Những tranh cãi xoay quanh công nghệ nhận diện gương mặt

Giá trị của ngành công nghiệp phát triển công nghệ nhận diện gương mặt sẽ tăng từ 3,2 tỉ USD năm 2019 lên 7 tỉ USD trong năm 2024, chỉ tính riêng tại Mỹ. Đi kèm với những lợi ích, công nghệ này còn tiềm tàng những rủi ro về tính chính xác và xâm phạm quyền riêng tư, đặc biệt khi sử dụng trong hành pháp và giám sát hải quan.

Trung Quốc đã ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt trong giám sát việc tuân thủ luật giao thông của người đi bộ và xác định các tội danh nhỏ khác. Ảnh: VCG/VCG/ Getty Images
Trung Quốc đã ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt trong giám sát việc tuân thủ luật giao thông của người đi bộ và xác định các tội danh nhỏ khác. Ảnh: VCG/VCG/ Getty Images

Những năm gần đây ghi nhận sự hiện diện ngày một phổ biến của các phần mềm nhận diện khuôn mặt. Chúng được dùng tại các sân bay, tiền sảnh, trung tâm mua sắm, thậm chí dùng trong thi hành luật pháp.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt sử dụng các thông tin sinh trắc học nhằm xác định những đặc điểm chính (chẳng hạn như khoảng cách giữa hai mắt hay khoảng cách từ trán tới cằm) và tái tạo lại bản đồ khuôn mặt con người.

Thị trường công nghệ nhận diện gương mặt đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Theo báo cáo “Thị trường nhận diện gương mặt” của Component, giá trị của ngành công nghiệp này sẽ tăng từ 3,2 tỉ USD trong năm 2019 lên 7 tỉ USD trong năm 2024 tại Mỹ. Công nghệ nhận diện gương mặt chủ yếu được dùng trong giám sát và marketing.

Tuy vậy, câu chuyện hoàn toàn thay đổi khi công nghệ nhận diện khuôn mặt được dùng trong luật pháp. Dù sở hữu những lợi ích không thể phủ nhận trong việc ngăn chặn và giải quyết các vụ án hình sự, công nghệ này vẫn vấp phải nhiều chỉ trích vì những rủi ro tiềm tàng.

Vấn đề đầu tiên, công nghệ nhận diện khuôn mặt vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng công nghệ này vẫn chưa định vị chính xác 100% những đối tượng da màu, đặc biệt là những phụ nữ da đen.

Việc này dẫn tới vấn đề tiếp theo: sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt trong hành pháp khiến nhiều người lo ngại vấn đề bị kết tội sai do trục trặc trong xác định khuôn mặt. Nhiều người bày tỏ lo ngại bị xâm hại quyền công dân cơ bản cùng quyền riêng tư khi chứng kiến sự bành trướng của công nghệ nhận diện khuôn mặt, đặc biệt là trong hệ thống luật pháp.

Hiện tại Trung Quốc đã ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt trong giám sát việc tuân thủ luật giao thông của người đi bộ và xác định các tội danh nhỏ khác.

Tại Mỹ, nhiều địa phương đã bắt tay vào phòng ngừa những rủi ro nêu trên. Oregon và New Hamsphire đã cấm cảnh sát sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt trên các camera quay toàn thân. Quan chức tại một vài thành phố của bang California, chẳng hạn như San Francisco và Oakland, cũng không được phép sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt trong quá trình hành pháp.

Pháp luật không phải là ngành duy nhất hứng chịu rủi ro khi ứng dụng công nghệ nhận diện gương mặt. Cục hải quan và biên phòng Hoa Kỳ gần đây đã ứng dụng công nghệ quét gương mặt tại sân bay Atlanta và các cổng lên máy bay ở Minneapolis và Salt Lake City, dấy lên lo ngại bị giám sát và rủi ro thông tin bị đánh cắp bởi tội phạm công nghệ cho những khách hàng sử dụng các sân bay nói trên.

Công nghệ nhận diện gương mặt không cần xuất hiện trong xã hội,” Evan Greer, tổng giám đốc của tổ chức xã hội Fight for the Future (Chiến đấu vì tương lai) nhận định và nói thêm: “Đây là công nghệ mang tính xâm phạm sâu sắc. Tiềm năng gây hại cho xã hội và sự tự do của con người của công nghệ này vượt xa những lợi ích mà nó đem lại.”

Nicole Martin

Theo forbesvietnam.com.vn

 

Cùng chuyên mục