Ốc đá

Sống ở khu vực suối nước trong veo, len lỏi dưới những tảng đá phủ đầy rêu, nên những con ốc đá giữ trong mình vị ngọt của rừng, hương của núi.

Ốc đá bé, phần vỏ nâu đen, cứng cáp thon dài mà thịt thì nhiều và chắc nịch, giòn dai. Có những con ốc va vấp với đá, với suối chảy mà phần cuống tù đi như có ai cắt một lát thật ngọt. Những bận đi rừng, qua mấy con suối nhỏ, dưới làn nước trong veo là cơ man những ốc đá bám vào mép đá trong làn nước mát rượi.
Ốc đá có thể dùng để nấu canh rau rừng, kho mít, um, nấu cháo, xào xả ớt… Không giống như ốc gạo phải kỳ công làm sạch, ốc đá khi bắt về có thể chế biến ngay, không thì chỉ cần để qua đêm là đã sạch mà không cần ngâm nước vo gạo hay ớt đỏ. Ốc bắt về chỉ cần chặt phần cuống để dễ dàng khi ăn, rồi cứ thế tẩm ướp gia vị mà chế biến.

Ốc đá là đặc sản của rừng, được ưu ái ban tặng cái hương vị riêng biệt có lẽ vì thế mà nó thật hợp với những loại rau hoang dã. Canh ốc đá nấu rau ranh, rau lốt, măng rừng thì ngọt thanh mà thắm vị. Ốc đá kho mít thì bùi vị mít mà ngọt giòn hương ốc.

Thú nhất là ốc đá đem um để cái hương vị trở nên đậm đà. Để làm món ốc đá um phải ướp vài củ sả, lá chanh, gừng tươi thái sợi, tiêu xanh, ớt đỏ, gia vị vừa ăn rồi cứ thế riu riu trên bếp lửa hồng để từng con ốc đều quyện chặt hương vị. Khi ăn ốc đá thì hút thật mạnh cho thịt ốc quyện chặt nơi đầu lưỡi, thịt giòn mà ngọt bùi, hấp dẫn nhất là những con ốc mang trứng nghe giòn tan trong miệng.

Ốc đá thì có quanh năm nhưng có lẽ trong những tháng nồm trời nóng mà có được nồi canh ốc đá hay dĩa ốc um thì đúng trọn hương, đậm vị mà cũng giải nhiệt tuyệt vời. Nếu một lần thăm thú đại ngàn hay bắt gặp sản vật ốc đá thì đừng ngại ngần thưởng thức để không thể nào quên cái hương vị thơm ngọt của núi rừng…

 

Đỗ Duy Hoàng

Theo Quảng Nam Online

 

 

Cùng chuyên mục