Thời đại YouTube lên ngôi trong showbiz Việt

Hiện nay hầu như nghệ sĩ Việt, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ, đều có một kênh YouTube của chính mình.

Chưa bao giờ việc tạo kênh, duy trì khán giả, tấp nập ra sản phẩm mới của nghệ sĩ trên trang chia sẻ video lớn nhất thế giới YouTube lại nhộn nhịp như lúc này. Ban đầu việc đầu tư cho YouTube với nhiều nghệ sĩ có khi là cuộc chơi, giới thiệu sản phẩm hay đơn thuần muốn giữ một kênh riêng muốn đưa gì lên tùy ý giờ đã gom vào mục tiêu chính nhất: tăng view và đi theo đó là kiếm tiếng, kiếm tiền.

Đàm Vĩnh Hưng trong MV Đàn ông khóc bằng tim.
Đàm Vĩnh Hưng trong MV Đàn ông khóc bằng tim.

Nhà nhà lên YouTube

Dễ gặp nhất, do đặc thù nghề nghiệp, là các kênh YouTube của các nghệ sĩ, trung tâm ca nhạc… Trên YouTube, bên cạnh những ngôi sao mà việc quảng bá sản phẩm của họ như là chuyện hiển nhiên, ai cũng biết, thì cũng có những cái tên có thể trên bình diện phổ thông, không nhiều người biết, thậm chí truyền thông chính thống cũng ít khi nhắc tên. Nhưng với cư dân mạng, khán giả YouTube, thì họ là những cái tên rất quen thuộc, như BB Trần, Diệu Nhi, Hải Triều, Minh Dự…

 “Để tiếp nối những mong muốn của các bạn đã yêu mến Gia đình Bắp trong chương trình Con đến từ hành tinh nào, hôm nay gia đình Bắp quyết định lưu lại những khoảnh khắc đẹp nhất này bằng chương trình It’s My Home tạm dịch là Nhà của Bắp trên kênh YouTube Quốc Cơ Hồng Phượng vào tối thứ 2 hàng tuần nhé!”. Nếu không để ý, hẳn bạn sẽ nghĩ đây là chương trình của người trong showbiz và thấy ngạc nhiên khi đây là chương trình mới nhất của diễn viên xiếc Quốc Cơ và cậu con trai đầu lòng. YouTube đã lôi cuốn cả những nghệ sĩ xiếc lâu nay vốn kín tiếng về đời sống và ít khi thể hiện công việc của mình ra một cách chủ động, nhập cuộc. Anh em nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ – Quốc Nghiệp luôn là một cặp đôi trên sàn diễn nhưng trên YouTube thì kênh của ai người nấy xài. Mà không chỉ thế, hai anh em xiếc này lại nhập cuộc rất hăng hái, sản xuất clip đều đặn hàng tuần và dĩ nhiên, xiếc chỉ là một phần rất nhỏ, còn lại là về gia đình, con cái. Họ thừa hiểu sự quan trọng của kênh mình trên youtube về lâu dài, nên dù lượt xem hãy còn khiêm tốn so với các nghệ sĩ giải trí, anh em nhà xiếc này vẫn duy trì khá bền bỉ.

Ảnh cắt từ web drama Saigon Gangster của Hồng Ngọc.
Ảnh cắt từ web drama Saigon Gangster của Hồng Ngọc.

Vốn từng được xúi đi đóng phim nhiều lần nhưng ca sĩ Hồng Ngọc đều từ chối. Cô dành sự xuất hiện đầu tiên với vai trò diễn viên trong bộ phim đầu tay do cô cùng ông xã Thomas Nguyễn thực hiện – bộ phim Saigon Gangster và phát hành trên YouTube của vợ chồng cô: Youtube.com/rubyblvd.

Chỉ hơn nửa năm sau, ông xã Hồng Ngọc lại tiếp tục tung ra một bộ phim dài tập web drama mới, mang tên Gia đình là vĩnh cửu, mà anh là nhà sản xuất. Bộ phim với dàn diễn viên đều là những nghệ sĩ quen thuộc của màn ảnh truyền hình như NSƯT Kim Xuân, Ngọc Lan… lên sóng… YouTube từ 6/7/2019. Tất cả chỉ vì, như Thomas  Nguyễn cho biết, muốn kênh của mình có sản phẩm mới cho khán giả xem và tìm đến ngày một nhiều hơn. Dù bình thường, kênh này cũng đã cập nhật hầu hết các chương trình ca nhạc mà Thomas Nguyễn thực hiện ở hải ngoại.

