Nhộn nhịp chợ Tết cuối năm

Chỉ còn chưa tới một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, vì thế, không khí mua sắm tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố diễn ra sôi động. Qua ghi nhận, sức mua cũng bắt đầu tăng mạnh, nhất là các mặt hàng hải sản tươi sống, đồ khô… Giá cả nhiều mặt hàng có sự tăng, giảm so với ngày thường, trong đó giá thịt heo bắt đầu “hạ nhiệt” khi nguồn hàng về chợ tăng lên.

Nguồn thịt heo về chợ đã tăng lên kéo theo giá thịt hạ xuống khiến người tiêu dùng yên tâm hơn. Ảnh: KHÁNH HÒA
Nguồn thịt heo về chợ đã tăng lên kéo theo giá thịt hạ xuống khiến người tiêu dùng yên tâm hơn. Ảnh: KHÁNH HÒA

Khảo sát cho thấy, mức giá bán sỉ, lẻ nhiều loại rau củ, trái cây hầu như không tăng so với những tuần trước. Mới sáng sớm, không khí mua bán tại chợ đầu mối Hòa Cường đã diễn ra tấp nập. Ngoài lượng hàng nhập sỉ cho những người buôn lại, người tiêu dùng cũng đến đây để mua sắm hàng hóa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán.

Tranh thủ mua vài ký thịt heo về làm thịt ngâm mắm, bà Hoàng Thị Hòa (ở quận Hải Châu) cho biết, hàng hóa tại chợ đầu mối Hòa Cường tươi, giá cả rẻ hơn so với các chợ lớn khác trên địa bàn thành phố nên bà thường xuyên đi chợ này.

Theo ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng ban Quản lý chợ đầu mối Hòa Cường, những ngày này lượng hàng hóa về chợ rất dồi dào, tăng gấp 4 – 5 lần so với ngày thường. Mặt hàng trái cây vận chuyển về chợ trung bình từ 700 – 750 tấn/ngày, rau củ quả khoảng 150-180 tấn/ngày; nguồn hàng chủ yếu được nhập từ các tỉnh Lâm Đồng, Hải Dương, Hà Nội, Gia Lai… Với gần 1.200 hộ kinh doanh (trong đó có 400 hộ cố định), chợ đầu mối Hòa Cường là nơi cung ứng chủ lực nguồn hàng hóa cho nhiều chợ cũng như các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố.

Các tiểu thương tại chợ đầu mối Hòa Cường cho biết, do điều kiện thời tiết năm nay thuận lợi, nguồn hàng dồi dào nên giá nhiều mặt hàng rau, củ đều giảm hơn hẳn so với thời gian trước. Trong đó, nhiều mặt hàng giảm từ 5.000-7.000 đồng/kg.

Cụ thể, rau cải, tần ô có giá 5.000 đồng/bó; hành, tỏi giá 40.000 đồng/kg; khoai tây, cà rốt hàng nhập từ Hà Nội có giá lần lượt 12.000 đồng/kg và 7.000 đồng/kg, hàng nhập từ Đà Lạt có giá 27.000 đồng/kg và 13.000 đồng/kg; cà chua có giá 20.000 đồng/kg; đậu ve, dưa leo, củ cải có giá 5.000 đồng/kg; trứng gà 35.000-40.000 đồng/kg; khổ qua Hà Nội có giá 5.000 đồng/kg, khổ qua quê có giá 20.000 đồng/kg; mướp ngọt có giá 10.000 đồng/kg…

Bà Trần Thị Thi, chủ quầy hàng rau củ quả bày tỏ, sản lượng tiêu thụ bắt đầu tăng lên khoảng 5 – 10% so với ngày thường nhưng dự kiến mùa Tết Nguyên đán năm nay sức mua tại chợ sẽ không tăng nhiều so với năm ngoái do ảnh hưởng từ Nghị định số 100/NĐ-CP ngày 30-12-2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt khiến các đối tác là quán ăn, nhà hàng giảm hẳn đơn hàng.

Cũng như chợ đầu mối Hòa Cường, giá bán lẻ các mặt hàng rau, củ tại chợ Đống Đa không có nhiều biến động so với ngày thường do nguồn hàng về chợ phong phú. Đơn cử, đậu ve có giá 20.000 đồng/kg; cà rốt, khoai tây có giá từ 18.000 – 20.000 đồng/kg; xà lách có giá 25.000 đồng/kg; bí đỏ có giá 15.000 đồng/kg; dưa leo bao tử có giá 25.000 đồng/kg; rau cải, mồng tơi, tần ô có giá 7.000 đồng/bó… Trong khi đó, nguồn hàng hải sản tươi sống về chợ dồn dập hơn hẳn so với ngày thường với mức giá có tăng so với thời điểm cách đây một tuần.

