Hai mươi năm bao giấc chập chờn…

Tối qua 8/9, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đó là một hành trình vừa đủ dài nhìn lại, để có những hành động kịp thời hơn cho chặng đường phía trước.

Đô thị cổ Hội An nhìn từ trên cao.

Tháng 12/1999, tại Hội nghị lần thứ 23 diễn ra tại thành phố Marrakesh (Morocco), Tổ chức Khoa học – giáo dục – văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đã vinh danh Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An là Di sản văn hóa thế giới.

Suốt 20 năm qua, là cả một quá trình rất chông gai cho công cuộc bảo tồn và khai thác những giá trị mà di sản đang còn hiện hữu trên đất Quảng. “Gian nan” nhất, là cách để cho người dân thấy khái niệm “di sản” là… một thứ gì đó không quá xa xôi, không quá cao siêu mà nó hiện diện trước mắt, rất gần gũi.

Mấy ý đó, đôi lần ngồi với ông Nguyễn Sự – nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, được ông đề cập tới, kiểu nhắc nhớ thuở hồng hoang bắt đầu làm du lịch từ những giá trị của di sản. Để thấy, làm gì thì làm, trước hết phải cho người dân hiểu rằng điều đó là trong tầm tay của mình; và cũng phải lưu ý, dân phải là đối tượng chính trong mạch di sản và hưởng lợi từ dòng nước mát này.

Chính vì vậy, mà Hội An đã xây dựng được cho mình một thương hiệu rất riêng và rất đáng trân quý, để khi muốn đi du lịch Quảng Nam, điều người ta nghĩ đến đầu tiên sẽ là Hội An. Nhờ hấp lực từ di sản, trong năm 2018, Quảng Nam đã đón hơn 6,5 triệu lượt khách; trong đó có khoảng 3,8 triệu lượt khách quốc tế, đứng thứ 4 trong số các địa phương thu hút khách quốc tế nhiều nhất cả nước.

Một trong những thành công của du lịch xứ Quảng, là ngoài phát huy, còn biết bảo tồn được những giá trị của di sản. Việc bảo tồn di sản không còn đơn thuần là chuyện của những người làm bảo tồn, mà nó còn nằm trong ý thức của người dân. Họ đã cùng bắt tay nhau giữ gìn vốn quý để trước mắt là cho mình, và sau này là cho con cháu. Để rồi từ di sản, đã có sự lan tỏa, kết nối mạnh mẽ ra khỏi phạm vi Hội An, phạm vi Mỹ Sơn, hay khỏi phạm vi tỉnh Quảng Nam kết nối với thế giới. Minh chứng là những chương trình, lễ hội như “Hành trình di sản”, “Con đường di sản thế giới”, các festival hưởng ứng các sự kiện APEC, lễ hội Việt – Nhật, Việt – Hàn, chương trình giao lưu văn hóa với Pháp, Đức… đã trở thành những thương hiệu được du khách quốc tế biết đến

Thiếu nữ trong trang phục Chăm ở Khu đền tháp Mỹ Sơn.

Tuy vậy, chúng ta cần phải nhận thấy rằng, vẫn còn đó những lo ngại về hai di sản này. Đối với Hội An, là sự tăng trưởng khá “nóng” về lượng khách du lịch, trong khi hạ tầng phục vụ không đuổi theo kịp. Trong khi đó, với Mỹ Sơn, chỉ riêng câu chuyện bảo tồn và trùng tu, đã khiến bao người giấc ngủ phải chập chờn trong suốt 20 năm qua. Nên trong lúc hoan hỉ này, cần phải giữ lại chút tỉnh táo cho chặng đường sắp tới, không phải làm du lịch theo kiểu chỉ chăm chăm cho lợi ích riêng.

Ở chặng đường sắp tới, tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý rằng, Quảng Nam cần phải tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch, triển khai hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn.

“Cần hướng đến những mô hình tăng trưởng bao trùm trong việc phát triển du lịch gắn với giá trị di sản; luôn gắn hài hòa giữa bảo vệ, phát huy giá trị di sản với việc nâng cao đời sống nhân dân, nhất là nhân dân sống trong vùng di sản” – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nhấn mạnh.

Và nếu làm được như vậy, những chập chờn của 20 năm qua, sẽ không còn về trong giấc ngủ của từng 20 năm tới…

Bài: Xuân Thọ

Ảnh: Mai Thành Chương

 

 

 

 

Cùng chuyên mục