“Lữ khách và cõi trăng” – một “Bắt trẻ đồng xanh” của Hungary

Lữ khách và cõi trăng tái hiện hành trình kiếm tìm ý nghĩa của một chàng trai trẻ trong và sau kỳ trăng mật những tưởng chỉ có hoa hồng và những nụ hôn.

Antal Szerb (1901 – 1945) là một nhà văn, học giả, nhà phê bình và dịch giả sinh ra trong gia đình có cha mẹ là người Do Thái nhưng đã chịu phép rửa tội của nhà thờ Công giáo. Là người đa ngôn ngữ, ông sống ở Hungary, Pháp, Italy và Anh. Sau khi tốt nghiệp, ông nhanh chóng trở thành một học giả chuyên nghiệp, xuất bản sách về kịch và thơ, nghiên cứu về Ibsen, Blake, lịch sử văn học Anh và Hungary. Szerb bị giết trong một trại tập trung vào tháng 1/1945.

Sách Lữ khách và cõi trăng.

Từ chuyến du hành của tác giả tới tiểu thuyết 

Năm 1936, nhà văn người Hungary Antal Szerb đã có một chuyến đi bằng tàu hỏa đến nơi được ưu ái gọi là “trung tâm thế giới” về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật – nước Italy. Chuyến du thám đến vùng đất thần kỳ này là một trải nghiệm tuyệt đẹp và cũng là chuyến đi cuối cùng ra nước ngoài của Szerb.

Khi quay trở về Budapest, ông ngồi xuống và viết tiểu thuyết kiệt tác Lữ khách và cõi trăng. Nhân vật chính của tiểu thuyết là anh chàng Mihály, một trí thức người Hungary làm việc cho công ty gia đình ở Budapest, một người đàn ông được bao bọc an toàn trong thế giới của lợi nhuận rót đều hàng năm, của quần vợt sân cỏ và những buổi dã ngoại buổi chiều trên sông Danube.

Mihály tới Italy để tận hưởng tuần trăng mật với vợ mới cưới của mình, nàng Erzi xinh đẹp. Cuộc hôn nhân này, thực ra, là một sự gắn kết mang tính “giải pháp” cho tình thế của Mihály, cũng là một nỗ lực dấn bước sâu hơn nữa vào tầng lớp trung lưu, cải thiện mình trên thang tầng của xã hội.

Đôi vợ chồng trẻ mới cưới đi du lịch đến tất cả những nơi mà tác giả Szerb đã đến: Venice, Ravenna, San Marino, Guiddo, Verona, nhưng đó không phải là trải nghiệm yên bình và viên mãn. “Trên tàu thì mọi chuyện vẫn ổn. Nhưng rắc rối bắt đầu ở Venice…”

Mihály đã luôn mơ mộng về Italy xa xôi với những đền đài cung điện. Sau nhiều năm “thích nghi” với đời sống xã hội, “ký hiệp ước hòa bình với thế gian” khi đã cưới vợ để yên bề gia thất, Italy lại khiến Mihály cuồng quay và bị thôi thúc bất phục tùng, đi theo tiếng gọi của những nỗi niềm sâu thẳm.

Và chính lúc đó tất cả ma quỷ ở đâu ra ùa đến, toàn bộ tuổi trẻ của anh cùng toàn bộ nỗi niềm ký ức và mọi cơn nổi loạn. Không có thuốc chống lại ký ức. Có lẽ anh không nên đến nước Ý. Người ta dựng xây đất nước này từ những ký ức của các vị hoàng đế và những nhà thơ. Nước Ý là thiên đường trần gian, nhưng chỉ như Dante đã thấy: thiên đường trần gian ở trên ngọn núi Purgatorium chỉ là một bến đỗ tạm thời, nơi chỉ là trạm dừng chân của thế giới bên kia, nơi các linh hồn khởi hành về phía các vòng quay xa xôi của thiên giới...”

Hóa ra, Mihály luôn bị ám ảnh bởi những người bạn cũ từ thời thiếu niên đầy nhiệt thành, phiêu lưu và sôi nổi: anh em Tamas và Éva, Ervin và Janos. Đó là thời anh được thực sự sống, chứ không phải hiện tại đầy hứa hẹn của cuộc hôn nhân “môn đăng hậu đối”.