Các mặt hàng được tiêu thụ mạnh như: cá thu với giá từ 280.000 – 400.000 đồng/kg tùy loại lớn, nhỏ; mực ống có giá 300.000 – 350.000 đồng/kg tùy loại; cá chim trắng có giá 170.000 đồng/kg; cá dìa có giá 180.000 đồng/kg; cá ngừ có giá 200.000 – 240.000 đồng/kg…

Bà Nguyễn Thị Hoa, tiểu thương kinh doanh hải sản tươi sống tại chợ Đống Đa cho hay, năm nay do thời tiết ổn định nên nguồn hải sản về chợ dồi dào, tuy nhiên, mức giá có nhích hơn từ 5.000 – 10.000 đồng/kg do trước đó, giá thịt heo tăng mạnh khiến người dân chuyển sang sử dụng nhiều hơn các loại hải sản. Bên cạnh đó, cận Tết, tàu thuyền thường dừng ra khơi nên giá hải sản lúc nào cũng có tăng hơn so ngày thường.

Theo ông Nguyễn Công An, Trưởng ban Quản lý chợ Đống Đa, hiện nay, trung bình một ngày có hơn 10 tấn hàng là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu gồm rau, củ, quả, thịt heo, bánh kẹo, gạo, hải sản tươi sống… được vận chuyển về chợ, tăng từ 20 – 30% so với ngày thường. Sức mua tại chợ cũng bắt đầu tăng lên khi Tết Nguyên đán đã cận kề.

Trong khi đó, chợ Hàn vừa là điểm đến của người dân trên địa bàn thành phố với thế mạnh về các mặt hàng hải sản khô, thường được tiêu thụ mạnh trong dịp Tết như: thịt bò khô, cá, mực, tôm khô…; đồng thời, đây cũng là thời điểm lượng khách du lịch đến tham quan, mua sắm đông trong năm nên sức tiêu thụ tại chợ được tăng lên nhanh chóng từ 20 – 30% so với ngày thường.

Sau nhiều tháng liên tục khan hàng, tăng giá, đến thời điểm này, nguồn cung thịt heo về các chợ trên địa bàn thành phố đã bắt đầu ổn định trở lại với giá bán ra giảm từ 10.000 – 20.000 đồng/kg/tùy loại. Theo đó, giá bán hiện nay cụ thể như: thịt mông có giá 90.000 – 100.000 đồng/kg; thịt ba chỉ có giá 160.000  – 170.000 đồng/kg; sườn non có giá 165.000 – 170.000 đồng/kg…

Tại chợ đầu mối Hòa Cường, ông Diệp Hoàng Thông Anh cho biết nguồn thịt heo tại chợ bảo đảm cung ứng cho nhu cầu của người dân trong dịp Tết với sản lượng về chợ gần 2 tấn/ngày. Trong khi đó, lượng thịt heo về chợ Đống Đa đã tăng lên so với thời điểm trước Tết tầm 1 tháng, giá bán ra cũng hạ xuống từ 10 – 15%/kg/tùy loại.

Ghi nhận tại chợ Đống Đa, sức mua đã tăng mạnh về lượng như mặt hàng thịt heo tăng khoảng 30%, dự kiến từ ngày 28 đến 30 tháng 12 âm lịch sẽ tăng khoảng 40% so với ngày thường. Còn ở chợ Đống Đa, mặt hàng thịt heo về chợ đã bắt đầu ổn định với mức giá “hạ nhiệt” từ 10.000 – 20.000 đồng/kg/loại. Như vậy, hầu hết tại các chợ truyền thống cũng như các điểm bán lẻ, giá thịt heo đã giảm mạnh so với thời điểm cách đây khoảng 2 tuần.

Tại một quầy bán thịt lưu động trên đường Ông Ích Đường (quận Cẩm Lệ) giá thịt vai đã giảm còn 90.000 đồng/kg, sườn non có giá 155.000 đồng/kg, ba chỉ có giá 160.000 đồng/kg, thịt bò có giá 250.000 đồng/kg… Nhờ các giải pháp quyết liệt trong bình ổn giá thịt heo mà hiện nay sức mua mặt hàng này đã bắt đầu có chuyển biến tích cực, người bán mạnh dạn nhập hàng về nhiều hơn; trong khi đó, với thói quen sử dụng thịt tươi sống, nhiều người tiêu dùng bày tỏ sự hài lòng khi đây vẫn là mặt hàng thiết yếu vẫn được coi trọng để chế biến mâm cơm ngày Tết.

