Nỗ lực từ cộng đồng

Không có sức mạnh từ cộng đồng dân cư bằng những sẻ chia, thấu hiểu, sẽ rất khó để quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn đạt được những thành tựu quý báu như hôm nay…

Du lịch cộng đồng tại vùng đệm di sản - một trong những biểu hiện của sự kết nối từ phía chính quyền - người dân - doanh nghiệp. Ảnh: L.Q
Du lịch cộng đồng tại vùng đệm di sản – một trong những biểu hiện của sự kết nối từ phía chính quyền – người dân – doanh nghiệp. Ảnh: L.Q

Từ sự đồng thuận

Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An chia sẻ, người dân Hội An ý thức rất cao về vốn quý văn hóa của vùng đất mình. Điều này được khẳng định qua sự đồng lòng trước những chính sách mới, liên quan đến diện mạo của vùng đô thị cổ. Đó cũng chính là sức mạnh để Hội An vượt qua mọi khắc nghiệt của thời gian và sự xô đẩy của thời cuộc. Chính người dân, đầu tiên, đã tự tham gia bảo tồn, bằng cách giữ lấy nếp nhà mình, giữ lấy văn hóa và ứng xử mang đặc trưng của vùng đất.

Ông Sử Chấn Quân (sống ở đường Trần Phú) chia sẻ, người dân đầu tiên phải bảo vệ ngôi nhà mình đang sinh sống, bởi từ sự bảo vệ, giữ gìn ấy sẽ được hưởng lợi cùng phát triển du lịch… Chính điều này khiến những quyết sách của chính quyền về bảo tồn di sản và phát triển di sản theo cách bền vững, nhận được sự đồng thuận của người dân. Tự thân cư dân phải thấy yêu quý hơn vốn liếng của tổ tiên để lại và tìm cách gìn giữ.

Sự đồng thuận từ phía người dân Hội An, vừa giúp cho mục đích bảo tồn di sản nguyên trạng được thuận lợi vừa tạo nên sản phẩm du lịch đặc biệt của đô thị cổ. Ông Võ Phùng – nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP. Hội An nói, sản phẩm mang thương hiệu Hội An là Phố đi bộ đã cho thấy nỗ lực rất lớn từ chính người dân địa phương.

“Lần đầu thành phố thực hiện cấm xe vào phố là dịp Tết Trung thu năm 1997. Lúc đó dân tình xôn xao phản đối. Thành phố giao cho trung tâm tiếp tục nghiên cứu làm đề án, thăm dò nhân dân, thăm dò dư luận, vận động người dân đồng thuận… Mãi đến tháng 7/2004 chúng tôi mới triển khai làm nhưng cũng chỉ thực hiện mỗi tuần một lần vào ngày thứ Bảy, sau đó tăng dần lên 2 ngày rồi 3 ngày, 4 ngày/tuần… Và cuối cùng đã đạt được kết quả như bây giờ, Hội An đã có phố đi bộ suốt 7 ngày/tuần” – ông Phùng kể.

Cùng với vùng lõi di sản, các vùng đệm của đô thị cổ này cũng đang có những bước dịch chuyển mới. Từ phát triển du lịch cộng đồng đến các dịch vụ phụ trợ đang được người dân địa phương hưởng ứng nhiệt tình. Các tour du lịch, trải nghiệm đồng quê đang mở ra khá nhiều câu chuyện phát triển của địa phương. Đặc biệt, nếu phát triển du lịch không có sự kiểm soát chặt chẽ từ chính cộng đồng sẽ dễ đánh mất đi những bản sắc riêng có của một vùng đệm di sản…

Thông điệp của cộng đồng

Riêng với Mỹ Sơn, đã có gần 100 thanh niên địa phương trở thành công nhân trùng tu di tích – cánh tay đắc lực của các nhóm chuyên gia trùng tu di tích đến từ các quốc gia. Ông Phan Hộ – Trưởng ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, cộng đồng địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực từ việc cùng Ban quản lý tham gia giữ rừng phòng hộ, con em người địa phương làm việc tại khu đền tháp ngày càng nhiều hơn và tính toán đến việc tạo lập các cảnh quan cũng như thêm nhiều dịch vụ phụ trợ cho vùng đệm Mỹ Sơn. Một số sản phẩm địa phương đã được giới thiệu tiêu thụ tại di tích như đá mỹ nghệ, chè vối, chè lá dung, chuối hột, gốm thủ công, lưu trú, ẩm thực… từ chính đôi tay của cộng đồng người dân tại đây.

Theo GS – TS. Trương Quốc Bình – Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, di sản luôn mang nhiều ý nghĩa với cộng đồng. Chính sự hiện diện của di sản là thông điệp của cộng đồng gửi đến cho thế hệ sau, của một đô thị gửi đến cho du khách… Hay di sản còn là biểu tượng của một thành phố, gắn với giá trị kinh tế và khi mất đi nó có thể gây nên tổn thất cho các nghề truyền thống, dịch vụ du lịch và văn hóa nghệ thuật… của cộng đồng. Với chủ trương dựa vào dân để bảo tồn di tích, Quảng Nam nhiều năm nay đang làm tốt nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di tích, lưu giữ được những di sản tiêu biểu nhất.

Ông Phan Văn Cẩm – Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam khẳng định, xã hội hóa là yếu tố tích cực thể hiện sự gắn bó giữa cộng đồng dân cư với di tích nhằm tạo ra nguồn lực để hướng đến bảo tồn di tích tốt hơn.

Từ di sản, đã có nhiều kết nối trong chính cộng đồng người dân bản địa lẫn những doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu vực đặc biệt này. Đã có nhiều sự bắt tay từ các doanh nghiệp, hãng lữ hành, để cùng tạo nên một môi trường du lịch văn minh, sạch đẹp trên nền tảng di sản. Cũng từ đây, những câu chuyện du lịch có trách nhiệm lại khởi lên, từ chính những nỗ lực vì di sản của chính quyền – cộng đồng – doanh nghiệp.

Xuân Hiền

Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục