Khánh Ly – 52 năm đời vẫn hát

Năm năm chính thức về hát ở Việt Nam với mấy chục show diễn khá liên tục ở mọi nơi, nhưng lần nào hát ở Sài Gòn cũng cho Khánh Ly nhiều cảm xúc nhất.

Thời gian diễn ra 2 đêm nhạc Vòng tay nhân ái chủ đề Người về bỗng nhớ (10,11/5) cũng là tròn 5 năm kỷ niệm Khánh Ly lần đầu tiên chính thức được cấp phép biểu diễn tại Việt Nam. Vòng tay nhân ái kỳ này cũng kỷ niệm gần 3 năm bà chính thức hát ở Sài Gòn. Và với tôi, đây là lần thứ 4 được xem Khánh Ly hát, từ các live show ở Đà Nẵng, Biên Hòa, Sài Gòn.

Đêm nhạc nhỏ nhiều cảm xúc

Đã được xem Khánh Ly hát ở sân vận động, trung tâm hội nghị, khách sạn… nhưng lần này, Khánh Ly hát trong một không gian khác hẳn, có lẽ là sân khấu nhỏ nhất trong các đêm nhạc chính thức của bà ở Việt Nam.

Khoảnh khắc Khánh Ly – khi bà phải ngưng phần biểu diễn chuẩn bị trước ,bài Ngủ đi con, trước khi bà thay thế bằng tiết mục Người mẹ Ô Lý.

Khán phòng nhỏ, chỉ hơn 200 ghế của sân khấu Idecaf, gần gũi và cho bà nhiều cảm xúc hơn. Cảm xúc khi nhắc đến những chuyện được mất, sống chết ở đời. Cảm xúc khi chia sẻ trước những thông tin truyền thông diễn đạt lại ý bà rằng có thể đây là live show cuối cùng, mà quên mất những ý nghĩa cần sự chiêm nghiệm đằng sau sự chia sẻ ấy. Khánh Ly luôn nhắc đi nhắc lại rằng, chuyện ngày hôm qua, ngày hôm nay tôi biết, nhưng ngày mai thì tôi không thể biết. Tôi như một cái đèn dầu, dù muốn dù không cũng đến lúc cạn tim, hết dầu, đợi không biết khi nào Chúa gọi tôi về. Cảm xúc khi đây là chương trình duy nhất bà hát nhiều ca khúc Da Vàng đến thế. Cảm xúc khi nữ ca sĩ kỳ cựu sau những lời giới thiệu, chuẩn bị vào nhạc thì phải ngưng ngang, thay bài ngay lập tức vì ban tổ chức thông báo tại chỗ bài hát đã xin phép, đã tập lâu nay là Ngủ đi con chưa được cấp phép biểu diễn trong chương trình. Thật lạ khi mới hơn một tháng trước, gia đình Trịnh Công Sơn đã xin phép cho nữ danh ca Nhật Bản Kato Tokiko được trình diễn bài này trong chương trình kỷ niệm 18 năm nhớ Trịnh Công Sơn tại Nhà hát Thành phố. Xa hơn nữa, Hồng Nhung cũng từng hát bài này trong một chương trình tưởng niệm Trịnh Công Sơn ở Bình Qưới, Thanh Đa!

Mùa thu năm nay, Diễm xưa tái ngộ xứ Phù Tang

Có một bài hát mà Khánh Ly luôn biểu diễn trong tất cả các đêm nhạc của mình ở Việt Nam, đó là Diễm xưa. Nhưng trong chương trình này, bà lại hát song ca với một ca sĩ không chuyên và người này đảm nhiệm tiếng Nhật. Nhưng có thể thấy là khi Mỹ Dung hát, những lời Nhật vẫn được Khánh Ly lẩm nhẩm theo và bà đã hát một đoạn tiếng Nhật ở cuối bài. Phần trình diễn này có lý do của nó.

Khánh Ly và tốp ca thiếu nhi biểu diễn bài Để gió cuốn đi.

Khánh Ly sắp sửa sang lại Nhật Bản, vào mùa Thu năm nay, sắp sửa gặp lại một người bạn thân vong niên, nữ danh ca huyền thoại Kato Tokiko của xứ Phù Tang. Kato Tokiko là người có công đầu trong việc hát và đưa nhạc Trịnh đến gần với công chúng Nhật. Trong lần sang Việt Nam mới nhất biểu diễn nhân dịp kỷ niệm 18 năm ngày mất Trịnh Công Sơn, bà đã  tiếc nuối không được hát cùng Khánh Ly như bà vẫn đinh minh khi nhận được lời mời.

Khánh Ly cho biết mình làm từ thiện từ 40 năm nay rồi. Nhưng lúc trước, không có phương tiện, nên chỉ biết đóng góp bằng tiếng hát, tham gia các chương trình thiện nguyện ở nhà thờ, nhà chùa… và nhiều năm qua, là chương trình Vòng tay nhân ái.

Bà Tokiko từng rất mong có dịp hát cùng Khánh Ly, sau khi Khánh ly đã lỗi hẹn làm khách mời trong live concert của bà 20 năm trước ở Đà Nẵng. Và tính từ lần đầu tiên gặp Khánh Ly ở Nhật năm 1980, trong dịp Khánh Ly sang Nhật biểu diễn ở festival âm nhạc châu Á, nỗi mong của bà cũng đã quá lâu. Khánh Ly cho biết, tháng 10 năm nay bà sẽ đi Nhật, sẽ đi qua nhiều nơi, sẽ gặp nhiều người, sẽ thăm nhiều chốn, và dĩ nhiên, sẽ hát, sẽ có tiết mục song ca cùng Tokiko. Bà sẽ hát lại Diễm Xưa, như đã từng gần 50 năm trước. Năm 1970, nhận được lời mời của đài truyền hình NHK, Khánh Ly sang biểu diễn ở Nhật Bản, bà đã ghi âm và trình diễn một số khúc nhạc Trịnh bằng cả hai thứ tiếng Việt và Nhật, trong đó có Diễm Xưa.

Khánh Ly bên cạnh một khán giả quen của mình, bị khiếm thị. Đây cũng là 1 trong số 50 khán giả từng nghe bà hát trong một đêm nhạc dành riêng cho trẻ em khiếm thị.

 Bây giờ thì hai nữ danh ca kỳ cựu Việt – Nhật ở tuổi thất thập cổ lai hi này sẽ có cơ hội gặp nhau và hát cùng nhau. Nếu có tiếc, là tiếc cho chuyến đi Nhật không có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ông đã lỡ hẹn trong một lần sang Nhật trước kia cùng Khánh Ly. Nếu có tiếc, là tiếng hát Khánh Ly vang lên khắp mọi miền đất nước, trong rất nhiều chương trình, nhưng vẫn chưa từng một lần nào trong các đêm nhạc do gia đình Trịnh Công Sơn thực hiện suốt 18 năm qua. – một điều quan trọng khiến cho các đêm nhạc Trịnh không được trọn vẹn ý nghĩa.

Mà như Khánh Ly nói, bà vẫn đợi một lời mời…

Bài & ảnh: Lê Minh Hạ

Cùng chuyên mục