Phát triển ngành du lịch Đà Nẵng thành “trụ cột” bền vững

Ngành du lịch Đà Nẵng đang đứng trước những cơ hội lẫn thách thức để làm sao phát triển xứng tầm. Muốn làm được điều đó, Đà Nẵng phải phát huy được lợi thế trong phát triển du lịch, đồng thời thu hút nhiều hơn nữa những nhà đầu tư chiến lược, vừa có khả năng về tài chính, vừa có tầm nhìn để xây dựng một hệ sinh thái phát triển du lịch bền vững.

Các dự án phát triển du lịch có sử dụng đất rừng đều phải bảo đảm các quy định về đánh giá tác động môi trường, thực hiện trồng rừng thay thế. Trong ảnh: Một góc Khu nghỉ dưỡng InterContinental Đà Nẵng Sun Peninsula. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Các dự án phát triển du lịch có sử dụng đất rừng đều phải bảo đảm các quy định về đánh giá tác động môi trường, thực hiện trồng rừng thay thế. Trong ảnh: Một góc Khu nghỉ dưỡng InterContinental Đà Nẵng Sun Peninsula. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Chuyển hướng trong phát triển du lịch

Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, xác định chủ trương, đường lối cho phát triển thành phố Đà Nẵng trong 10 năm tới và các năm tiếp theo. Nghị quyết này đặt ra 3 trụ cột lớn cho phát triển Đà Nẵng trong thời gian tới, đó là: phát triển về du lịch; công nghiệp công nghệ cao và phát triển thành phố cảng biển. Đồng thời, phát triển Đà Nẵng theo hướng trở thành một thành phố thông minh, thành phố sinh thái; thành phố đáng sống để đến năm 2030, tầm cỡ của Đà Nẵng không chỉ là thành phố hàng đầu của cả nước mà còn là thành phố hàng đầu của khu vực Đông Nam Á. Từ đó, mục tiêu tiếp theo là đến năm 2045 trở thành một trong những thành phố hàng đầu của châu Á nói chung.

Theo ông Ngô Quang Vinh, nguyên Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, trước khi Nghị quyết số 43- NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành, hơn 15 năm qua, ngành du lịch đã có những mục tiêu phát triển trên cơ sở Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16/10/2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo đó, các cấp lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã quan tâm chỉ đạo, đầu tư cho thành phố phát triển với mục tiêu xây dựng du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. “Du lịch Đà Nẵng đã được thành phố đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, bến cảng, sân bay… Đặc biệt, Đà Nẵng cũng đã thu hút những nhà đầu tư chiến lược, xây dựng các khu du lịch mới, các sản phẩm mới; xây dựng một điểm đến an toàn, thân thiện, một môi trường trong sạch, phát huy được thế mạnh du lịch nghỉ dưỡng biển trên nền tài nguyên thiên nhiên của thành phố”, ông Ngô Quang Vinh chia sẻ.

Trên đà nền móng tăng trưởng này, theo ông Ngô Quang Vinh, ngành du lịch cần cơ cấu lại và chuyển hướng chuyển mạnh sang nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng. Đặc biệt sẽ tiếp tục phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, phát triển du lịch hội nghị – hội thảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa để phát huy được bản sắc văn hóa địa phương, mang lại lợi ích cho cộng đồng. “Thành phố sẽ tập trung phát triển theo hướng bền vững, có trách nhiệm bảo tồn và bảo vệ giá trị văn hóa cũng như tài nguyên thiên nhiên; chú trọng nguồn nhân lực, người lao động có kỹ năng nghề để đáp ứng với ngành du lịch trong thời kỳ mới; tiếp tục làm tốt công tác an ninh, tạo môi trường an toàn và thuận lợi để phát huy thương hiệu “Thành phố đáng sống”, ông Vinh nói. Có thể nói, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra cho Đà Nẵng một nhiệm vụ khá nặng nề là tốc độ phát triển GDP từ năm 2021 phải trên 12%. Đây là cũng là một bài toán đặt ra cho ngành du lịch Đà Nẵng trước những thách thức lớn.

