Kiến thiết đô thị, tạo nên giá trị mới – Kỳ 1:  Dấu ấn “cách mạng đô thị”

Hơn 20 năm qua, thành phố Đà Nẵng đã có những bước phát triển vô cùng nhanh chóng, dần trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của khu vực miền Trung-Tây Nguyên, là một trong những đô thị hàng đầu của cả nước. Kiến thiết đô thị để Đà Nẵng tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có để tạo nên giá trị mới là việc cần bàn.

Từ năm 1996 về trước, đô thị Đà Nẵng là thành phố tỉnh lỵ trực thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Ngày ấy, Đà Nẵng chỉ vỏn vẹn có quận Hải Châu, Thanh Khê và một phần Quận 3 (nay là quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn) có cơ sở hạ tầng và kinh tế tương đối nổi trội.

Cầu Thuận Phước được đầu tư xây dựng từ nội dung Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phê duyệt vào năm 2002.
Cầu Thuận Phước được đầu tư xây dựng từ nội dung Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phê duyệt vào năm 2002.

Quyết tâm chỉnh trang đô thị

Theo ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, hiện là Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, trước đây là chủ nhiệm Đồ án Quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt phê duyệt vào năm 1993, Đà Nẵng là đô thị đầu tiên trong cả nước lúc bấy giờ được lập quy hoạch chung. Đến năm 2017, thành phố Đà Nẵng cũng là thành phố đầu tiên của cả nước lập quy hoạch phân khu chức năng.

Trở lại thời điểm năm 1991, ông Trần Ngọc Chính kể, với tư cách là trưởng đoàn (gồm 11 thành viên là các kiến trúc sư, kỹ sư chuyên ngành đô thị thuộc Viện Quy hoạch đô thị nông thôn – Bộ Xây dựng) vào Đà Nẵng khảo sát, lập Đồ án quy hoạch chung cho thành phố, ấn tượng ban đầu của ông, là một Đà Nẵng mà hơn 15 năm sau ngày giải phóng nhưng vẫn còn giữ nguyên hình ảnh của một đô thị phục vụ chiến tranh, là một khu liên hợp quân sự khổng lồ của Mỹ-ngụy trước năm 1975.

Còn KTS Bùi Huy Trí, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và Phát triển đô thị (Sở Xây dựng thành phố) cho biết, trước năm 1997, Đà Nẵng có không gian nhỏ hẹp, cơ sở hạ tầng nghèo nàn. Kết nối hai khu vực Đông – Tây sông Hàn chỉ có hai cây cầu là Nguyễn Văn Trỗi (đường bộ) và Trần Thị Lý (đường sắt) vốn là các công trình cũ kỹ qua thời chiến tranh.

Phương tiện giao thông qua lại phổ biến trên sông Hàn là những chuyến phà. Thế rồi, một cuộc đại cách mạng đô thị, cả thành phố như một đại công trường… là những gì mà các cấp chính quyền, người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư, bạn bè trong và ngoài nước nhắc tới khi Đà Nẵng bước vào giai đoạn phát triển mới.

Ngoài Đồ án Quy hoạch chung xây dựng thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 1993, thì sự kiện Đà Nẵng “ra riêng” vào năm 1997 được xem là bước ngoặt lịch sử để Đà Nẵng tăng tốc, khẳng định vị thế của mình.

Ông Trần Ngọc Chính vẫn còn nhớ như in quãng thời gian hơn 5 tháng trời lưu lại Đà Nẵng để tiếp cận thực tế, khai thác tài liệu, phác thảo ý tưởng, lên phương án và trình bày Đồ án quy hoạch với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng lúc bấy giờ.

Đến năm 1997, khi chính thức trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng bắt đầu bứt phá với các công trình hạ tầng đô thị mà cầu quay Sông Hàn là công trình ấn tượng nhất, ghi dấu thời kỳ đầu thành phố trực thuộc Trung ương.

Bước sang thế kỷ 21, Đà Nẵng phát triển nhanh chóng và trở thành hiện tượng nổi bật trong quản lý, phát triển đô thị, nhiều dự án để lại dấu ấn, được đầu tư khá bài bản và tuân thủ quy hoạch trên cơ sở những điều chỉnh cần thiết và hợp lý”, ông Chính khẳng định.

Minh chứng là ngoài hệ thống giao thông đô thị được xây dựng hiện đại, bộ khung đô thị kết nối Bắc – Nam thành phố và hệ thống cầu qua sông Hàn, sông Cẩm Lệ được nghiên cứu, lựa chọn, thiết kế và đầu tư có giá trị cao về thẩm mỹ, kiến trúc, đạt được dấu ấn cho từng cây cầu qua sông Hàn, thực sự là những tác phẩm của kỹ thuật và mỹ thuật, kết nối với vùng đất còn nhiều tiềm năng phát triển.

Cảm nhận về Đà Nẵng ấn tượng nhất có lẽ là về cảnh quan sông Hàn bởi sự sáng tạo giàu chất thơ, hiện đại, bản sắc nhưng lại rất thân thiện với con người. Vào ban đêm, sông Hàn lung linh và huyền ảo, và điều cảm nhận đặc biệt nhất là những đêm lễ hội pháo hoa quốc tế được tổ chức đã làm cho sông Hàn và Đà Nẵng đẹp rạng rỡ, vì thế mà tên tuổi dòng sông và Đà Nẵng cũng được ghi nhận trên bản đồ đô thị thế giới”, ông Chính nhìn nhận.

