Ta mang theo gì và để lại gì trước lúc ra đi?

Đó là câu hỏi mà mỗi người tự đặt ra cho mình khi gấp lại trang cuối cùng của Hành lý hư vô – tản văn của Nguyễn Ngọc Tư.

Tập tản văn mới nhất của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư - Hành lý hư vô
Tập tản văn mới nhất của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư – Hành lý hư vô

Mấy hôm nay người ta cứ râm ran về sự ra đi của của ông Nguyễn Văn Bảy mà bà con chòm xóm hay gọi bằng cái tên Bảy Ruộng thân thương. Một người nông dân miền Tây chất phác, vì thời cuộc đã lên đường nhập ngũ và trở thành phi công bắn máy bay. Người ta nói nhiều về cái chiến tích bắn hạ 7 máy bay địch của ông khi còn trong thời chiến, nhưng ấn tượng hơn là cái cách sống và lựa chọn của ông trong thời bình: biết mình là nông dân thì về làm nông dân, dành phần còn lại của cuộc đời mình với ruộng vườn trong vòng tay của gia đình và tình làng nghĩa xóm, rồi sau đó ngã lưng trên chính thảm rơm trong khu vườn nhà mình, trên chính mảnh đất mà ông được sinh ra trong niềm tiếc thương vô hạn không chỉ của người dân mà cả bạn bè quốc tế. Điều đó không khỏi làm người ta nhớ đến những cuộc đời được kể trong Hành lý hư vô.

Điều gì khiến cho một quán cháo vịt giữa đất Sài Gòn quyết định chỉ bán đúng 6 con vịt mỗi ngày, không hơn không kém; một quán bánh canh xóm hẻm nấu đúng bảy chục tô mỗi sáng, và chủ quán dành cả ngày còn lại để nghe Thái Thanh hoặc dẫn con vịt xiêm cồ tên là Chó đi chơi dài xóm; một quán nước nhỏ ở Hội An dưới giàn cát đằng, cứ đúng mười giờ là đóng cửa để chủ nhà dành thời gian đọc sách, nghe nhạc, chơi với mấy đứa cháu nhỏ;… Những nhân vật không tên không tuổi, chị gọi họ là những người biết sống, sống với niềm vui theo định nghĩa của riêng mình.

Cũng trong cuốn sách này, tác giả dành một không gian cho những di sản vô hình mà người ta để lại. Đâu đó trong Gió bụi lưng đèo, nơi bà già tiều tụy ngồi bán củi, vẫn còn vọng lại tiếng của chị bán khoai lang: “Ôi ngày xưa không có đâu, từ lắm người xuôi lên, bụi mới nhiều” khi chứng kiến cơn lốc du khách đổ bộ cùng những cỗ máy văn minh, và … bụi. Cuộc dịch chuyển bụi từ những thành phố lớn trước những báo động đỏ muộn màng đã mang đến cho miền biên viễn nhiều thay đổi, và kéo theo đó nhiều hệ lụy đè lên đôi vai những số phận hiu hắt nơi đỉnh đèo. Và trong không gian đáng sợ của sự im lặng, ở một ngọn núi khác, giữa những cánh rừng đang bị xẻ thịt không thương tiếc, Hồ vẫn đang ngày ngày đấu tranh và lưu giữ những kí ức về bầy vọoc trên bán đảo Sơn Trà, cùng với những nỗ lực cuối cùng để nhắc nhở cho thế hệ sau một sự thật, rằng ngày xưa chúng ta đã từng có rừng. Và còn có nước nữa, có con nước tháng Mười gắn liền với ngày giỗ má chồng chị nơi thị trấn bên dòng Cái Lớn, mùa nước nổi đã từng một lẽ hiển nhiên mang tôm cá về cho miệt đồng bằng trù phú, nhưng rồi dần dà người ta nhận ra rằng chẳng thể nào gói được dòng sông trong tánh khí thất thường của biến đổi khí hậu.

Dù là vậy, tác giả vẫn luôn đặt vào đó những tia hy vọng và thứ hành lý quan trọng nhất của đời người – niềm tin. Cái niềm tin mãnh liệt mà thằng Khờ bám vào đó để sống, để tồn tại, để tin rằng đá sẽ trổ bông vào một ngày không xa và mẹ nó sẽ đón nó trở về, với hành lý là đôi quang gánh và tình thương của những người đã đùm bọc nó trong những ngày giông bão. Đó cũng là lựa chọn của Nguyễn Ngọc Tư để mở đầu cuốn sách của mình…

Hiếu Lê

Cùng chuyên mục