Nỗi nhớ sâu sắc một cố quận của linh hồn

Mihály cứ lang thang dạo bước một mình, lạc vào những con hẻm của Venice rồi cật vấn bản thân: “Sự hấp dẫn kỳ lạ, cơn ngất ngây dị thường đã chiếm giữ mình trong những con hẻm là gì? Tại sao cảm giác này lại giống như cảm giác về nhà đến thế?

Thực ra, những con hẻm nhỏ cũng luôn là niềm say mê, thích thú của tác giả Szerb. Sự chật hẹp của nó có gì đó thật lôi cuốn và bí nhiệm, hứa hẹn đưa ta đến một con đường đúng đắn duy nhất. Trong cuốn sách du hành của mình, Tháp thứ ba: Những hành trình ở Ý (1936), Szerb dành cả một chương mô tả về vẻ đẹp của những con hẻm nhỏ. Đi qua những con hẻm là trở về tuổi thơ, một lãnh địa riêng tư dễ dàng bị bỏ quên khi chúng ta trưởng thành.

Mihály tiếp tục tìm những dấu vết của thời thiếu niên sôi nổi lạ thường của mình, những năm tháng định hình cá tính và dồi dào cảm hứng sống. Anh trốn chạy cuộc hôn nhân, bỏ cô dâu ở lại, lao vào hành trình tìm kiếm chính mình và tìm người bạn Ervin xưa.

Khi Mihály tìm được Ervin trong một tu viện hẻo lánh ở Gubbio, cuộc hội ngộ này không khỏi gợi nhắc chúng ta về cuộc gặp gỡ của đôi bạn chân tình trong Nhà khổ hạnh và gã lang thang (Hermann Hesse). Ervin thánh thiện và luôn có xu hướng tâm linh xưa kia nay đã trở thành một thầy tu, giữ gìn nếp sống khổ hạnh và dường như “sống bên ngoài thời gian”, khác hẳn với thế giới mà Mihály đang sống.

Nền văn minh của chúng ta đã cấm cản chúng ta bằng một cỗ máy tinh thần kỳ diệu, được thiết kế để giúp chúng ta lãng quên trong hầu hết cuộc đời mình một điều rằng một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ đi vào cõi chết,” một bạn cũ của Mihály đã nói như thế.

Chỉ khi không có ý thức về cái chết của chính mình, anh mới có thể tiếp tục xây dựng cuộc sống đáng kính theo nhãn quan xã hội. Chính điều này giải tích tại sao nỗ lực để trở thành một con người thành công trong xã hội văn minh của Mihály gần như trở nên bất khả.

Nhà văn Antal Szerb.

Lữ khách và cõi trăng thường được xem là một cuốn sách về cảm thức hoài cổ, về nỗi nhớ sâu sắc một cố quận của linh hồn, về một thiên đường đã mất giữa rối loạn của xã hội đương thời. Chính tác giả Szerb đã khẳng định điều này trong một lá thư ông viết năm 1937: “Cuốn sách là một nỗi hoài nhớ tuổi thơ đã mất, hoài nhớ châu Âu đã mất trước thời của Mussolini và Hitler”.

Trong Thế chiến thứ hai, Szerb bị gửi đến một trại lao khổ ở Balf. Vào đêm giao thừa năm 1944, ông đã đọc thơ của Shakespeare và nhà thơ Hungary Attila József cho bạn bè của ông trong trại. Hôm đó, ông đã rất ốm yếu. Vào năm 1945, vài tháng trước khi kết thúc cuộc chiến, Szerb bị đánh đến chết và chôn trong một ngôi mộ tập thể.

Cuốn tiểu thuyết của Szerb đã trở thành một tác phẩm kinh điển ở Hungary, được đọc bởi tất cả các sinh viên Hungary tương tự các sinh viên Mỹ đọc Bắt trẻ đồng xanh của J. D. Salinger.

Nancy Nguyễn

Theo Zing.vn

Link nguồn: https://news.zing.vn/lu-khach-va-coi-trang-mot-bat-tre-dong-xanh-cua-hungary-post1009364.html

Cùng chuyên mục