Đô thị “khoác” áo mới

KTS Bùi Huy Trí cho rằng, đô thị Đà Nẵng chỉ thực sự phát triển bùng nổ ở thời điểm đầu những năm 2000, khi mà thành phố có thêm những nền tảng pháp lý và khoa học mang tính chiến lược.

Theo KTS Trí, ngoài Quyết định số 465/QĐ-TTg ngày 17-6-2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thì Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được xem là nền tảng vững chắc để tạo đà cho một giai đoạn chuyển mình của đô thị Đà Nẵng.

Dựa trên những cơ sở mang tính chiến lược đó, Đà Nẵng đã triển khai hàng loạt dự án cùng lúc khiến cả đô thị như một đại công trường. Hầu như tất cả các khu vực có đất trống trong đô thị đều được triển khai dự án.

Toàn bộ hai dải ven biển phía đông và vịnh Đà Nẵng được phủ kín các dự án mới, hình thành các tuyến đường ven biển, các khu đô thị mới, các khu du lịch, nghỉ dưỡng. Các xóm nhà chồ trên sông Hàn với hàng trăm hộ dân được giải tỏa toàn bộ để hình thành tuyến đường ven sông cùng các khu phố mới”,  KTS Bùi Huy Trí chia sẻ.

Đến nay, diện tích đô thị Đà Nẵng đã lên tới 20.000ha, gấp gần 4 lần diện tích cũ. “Công cuộc kiến thiết đô thị với việc mở rộng đô thị diễn ra với một quy mô và tốc độ chưa từng có trong lịch sử phát triển Đà Nẵng.

Sự thay đổi nhanh chóng này đã biến Đà Nẵng từ vị thế một thành phố trực thuộc tỉnh trở thành một đô thị lớn của miền Trung có nội lực đáng kể. Sự kiện tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 là minh chứng về một đô thị phát triển khá toàn diện về kết cấu hạ tầng”, KTS Bùi Huy Trí nhấn mạnh.

Hàng chục năm liền, cả thành phố Đà Nẵng luôn là đại công trình xây dựng. Trong ảnh: Thi công tuyến đường Trần Bạch Đằng, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn.
Hàng chục năm liền, cả thành phố Đà Nẵng luôn là đại công trình xây dựng. Trong ảnh: Thi công tuyến đường Trần Bạch Đằng, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn.

Ông Thái Ngọc Trung, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng cho biết, qua điều chỉnh quy hoạch chung mà đô thị Đà Nẵng “thực sự ra tấm, ra miếng”. Khu vực đô thị cũ có diện tích 3.264ha, bao gồm các quận: Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ được xác định là trung tâm lịch sử, truyền thống; trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của thành phố.

Khu ven biển phía tây bắc thuộc quận Thanh Khê, Liên Chiểu có diện tích 3.647ha làm nơi phát triển du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm dịch vụ vận tải và kinh tế biển. Khu ven biển phía đông có diện tích 3.331ha gồm Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng.

Theo KTS Phạm Phú Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế xây dựng Đà Nẵng, nếu đề cập lịch sử phát triển của đô thị Đà Nẵng thì giai đoạn 10 năm đầu từ 1997-2007 là giai đoạn lịch sử chói sáng của đô thị này. Lịch sử đô thị Đà Nẵng được viết bởi chính người dân thành phố và sự năng động, sáng tạo của chính quyền thành phố.

Từ một thành phố có quy mô khiêm tốn về diện tích, cơ sở hạ tầng thì trong vòng 10 năm đã thay đổi hoàn toàn diện mạo, trở thành điểm sáng về phát triển đô thị ở Việt Nam trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, sự đầu tư của Trung ương rất ít.

Cuộc cách mạng đô thị lần thứ nhất đem lại cho thành phố đổi thay nhiều mặt với các trục đường giao thông lớn cùng các khu dân cư đô thị mới được quy hoạch, khu du lịch, khu công nghiệp được hình thành, thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước làm cho kinh tế Đà Nẵng phát triển.

Nhờ có quy hoạch, có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tạo thuận lợi cho nhà đầu tư; nhiều chính sách về đền bù, giải tỏa được người dân đồng thuận để Đà Nẵng thành đại công trường. Sự năng động, sáng tạo, hành động quyết liệt trong lãnh đạo của chính quyền thành phố lúc bấy giờ được người dân đồng thuận, tạo lòng tin và sức mạnh để làm nên một đô thị Đà Nẵng trở thành niềm tự hào của người dân thành phố.

KTS Hoàng Quang Huy, nguyên Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng chia sẻ, tốc độ đô thị hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị được xem là nổi bật nhất. Với quyết sách đúng đắn, cùng với chủ trương hợp lòng dân, biết phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, Đà Nẵng đã thực hiện tiến trình đô thị hóa trên cả mặt về quy mô và chất lượng.

Từ chỗ quay lưng với biển, Đà Nẵng đã có 2 mặt tiền đô thị là biển và làm cho sông Hàn ngày càng phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên. Trong sự phát triển của đô thị thời kỳ 1997-2007, mỗi cán bộ, đảng viên đều hăng hái xây dựng, làm cho diện mạo thành phố thay đổi rõ nét.

Bài & ảnh: Triệu Tùng

Theo Đà Nẵng Online

Cùng chuyên mục