưng u hoài khi nhìn thấy trên truyền hình hàng trăm người mặc đồ đen tham dự lễ tiễn biệt dòng sông băng Pizol tại rặng núi Glarus Alps (Thụy Sỹ). Một sự kiện mà báo chí cho là lạ lùng, nhưng có lẽ nó đã được chú ý bởi một phần do có nhiều người đồng cảm…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sông cạn, đá mòn”, không ngờ dễ biến thiên đến vậy. “Những dòng sông chết dưới chân thủy điện Đắk Mi 4”; “Sạt lở bờ sông Trường Quảng Nam: Cuộc sống người dân bị đe dọa”… là những cái tựa của các bài báo mà người đọc rất dễ lấy thêm những ví dụ về thực trạng của “dòng sông bên nhà”. Những dòng sông sắp “qua đời”, hay thật ra đã “chết lâm sàng” vì gồng gánh chất thải, co cụm, bị đào bới bởi cuộc mưu sinh xảy ra liên tục ở nhiều nơi, được xem là chuyện thường ngày nên lần hồi không có được sự xót xa của con người. Những hình ảnh trơ đáy, sạt lở, hay ô nhiễm nặng… của nhiều con sông mà báo chí đăng tải lai rai thường chỉ làm cho người ta nghĩ nhiều về thực trạng, về nguyên nhân chứ ít bàn tính đến giá trị tinh thần mà cộng đồng ven sông có thể sẽ mất đi. Lễ tiễn biệt một dòng sông sắp “qua đời” có thể sẽ làm nhiều người ngạc nhiên, nhưng hình ảnh “sông chết” thì trở nên quen thuộc.

Những người mơ mộng hay lo nghĩ về góc góc độ văn hóa, tinh thần của sông gần như chỉ biết tiếc rẻ trước một dòng sông chết. Nhưng những người có đầu óc thực tế cũng rất khó tìm thấy những con số so sánh về lợi ích kinh tế mà con người nhắm đến khi khai thác những dòng sông. Bài toán được – mất có thể được ước tính ở nhiều khu vực cụ thể, nơi có những con sông đang được khai thác, nhưng thường chỉ được trình bày trên báo cáo đánh giá tác động môi trường, nên so sánh chắc chắn sẽ có sự chênh lệch và tiềm ẩn yếu tố khó lường. Bởi vậy khi tra cứu các tài liệu về bài toán được – mất trong quá trình khai thác sông ngòi ở một số khu vực của Việt Nam, sẽ dàng bắt gặp các kết luận “mơ hồ” kiểu như sông là tài nguyên cơ sở, là nguồn gốc tạo nên nền văn minh ban đầu cho xã hội; là chỉ dấu của trình độ phát triển, mức độ văn minh của một xã hội; các bài học kinh nghiệm trong cư xử với dòng sông cần phải được học tập và cân nhắc trong các quy hoạch và quyết định triển khai thực hiện… Những kết luận đó thật không cụ thể chút nào, nhưng nó đúng và dễ chịu ở chỗ sẽ làm nhiều người dễ nhìn thấy sự được – mất của những “dòng sông bên nhà” trong quá trình phát triển của xã hội.

H.Q

Theo Quảng Nam Online

 

Cùng chuyên mục