Giá hoa tăng khoảng 20%

Trưa 18/1, người dân làng hoa Vân Dương tất bật bó hoa, vận chuyển hoa đưa lên các chiếc xe chờ sẵn. Theo ông Phan Hiền, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh – dịch vụ hoa và cây cảnh Vân Dương (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), đến nay, bà con nông dân đã hoàn thành hơn nửa chặng đường của vụ hoa Tết. Từ ngày 11-1 (tức 17 tháng Chạp), người dân trồng hoa đã xuất vườn 5.000 – 7.000 chậu hoa/ngày, dự báo đến khoảng 26 tháng Chạp sẽ xuất vườn hết các loại hoa cúc như: cúc đại đóa, cúc pha lê… và 28 tháng Chạp sẽ xuất vườn hết các loại hoa ngắn ngày như: dạ yến thảo, mai dạ thảo…

Ông Hiền cho biết, tổng chậu hoa cúc đủ tiêu chuẩn để xuất vườn của làng hoa vụ Tết năm nay là khoảng 65.000 chậu, trung bình mỗi hộ trồng từ 600 – 700 chậu hoa. Giá hoa cúc đường kính 35cm khoảng 200.000 – 300.000 đồng/cặp; loại lớn đường kính 90cm khoảng 2 – 2,5 triệu đồng/cặp; tuy nhiên với loại lớn này, các thương lái phải đặt số lượng hàng từ sớm thì các hộ trồng hoa mới chuẩn bị. Giá hoa năm nay tăng lên khoảng 20% so với năm 2019.

Qua tìm hiểu, có một số hộ dân ở Vân Dương trồng thử khoảng 3.000 – 4.000 chậu hoa hồng để bán ra vào vụ Tết này. Còn Tổ hợp tác sản xuất hoa Dương Sơn (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) đã xuất vườn gần hết 25.000 chậu hoa Tết. Theo ông Lý Dạng, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất hoa Dương Sơn, vụ Tết này, 24 hộ thuộc Tổ hợp tác hoa Dương Sơn trồng khoảng 19.600 chậu cúc, còn lại là các loại hoa giàn treo như: dạ yến thảo, vạn thọ, thược dược, hoa ly hướng dương…

Năm nay, Chợ hoa Xuân Canh Tý 2020 ở Quảng trường 29 Tháng 3 đã chính thức diễn ra từ sáng 16/1 (22 tháng Chạp). Theo thông tin từ Công ty Công viên – Cây xanh Đà Nẵng, tính đến ngày 17/1, có 343 lô được người dân thuê để bán hoa (164 lô đấu thầu và 179 lô hạng A, B, C), bên cạnh đó, công ty cũng bố trí 59 lô cho Hội Nông dân quận Hải Châu thuê để bày bán hoa.

Tại chợ hoa Tết ở khu đất đối diện UBND quận Liên Chiểu cũng đã đi vào hoạt động sôi động từ sáng 15/1 (21 tháng Chạp). Vì mức giá cho thuê thấp hơn so với chợ hoa ở Quảng trường 29 Tháng 3 nên giá thành các loại hoa, cây cảnh cũng thấp hơn từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng.

Nhìn chung, chợ hoa Tết quận Liên Chiểu bán chủ yếu quất cảnh và hoa cúc, chiếm khoảng 80% các loại hoa, cây cảnh. Trong khi đó, lượng đào chưng Tết từ phía bắc đưa vào Đà Nẵng năm nay không nhiều, giá cả cũng không tăng mạnh so với năm trước nhiều, loại phổ biến giá từ 300.000 – 800.000 đồng/cây; các gốc đào lâu năm từ 2 – 5 năm có giá dao động từ 1,5 – 3 triệu đồng; những gốc lâu năm hơn thường có giá từ 5 – 15 triệu đồng.

Minh Lê

Khánh Hòa

Theo Đà Nẵng Online

 

Link nguồn:  https://www.baodanang.vn/channel/5404/202001/nhon-nhip-cho-tet-cuoi-nam-3269296/

Cùng chuyên mục