Khi từ ngữ trở thành hung khí giết người

Những ngày đầu tháng Mười năm 2019, cuốn tiểu thuyết đầu tay của Miao –  Em chỉ nói những điều họ muốn đã ra mắt độc giả. Cuốn tiểu thuyết là những lời tâm sự đầy đau đớn của một cô gái mười chín tuổi trước những tổn thương, nghiệt ngã mà mạng xã hội đem đến cho bản thân, thứ ban đầu tưởng như đã cứu rỗi cuộc đời cô, thứ tưởng chừng như là phương thức duy nhất để khẳng định sự tồn tại của cô trong cuộc đời, thì nay lại là khởi nguồn đẩy cô vào bất hạnh.

Bìa sách
Bìa sách Em chỉ nói những điều họ muốn.

Em chỉ nói những điều họ muốn kể về Cọng Cọng – cô gái mười chín tuổi, xinh xắn, đáng yêu nhưng chất chứa tổn thương trong tâm lý. Cọng Cọng là nạn nhân của Cyberbullying –  bắt nạt trên không gian ảo, nạn nhân của những kẻ vô danh lúc nào cũng lăm lăm cầm smartphone, nạn nhân của một xã hội đầy những kẻ chỉ thích hóng thị phi và chỉ nghĩ đến quyền được nói của họ. Nghiệt ngã, đau đớn và vô cảm. Cô gái quyết định đáp trả cái xã hội ấy, theo một cách vừa bạo liệt, vừa bi thương, vừa quái dị.

Cuộc sống ngày nay đã trở nên thuận tiện hơn, chỉ với một cú click, tất cả các tiện ích đều bày ra trước mắt, muốn ăn, muốn uống, muốn sắm đồ gì cũng được. Nhưng sự bùng nổ của thời đại internet, sự phát triển chóng mặt của công nghệ đã vô tình tiếp tay cho Cyberbullying – nạn bắt nạt trên không gian ảo và tạo điều kiện để nó lan truyền một cách đáng sợ. Cô gái Cọng Cọng chính là nạn nhân của nó. Những tin đồn, những hình ảnh, bài viết được đăng lên khắp các trang mạng, dù trong đó có bao nhiêu phần trăm sự thật thì những kẻ “nhân danh công lý” , những “thẩm phán online” chẳng màng bận tâm. Bọn họ chỉ quan tâm đến quyền được nói của mình và quyền “trừng phạt cái xấu”.

Sự vô danh và vô tình trên mạng khiến con người cư xử vô cảm và độc địa, đến mức sẵn sàng hả hê trên nỗi nhục nhã của chính đồng loại mình. Khi không ai biết bạn là ai, khi không phải đứng đối diện nhau, khi không nhìn vào mắt nhau, con người sẵn sàng làm đau kẻ khác.

BTV

Cùng chuyên mục