Hiểu thế nào về quản trị kinh doanh, quản trị công ty và quản lý công ty?

Những khái niệm này cần được hiểu đúng để làm đúng!

Nhiều người thắc mắc làm thế nào để phân biệt giữa quản trị kinh doanh, quản trị công ty và quản lý công ty. Tại một buổi tọa đàm gần đây do TheLEADER tổ chức về chủ đề làm rõ các khái niệm quản trị, quản lý và lãnh đạo, tôi cũng đã chia sẻ quan điểm về các khái niệm này. Những chia sẻ của tôi dựa trên thực tế được thấy, được nghe, được đọc và được trải nghiệm trong thời gian làm quản lý, vận hành tại nhiều tập đoàn trong và ngoài nước.

Quản trị kinh doanh (Business Administration) là ngành học mà các sinh viên, đặc biệt các sinh viên MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh), học khá sâu về cách thức quản trị và quản lý một doanh nghiệp.

Trong chương trình quản trị kinh doanh, các sinh viên MBA quốc tế thường học cả các môn học về quản trị công ty (Corporate Governance), lẫn các môn học về quản lý công ty (Corporate Management).

Chuyên gia Nguyễn Hữu Long – Nhà sáng lập Group Phát triển doanh nghiệp Việt
Chuyên gia Nguyễn Hữu Long – Nhà sáng lập Group Phát triển doanh nghiệp Việt.

Quản trị công ty và các nguyên tắc quản trị công ty (gọi tắt là CGP) là những khái niệm rất quan trọng và phổ biến ở những công ty cổ phần, đặc biệt là những công ty đại chúng, công ty niêm yết, nơi có nhiều cổ đông (shareholders) tham gia và có nhiều mối quan hệ phức tạp với nhiều đối tượng liên quan khác (stakeholders).

Theo OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế), các nguyên tắc chính trong quản trị công ty bao gồm:

  1. Đảm bảo cơ sở cho một khuôn khổ quản trị công ty hiệu quả;
  2. Quyền của cổ đông và các chức năng sở hữu cơ bản;
  3. Đối xử bình đẳng đối với cổ đông;
  4. Vai trò của các bên liên quan trong quản trị công ty;
  5. Công bố thông tin và tính minh bạch;
  6. Trách nhiệm của hội đồng quản trị

Quản lý công ty là những hoạt động thông thường mà một CEO cần phải quan tâm như quản lý chiến lược (strategic management), thiết kế mô hình kinh doanh (business model), marketing, branding, sales, sản xuất (production), cung ứng (supply chain), nhân sự (human resources/human capital), tài chính (finance), kế toán (accounting), đầu tư (investment)…

Như vậy, có thể hiểu rằng hoạt động quản trị kinh doanh bao gồm và bao trùm lên cả hoạt động quản trị công ty lẫn quản lý công ty. Và quản trị công ty lẫn quản lý công ty đều là những phần không tách rời của hoạt động quản trị kinh doanh.

Nói vậy để hiểu rằng một doanh nghiệp chết như Món Huế, dù là do yếu tố quản trị công ty (vấn đề công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi cổ đông, nhà đầu tư…) hay yếu tố quản lý công ty (chiến lược, mô hình kinh doanh, marketing, sales, vận hành chuỗi cung ứng…) thì cũng là do QUẢN TRỊ KINH DOANH mà ra cả!

Hoạt động quản trị kinh doanh của một công ty bao gồm cả hoạt động quản trị công ty lẫn hoạt động quản lý công ty.
Hoạt động quản trị kinh doanh của một công ty bao gồm cả hoạt động quản trị công ty lẫn hoạt động quản lý công ty.

Hình minh họa ở trên cho chúng ta thấy quản trị kinh doanh (Business Administration) ở trung tâm bao gồm nhiều môn học, trong đó có cả quản trị công ty (Corporate Governance (trong khoanh bầu dục màu đỏ) và các môn quản lý công ty chung quanh.

Nếu không hiểu đúng nội hàm của quản trị kinh doanh, quản trị công ty và quản lý công ty, các thành viên hội đồng quản trị và các CEO có thể sẽ hành xử sai, bỏ sót, hoặc giẫm chân lên nhau trong hoạt động quản trị, quản lý, vận hành doanh nghiệp.

Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm trước cổ đông (tổ chức đại diện cao nhất là Đại hội đồng cổ đông) về toàn bộ hoạt động quản trị kinh doanh của công ty, bao gồm hoạt động quản trị công ty và hoạt động quản lý công ty. Tuy nhiên, từ chịu trách nhiệm toàn diện này, HĐQT sẽ phân lại cho CEO phần việc chủ yếu thuộc về hoạt động quản lý công ty, còn mình sẽ chịu trách nhiệm chính về các hoạt động quản trị công ty.

Tuy vậy, trong thực tế, luôn có sự chồng lấn và gắn kết giữa các hoạt động quản trị công ty và quản lý công ty. Do vậy, mặc dù được phân công chịu trách nhiệm chính ở mỗi mảng hoạt động, các thành viên HĐQT và CEO vẫn luôn phải trao đổi, bàn bạc và phối hợp với nhau trong hoạt động quản trị kinh doanh nói chung, chứ không phải lúc nào cũng rạch ròi và đổ lỗi trách nhiệm cho nhau.

Ví dụ, một CEO, dù chịu trách nhiệm chính về quản lý công ty, nhưng khi nhìn thấy những biểu hiện thiếu minh bạch trong hoạt động quản trị công ty, hay thấy có sự xung đột lợi ích giữa các cổ đông và các bên liên quan, cũng cần phải lên tiếng, báo cáo cho HĐQT.

Ví dụ CEO, không được tuyển người nhà, người thân và đưa vào nắm giữ các chức vụ chủ chốt về tài chính, như giám đốc tài chính, kế toán trưởng; không nên chấp nhận cho công ty có những giao dịch bất lợi với các công ty “sân sau” của các thành viên HĐQT hay các cổ đông lớn. Ngược lại, HĐQT cũng ngăn chặn lập tức những hoạt động quản lý của CEO vi phạm các nguyên tắc quản trị công ty, như biển thủ, hối lộ, thành lập các công ty sân sau để chuyển dịch các giao dịch làm lợi cho công ty sân sau của CEO…

Nguyễn Hữu Long

Theo theleader.vn

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Nguyễn Hữu Long – Nhà sáng lập Group Phát triển doanh nghiệp Việt 

Link nguồn: https://theleader.vn/hieu-the-nao-ve-quan-tri-kinh-doanh-quan-tri-cong-ty-va-quan-ly-cong-ty-1572850038941.htm

 

Cùng chuyên mục