Đây chỉ là hai thí dụ cho thấy, cuộc chơi YouTube đang rất thịnh và không ai muốn đứng ngoài cuộc, không ai muốn bị bỏ rơi khỏi xu hướng nghe nhìn đang thống trị toàn cầu này.

Người người làm web drama

Nếu như các ca sĩ cạnh tranh nhau chủ yếu ở MV, phim ngắn… thì các nghệ sĩ, diễn viên, đặc biệt là các diễn viên hài hoặc bước ra từ các chương trình truyền hình thực tế, game show thì cạnh tranh nhau ở các thể loại sê-ri phim online mà mô tuýp ưa dùng nhất hiện nay là thể loại web drama.

Việc làm web drama gần như thuộc về sở trường của các diễn viên, đặc biệt là diễn viên hài hoặc có diễn hài, từ ngôi sao như Việt Hương, Đại Nghĩa, Thu Trang, Tiến Luật, đến các nghệ sĩ trẻ đang ăn khách trên YouTube như Huỳnh Lập, Nam Thư, BB Trần…

Buổi ra mắt phim Trật tự mới.
Buổi ra mắt phim Trật tự mới.

Trong làng hài, Việt Hương là cái tên nhập cuộc web drama từ rất lâu mà Trật tự mới – Giang hồ chợ mới tiền truyện là sản phẩm mới nhất của cô. Nhân vật Ông Nội đã xuất hiện trên phim điện ảnh trong Xóm trọ 3D rồi, câu chuyện trong Trật tự mới là phần tiền truyện khai thác sâu hơn về tính cách, cuộc đời của nhân vật này. “Mặc dù mọi người xem qua có thể thấy là phim được quay như góc phim điện ảnh nhưng Hương vẫn quyết định phim này sẽ phát hành miễn phí. Còn nếu để làm phim điện ảnh Hương nghĩ mình sẽ làm một bộ phim khác với đề tài khác.” Hẳn nhiên, Việt Hương cũng đã tính toán thiệt hơn khi chọn phát hành miễn phí online, khi khá lâu, kênh YouTube của cô chưa có một bộ phim nào mới.

Khoảng cách phát sóng giữa các tập Trật tự mới thường là một tuần hoặc có khi lâu hơn. Lịch chiếu online này cũng rất linh động tùy thuộc vào lượt xem của các tập trước đó chứ không nhất thiết phải… đúng hẹn 100%. Đấy là lý do vì sao mà ê kíp Việt Hương dù tin chắc khả năng ăn khách của danh hài này vẫn không cố định lịch lên sóng các tập phim. Lâm Phong – đại diện ê kíp làm phim cho biết: “Chúng tôi xem lượt view các tập đã phát như thế nào rồi mới quyết định lên tập mới”.

Phim web drama của Việt Hương là minh họa điển hình cho gu của công chúng Việt. Mỗi web drama trên YouTube có độ dài trung bình 30 phút/tập, dưới 10 tập/series, đa phần hướng đến tính hài hước và hẳn nhiên đều là diễn viên hài như  Việt Hương, Thu Trang, Huỳnh Lập… thực hiện. Tập đầu tiên của Trật tự mới hiện nay đang ở ngưỡng hơn 9,1 triệu lượt view và tập 2 phát sau đó hơn một tuần có lượt view là hơn 6,4 triệu. Một con số khá khả quan để có thể tạm yên tâm phát tiếp.

Hơn 1,7 triệu của tập đầu sau 3 tuần và hơn 900.000 lượt view sau 6 ngày lên sóng của tập 2 web drama Ai là người thứ 3 của Nam Thư tuy khá kém danh hài đàn chị nhưng cũng khiến nữ diễn viên trẻ này hy vọng. Tuy nhiên, nó cũng là áp lực cho không ít nghệ sĩ tham gia làm web drama, không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái và đạt lượt view như mong đợi. Như web drama  Saigon Gangster đã phải loan báo dừng lại ở tập phim thứ 6 sau 3 tháng phát hành online. Không nói ra nhưng ai cũng hiểu là phim không đạt lượt người xem như kỳ vọng.

Làm YouTube có dễ ăn?

Trào lưu làm web drama trên YouTube bây giờ dễ khiến khán giả Việt  liên tưởng ngay đến những câu chuyện giật gân, kịch tính hay hành động pha hài. Dù hình thức nào thì web drama bây giờ gần như là thước đo nhất thời quyết định danh tiếng, sức ảnh hưởng và khả năng chi phối truyền thông của giới giải trí Việt. Cho nên không lạ khi nghệ sĩ đổ xô tiền của đầu tư cho dạng này để chăm sóc kênh YouTube của mình.

