“Linh hồn” của vườn rau hữu cơ

Ông Phạm Mèo được xem là “linh hồn” của Vườn rau hữu cơ Thanh Đông (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An, Quảng Nam), đồng thời, ông cũng là người truyền lửa cho bà con nông dân làm rau sạch khắp nơi…

Từ những trăn trở

Ông Mèo cười hiền khô, chân chất, nhớ lại: “Khoảng tháng 3/2014, những người nông dân như tôi lần đầu tiên nghe khái niệm “rau hữu cơ” và tưởng đó là thứ gì to tát lắm. Có biết đâu là cách trồng rau này hồi thời ông bà mình đã trồng rồi, tất nhiên, không thể so sánh về cách làm khoa học so với bây giờ được”.

Trong ký ức ông Mèo, cách làm kiểu gần như thuận tự nhiên này vẫn còn. Khi ông còn nhỏ, ông bà, cha mẹ của ông nuôi trâu bò, cho chúng ăn cỏ, rồi lấy phân để ủ phục vụ cho trồng trọt. Tuy nhiên, khi ông lớn lên một chút, thì những phân bón, thuốc trừ sâu hóa học dần dần xuất hiện trên khắp các cánh đồng.

Ông Mèo cùng cộng sự chăm sóc rau.

Người làm nông ai cũng biết, ưu điểm của thuốc bảo vệ thực vật hóa học là có hiệu quả nhanh trong diệt trừ sâu bệnh; nhanh chóng tăng năng suất cây trồng. Tuy vậy, nếu dùng lâu nó sẽ khiến cho đất đai bị thoái hóa, suy giảm dưỡng chất,… khiến cho việc canh tác gặp khó khăn về sau. Đó là chưa nói, khi dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chính người nông dân là tiếp xúc đầu tiên, do đó sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe.

Từ những lo lắng đó, lại thêm khái niệm trồng rau hữu cơ đang dần manh nha ở Hội An từ những năm 2010 trở đi, ông Mèo muốn thực hiện cách làm rau này. Tuy nhiên, câu hỏi làm bằng cách nào đã khiến ông loay hoay mãi trong việc tìm câu trả lời. Nhiều lần, ông tưởng mình đã bỏ cuộc.

Đến vườn rau hữu cơ xanh tươi

Mãi cho đến tháng 3/2014, khi liên ban ngành TP.Hội An cùng một số tổ chức trong và ngoài nước đến gặp ông Mèo và người dân Thanh Đông để bàn phương cách trồng rau hữu cơ, thì ông Mèo mới biết là “cái sự loay hoay” của mình đã đến hồi kết và giờ chỉ việc bắt tay vô làm.

Ông Mèo giải thích: “Hiểu nôm na trồng rau hữu cơ là mình sử dụng phân xanh, không dùng thuốc trừ sâu hóa học, nhưng không thể trồng là được liền. Mà trước hết, phải mất quá trình chuyển đổi, phải làm tơi đất, ủ phân chuồng, phân xanh để cho đất “hồi phục” lại như trước. Song song đó là trồng một số loại cây thiên địch, dẫn dụ sâu bọ để sâu bọ không làm hư hoại rau; trồng thêm một số loại cây để làm chế phẩm sinh học thay thế thuốc trừ sâu vô cơ như sả, ớt,…”.

Người đi truyền cảm hứng làm nông nghiệp hữu cơ Phạm Mèo

Khi có được phương cách, họ thành lập nhóm làm Vườn rau Hữu cơ Thanh Đông với 10 hộ gia đình thành viên, do ông Mèo làm trưởng nhóm. Họ bắt đầu với diện tích là 6.268m2 và vừa làm vừa… lo. Bởi bỏ từ vô cơ sang làm hữu cơ, là họ phải chấp nhận những thất thu trong vài năm đầu của giai đoạn chuyển đổi.

“Không lo sao được, vì thời gian đầu, chúng tôi có làm mà gần như không có thu được gì. Nhờ có ông Mèo, ổng thường xuyên vận động, giải thích là làm hữu cơ không phải ăn ngay được mà cần phải có thời gian, rồi sau đó thì sẽ ổn hơn. Và đúng vậy, trước khi làm rau hữu cơ, một mùa cùng lắm mới kiếm được vài ba triệu đồng nhờ trồng lúa. Nay thì mỗi tháng ít gì cũng kiếm được 2 triệu rồi” – bà Đặng Thị Sinh, thành viên nhóm Vườn rau Hữu cơ Thanh Đông, chia sẻ.

Bà Sinh còn cho biết thêm, trồng rau hữu cơ còn giúp họ giảm được nhiều bệnh tật do không còn tiếp xúc với các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Bên cạnh đó, thời gian của họ dành cho việc chăm sóc rau cũng ít hơn so với cách làm vô cơ. Và trên đà thành công đó, đến năm 2017 thì vườn rau được mở rộng thêm 4.000m2 nữa.

Và người truyền lửa

Ở tuổi 66 và được xem là người truyền lửa, là linh hồn của Vườn rau Hữu cơ Thanh Đông, ông Mèo cho biết một trong những thành công của vườn rau, là bán rau hữu cơ gần như ngang giá rau vô cơ trong những năm đầu. “Thời điểm vài năm trước, khái niệm rau hữu cơ còn xa lạ nên người dùng ít nhiều còn nghi ngờ. Bên cạnh đó, giá bán ra thường cao hơn so với rau vô cơ nên người mua không mấy mặn mà. Cũng may, có cô Giang (bà Đặng Hương Giang  – Giám đốc Trung tâm hành động Vì sự phát triển đô thị (gọi tắt là ACCD) “bày” và hỗ trợ cho cách bán rau với giá ngang rau vô cơ để cho người mua quen dần”.

Dần dà, rau hữu cơ của vườn rau len dần vô các nhà hàng, khách sạn ở Hội An. Còn riêng ông Mèo, sau những năm tích cực học hỏi và bày cách làm cho thành viên trong nhóm, dần dần trở thành “chuyên gia” trồng rau hữu cơ. Từ đó, ông đi nhiều nơi, từ trong Nam, ra ngoài Bắc để hướng dẫn và truyền cảm hứng trồng rau hữu cơ cho các vườn rau ở những nơi đó.

Không chỉ truyền cảm hứng cho nông dân, ông Mèo còn cần mẫn truyền dạy cho học sinh.

Đặc biệt, tháng 11/2017, với sự hỗ trợ của ACCD, ông Mèo đã có chuyến đi đến Ấn Độ để tham dự sự kiện gặp gỡ những nông dân tiêu biểu về làm nông nghiệp hữu cơ trên toàn thế giới do Liên đoàn các Phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM) tổ chức.

Tại chuyến đi đó, ông Mèo có kể về hành trình làm rau hữu cơ của vườn rau mình. “Bác Mèo là một người làm nông nghiệp hữu cơ giỏi, lại rất cần mẫn trong việc chia sẻ kiến thức, truyền cảm hứng của mình cho người khác. Nhờ vậy, thành viên trong nhóm của vườn rau không những có thu nhập từ việc trồng rau, mà còn có thu nhập bên việc thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm” – ông Nguyễn Thế Hùng – Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, nhận xét.

Bài & ảnh: An Vĩnh

 

 

 

 

 

 

Cùng chuyên mục