Muốn đạt kết quả này, Đà Nẵng phải thu hút hơn những nhà đầu tư chiến lược, vừa có khả năng về tài chính, có tầm thì đó sẽ là “cú hích” cực kỳ quan trọng để hướng đến mục tiêu mà Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị hướng đến”, ông Ngô Quang Vinh nhấn mạnh và cho rằng, du lịch Đà Nẵng đang dành nhiều quan tâm hơn đối với xu thế phát triển của thế giới về vấn đề bảo vệ tài nguyên thiên nhiên môi trường, phát huy được các giá trị văn hóa cộng đồng.  Ngày 15-10, tại hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần thứ 18, Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh đề xuất giải pháp phát triển du lịch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng “tựa núi, hướng biển”.

Về giải pháp dài hạn, bà Hạnh đề nghị hỗ trợ nhà đầu tư sớm triển khai dự án để có sản phẩm du lịch mới như: Khu Công viên văn hóa và vui chơi giải trí phía đông-nam tượng đài thành phố; đề xuất phê duyệt và sớm công bố quy hoạch cảnh quan hai bờ sông Hàn, tuyến đường biển Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, Nguyễn Tất Thành để thu hút hình thành các dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm… để phát triển du lịch.

Phát triển du lịch trên nền tảng bảo vệ môi trường

Trao đổi với chúng tôi, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Empire Trịnh Việt Hưng cho rằng, hiện nay tiềm năng phát triển du lịch của Đà Nẵng còn rất lớn, Đà Nẵng cần tiếp tục đầu tư các tổ hợp dịch vụ vui chơi giải trí, nhất là giải trí về đêm, khu mua sắm, đặc sản Đà Nẵng cũng như các chương trình biểu diễn nghệ thuật có quy mô lớn, đặc sắc nhằm thu hút và giữ chân du khách. Trả lời PV Báo Đà Nẵng, ông Nguyễn Quang Hải, Trưởng ban Phát triển dự án của Tập đoàn Sun Group nhìn nhận, hiện nay và trong tương lai, xu thế du lịch MICE (du lịch hội nghị kết hợp nghỉ dưỡng) trên thế giới phát triển mạnh. Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch này, có thể trở thành một trung tâm du lịch MICE mới của châu Á nếu tận dụng hợp lý những thế mạnh đang có về sông nước, biển, núi để tạo nên những sản phẩm du lịch mới, độc đáo, mang lại những trải nghiệm khác biệt.

Ở khía cạnh quản lý, công tác quản lý Nhà nước về môi trường luôn được chú trọng; trong đó có việc đánh giá, quản lý chặt chẽ trong lĩnh vực du lịch. Ngày 31-1-2019, UBND thành phố đã có văn bản về việc phối hợp trong công tác cấp phép lĩnh vực xây dựng, đầu tư và môi trường. Theo đó, các doanh nghiệp, dự án thuộc thẩm quyền quản lý của ngành, địa phương phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định; không cấp mới hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng cho các dự án chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường… Nhiều năm qua, trong quá trình thu hút đầu tư, trong đó có nhiều dự án phát triển di lịch khi có tác động đến tài nguyên rừng đều được yêu cầu ngoài việc bảo đảm các quy định của pháp luật thì cũng xây dựng phương án trồng rừng thay thế từ nguồn vốn Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thành phố Đà Nẵng.

Thành phố Đà Nẵng đang có nhiều nỗ lực để xây dựng một hệ sinh thái du lịch phát triển bền vững. Các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch được đầu tư với “mệnh lệnh” bảo vệ, khôi phục các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các chính sách, chủ trương thu hút đầu tư của thành phố Đà Nẵng đều nhất quán về nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Trong đó, phát triển du lịch đặt ra vấn đề bảo vệ, bảo tồn và phát huy môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái và môi trường xã hội; tạo dựng một hình ảnh “điểm đến” du lịch an bình, hoàn thiện, xanh-sạch-đẹp, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Nhóm PV Kinh tế

Theo Đà Nẵng Online

 

Cùng chuyên mục