Ảnh cắt từ web drama Thập tứ cô nương.
Ảnh cắt từ web drama Thập tứ cô nương.

Diễn viên Nam Thư, một nữ diễn viên trẻ mới nổi khoảng vài năm trở lại đây nhờ các chương trình truyền hình cũng đã bỏ rất nhiều tiền để làm web drama. Cô từng tâm sự rằng vì làm phim online mà cận Tết không còn tiền để xài, không dám về quê sau khi làm Thập tứ cô nương. Trước đó, khi làm Nam Phi liên hoàn kế, Nam Thư cho biết mình nợ 1,8 tỷ nên phải đi làm show, cày kiếm tiền trả nợ. Sau đó cô  gom tiền làm Thập tứ cô nương và  tiếp tục mượn nợ ở ngoài với số tiền 300 triệu để làm dự án này, bởi cả hai đều không tìm được nhà tài trợ. Hai dự án Nam Phi liên hoàn kếThập tứ cô nương được lượt xem khả quan, thậm chí Thập tứ cô nương đạt nút vàng YouTube như bù đắp phần nào cho sự đầu tư của cô bỏ ra.

Hiện giờ, Nam Thư vừa cho phát hành 2 tập đầu tiên của bộ phim mới Ai là người thứ ba, với chi phí ban đầu là 3 tỷ. Câu chuyện của Nam Thư cũng chỉ là một trong rất nhiều thí dụ của nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ đang bỏ tiền ra để thực hiện các sản phẩm giải trí và phát không cho khán giả của mình. Và cuộc chơi miễn phí này không có dấu hiệu dừng mà ngược lại, ngày càng phải có nhiều sản phẩm hơn. Việc của khán giả chỉ là xem và nếu thích, hãy xem lại, hoặc “thô thiển” hơn như trong giới showbiz hay đùa, là cày view cho nghệ sĩ mình yêu thích.

YouTube như một sân chơi của riêng nghệ sĩ, nơi họ vừa là người chơi, vừa là người ra luật. Lời ăn lỗ chịu, sẽ chẳng có giới phê bình nghệ thuật hay đơn vị quản lý văn hoá nào ở đó để chỉ trích hay giới hạn họ. Thời gian thực hiện không quá lâu, trung bình 2 ngày một MV và khoảng 1 tuần đối với web drama, hiệu quả có thể nhìn thấy tức thì.

Lượt view và tên tuổi

Vậy con số thu lại của tất cả những đầu tư vào YouTube là gì? Rất dễ trả lời: lợi nhuận kiếm được nhờ lượt view của mỗi sản phẩm. Bất cứ ai cũng hiểu rằng cứ mỗi tập phim, clip, MV… được đưa lên YouTube, cũng đều mong chờ những lượt view khả quan để hy vọng kiếm được tiền từ YouTube mà tái đầu tư.

Câu hỏi quen thuộc sẽ bật ra là bao nhiêu tiền một click từ người xem? Câu trả lời để bạn đọc tham khảo là hệ thống YouTube sẽ quyết định chuyện đó, nếu quảng cáo thuộc lĩnh vực cao cấp thì sẽ giá cao. Ở Việt Nam giá quảng cáo trung bình là 600đ/ click chuột, ở các nước Mỹ và châu Âu thì giá trung bình là 0.3$ – 1$/ click chuột. Vậy YouTube sẽ trả bao nhiêu tiền? Theo thống kê thì cứ 1000 người xem (1000 views) thì có tỉ lệ khoảng 5% người sẽ click vào video. Vậy tức là khoảng 20 click/1000 lượt xem và như vậy ở Việt Nam thì 1000 lượt xem sẽ được khoảng 12.000đ. Chuyện kiếm nhiều tiền từ YouTube chẳng dễ như lý thuyết cho thấy!

Hẳn nhiên, ở cuộc chơi YouTube này, lượt view có thể khẳng định sự ăn khách chứ chưa hẳn khẳng định tài năng hay đẳng cấp. Cũng như mỗi sự so sánh sẽ vẫn có độ khập khiễng nhất định. Không ai đem đi so độ hot kinh khủng về lượt view trên YouTube của Sơn Tùng với những tiền bối trong nghề của chàng ca sĩ này, vốn rất lặng lẽ với vài chục ngàn view sau cả năm được đăng lên YouTube.

Xét cho cùng thì, dù đang là thời buổi của lượt view, nhưng giá trị đích thực của một ngôi sao, không hẳn phụ thuộc vào chuyện này!

Lê Minh Hạ

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục