Không gian nghệ thuật mở

Một lễ hội đèn lồng Hội An tại Đức. Một không gian làng biển trở thành nơi sáng tạo nghệ thuật cộng đồng. Một nếp nhà làng miền ngược ghi dấu ấn của nhiều nghệ sĩ… Những “không gian nghệ thuật mở” đang khiến mọi nơi đều có thể làm nghệ thuật và trở thành nghệ thuật.

Biểu diễn hợp xướng tại một góc phố ở Hội An. Ảnh: M.H
Biểu diễn hợp xướng tại một góc phố ở Hội An. Ảnh: M.H

Hội An – không gian nghệ thuật

Không dưng cái tên Hội An lại có sức cuốn hút lạ lùng với những người hoạt động nghệ thuật. Ca sĩ Hà Anh Tuấn, mới đây thôi, trên dòng sông Hoài đầy sắc màu hoa đăng, thủ thỉ kể với người hâm mộ bằng một “live concert” mang tên Truyện ngắn. Không gian huyền hoặc của phố cổ kết hợp cùng giọng ca Hà Anh Tuấn tạo nên một không gian âm nhạc đầy chân tình. Những triết lý, thông điệp sống giản đơn mà sâu sắc, nói như Hà Anh Tuấn, anh muốn khán giả không chỉ nghe nhạc nữa, mà bắt đầu cảm nhận âm nhạc bằng trái tim và suy nghĩ. Chọn lựa Hội An là một điều hài lòng nhất để cảm xúc của anh đạt đến cao trào.

Và lại nhắc về Hội An – nơi mỗi góc phố, con hẻm, khoảnh sân… đều có thể trở thành không gian nghệ thuật. Đã có nhiều người con phố Hội trở về quê nhà, góp thêm một ý tưởng, hình thành thêm một điểm dừng chân, để Hội An đủ sức làm nên những sự kiện văn hóa cả về chiều sâu lẫn độ ảnh hưởng. Trong quá trình phát triển của mình, điều khiến đô thị cổ này không trộn lẫn với các di sản khác, chính bởi cái tinh thần của mình – ít nhiều khiến người ta dễ dàng cho qua với những khó chịu vấp phải trong cuộc hành trình đến miền di sản. Một sinh viên học mỹ thuật vẫn có thể thực hiện triển lãm tranh ngay trên đường phố Hội, với bối cảnh chính từ không gian nền nã của phố cổ. Và đã có rất nhiều cuộc trưng bày như thế. Những bộ phim điện ảnh Việt đình đám cũng đã từng chọn Hội An làm phim trường. Từ những “mảnh vụn” đó, lại tiếp nối những sự kiện lớn. Có lẽ, quá trình phát triển từ sau ngày trở thành đô thị di sản, điều khác biệt nhất chính là Hội An đã làm nên thương hiệu của mình – vùng đất của những không gian nghệ thuật.

Một Hội An tại Nhật Bản. Một Hội An tại Đức. Và Hội An còn có những “phiên bản” ở rất nhiều các tỉnh thành khác, thậm chí ngay cả trong chính đô thị của mình – tại những công trình du lịch mới vừa mọc lên sau này. Nhưng hẳn khó thể nào mang vác cả cái tinh thần, không gian văn hóa vốn dĩ là bản chất của vùng đất, đặt để ở nơi khác. Thế nên, dầu có bao nhiêu phàn nàn, người ở khắp mọi chốn vẫn cứ tìm về đất này. Không chỉ để thăm phố, nghe bài chòi. Nhiều người đến để làm nghệ thuật, xem nghệ thuật…

Không gian cộng đồng

Trong vài năm trở lại đây, có một trào lưu về sáng tạo nghệ thuật cộng đồng. Ở những không gian được lựa chọn, không phân biệt nghệ sĩ thành danh hay chỉ mới vừa bước vào địa hạt này, bất kể tác phẩm nào cũng đều được trân quý như nhau. Đó cũng chính là ý niệm về một không gian văn hóa mở – ở đó, ai cũng có thể thưởng thức nghệ thuật, và bất kỳ ai tâm huyết đều có thể để lại tác phẩm của mình. Và điều đặc biệt là cũng chính ở đó, ai là tác giả và tác phẩm là gì trở thành những khái niệm đa biến. Không chỉ có hội họa, nghệ thuật sắp đặt hay điêu khắc. Đó thậm chí còn là các buổi biểu diễn ngẫu hứng, du ca của các nhóm nhạc hay thậm chí những cuộc trình diễn thời trang để chuyển tải các thông điệp tích cực khác nhau. Vô hình trung trong quá trình quan sát và tương tác ấy, công chúng đã tự biến mình thành tác giả, tác phẩm từ lúc nào không hay.

Một dạo dừng chân tại làng nghệ thuật cộng đồng Trung Thanh, chúng tôi khá bất ngờ vì diện mạo và không gian của ngôi làng. Những bức bích họa, có lẽ đã không cần kể nhiều nữa. Mỗi năm, chính quyền TP. Tam Kỳ đều nỗ lực để có thêm những sản phẩm bích họa bắt mắt. Những điều đặc biệt hơn, có những khuôn viên đẹp đến lạ lùng. Một công viên nho nhỏ được bố trí bằng các bồn hoa đang khoe sắc, cộng với một mô hình khung tranh thu nhỏ, phông nền là bờ biển xanh cùng một hàng dừa, dễ dầu khiến người ta liên tưởng đến những bức sơn mài của các họa sĩ tài năng. Lọt vào khung hình này, rất dễ phải khiến người xem xuýt xoa vì sự lạ lẫm của làng quê biển này.

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng – người rất chịu khó với nghệ thuật cộng đồng ở khắp nơi, vài năm gần đây liên tục tìm đến Tam Thanh. Và rất nhiều các họa sĩ thành danh khác, như Lê Kinh Tài, Nguyễn Thượng Hỷ… đều để lại tác phẩm tâm huyết tại không gian làng biển này. Đó hệt như một chỉ dấu nghệ thuật về một không gian văn hóa, mà chính người dân vừa là đối tượng hưởng thụ, vừa là điểm nhìn để các nghệ sĩ sáng tạo. Ngay cả ở các địa phương miền núi, những ngôi làng của đồng bào đã rất nhiều lần trở thành không gian sáng tạo của rất nhiều nghệ sĩ ở nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau.

Đó cũng là tín hiệu vui để bắt đầu cho những cuộc dịch chuyển theo hướng đưa nghệ thuật vào đời sống.

Lê Quân

Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục