Doanh nhân Đinh Thị Thu Hà: “Tôi có tham vọng tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng”

Thị trường camera ở Việt Nam vốn rất sôi động với nhiều nhãn hiệu trong và ngoài nước. Nhưng khi đi đường dài, thương hiệu nổi tiếng trong nước ngó quanh đã rơi rụng dần chẳng còn ai đủ tên tuổi uy tín, ngoài cái tên Vantech từ mười mấy năm nay.

Và người đầu tàu kéo cho thương hiệu đó đi bền, đi chắc không mệt mỏi bao năm nay chính là một người phụ nữ xứ Quảng dành hết cả thanh xuân để vun xới cho Vantech, có được như ngày hôm nay, chị Đinh Thị Thu Hà.

Người Hội An, học ở Đà Nẵng, tốt nghiệp cử nhân kinh tế, qua Mỹ 2 năm dự tính học thêm, không thích, rồi quay về, lập nghiệp ở Sài Gòn, kinh doanh cùng người khác làm về ăng ten truyền hình, rồi Hà tách ra. Chị làm riêng, một mình với thị trường camrera, từ cuối năm 2003.

Doanh nhân Đinh Thị Thu Hà.
Doanh nhân Đinh Thị Thu Hà.

Kiên trì một lối đi riêng

Hà kể: “Lúc ấy, thị trường camera rất ít nhà cung cấp, chỉ có một số thương hiệu lớn. Tôi nghĩ, bất kể đó là ngành nghề gì, tới một lúc nào đó sẽ có thương hiệu trong nước, và muốn có mặt một thương hiệu của mình. Vì suy nghĩ đó mà tôi chuyển hướng, bỏ hết những gì mình đang có. Tự mày mò để làm. Nếu nghĩ đến kết quả thì sẽ không bao giờ dám làm, xây dựng thương hiệu đâu. Khi mình muốn xây, phải vượt lên chuyện đặt nặng yếu tố lợi nhuận, thời gian, mới có thể xây dựng được. Không thể một hai năm xây dựng được thương hiệu. Nếu muốn vậy thì tôi đã chọn thương hiệu khác, hoặc làm nhà phân phối sẽ khỏe hơn rất nhiều.”

Hẳn là giai đoạn khởi nghiệp của chị, của Vạn Xuân cũng không hề suôn sẻ?

Giai đoạn đầu rất vất vả! Tôi chấp nhận tỉ lệ thành công gần như là do tự mình huyễn hoặc, tự mình đưa ra đốm sáng để cứu con đường mình khai phá, để mình cố mà đi, mặc dù mình không biết thực chất nó có đốm sáng hay không. Tôi có suy nghĩ hơi ngông, tại sao người ta làm được mà mình không làm được.

Tôi chịu khó lặn lội đi mọi ngóc ngách, tìm gặp tất cả các khách hàng, khi họ có nhu cầu mình hướng dẫn họ từ đầu. Cách làm của tôi là luôn hướng dẫn tận tình cho khách hàng, vì khách hàng, bán hàng bằng cái tâm của mình. Cái nào tốt thì nói tốt, cái nào không thì nói không, nên người ta rất tin tưởng mình.

Hướng đi của Vạn Xuân hình như luôn được giữ vững suốt từ những ngày đầu, khước từ không ít sự hợp tác có thể đem lại những lợi nhuận khủng. Chị không có lúc nào… đổi ý sao?

 Trong hành trình phát triển công ty, cũng có nhiều người muốn tham gia, nhưng không cùng tiêu chí kinh doanh, nên tôi vẫn quyết định đi một mình. Tôi cũng đã bỏ qua nhiều cơ hội hợp tác chỉ để giữ quan điểm kiên định từ đầu. Thí dụ như có người muốn góp vốn chỉ với đề nghị tỉ lệ lợi nhuận cao hơn sau mỗi tháng là được. Mình lại muốn làm thương hiệu, thậm chí lỗ vẫn làm, quan trọng là giữ thương hiệu mình được phát triển tốt, chứ không quan trọng chuyện một tháng kiếm bao nhiêu tiền. Làm sao để có những sản phẩm Made in Vietnam càng nhiều càng tốt, số lượng sản phẩm Made in Vietnam chiếm nhiều thị phần càng tốt, ra nước ngoài càng nhiều càng tốt. Tôi mong mỏi như vậy đó.

Như chị nói, thì có vẻ như doanh thu không phải là yếu tố quan trọng nhất khi chị gầy dựng cho Vantech một chỗ đứng như hiện nay?

Ngoài chuyện xây dựng thương hiệu, tôi không đòi hỏi lợi nhuận ngay khi kinh doanh Vantech, nếu vì lợi nhuận, tôi đã chọn thương hiệu khác.

Tôi không quan tâm đến tiền, chỉ làm những gì mình thích, cho dù có khó khăn thế nào hay cả khi thuận lợi cũng vậy. Nhưng tôi không phải kiểu quá ngông cuồng, rất biết lượng sức mình, tự tin khả năng của mình. Không thể nào đem đồng tiền đổ sông đổ biển. Nếu không có chiến lược rõ ràng phù hợp thì có ngàn tỉ cũng không ăn thua gì.

Hình như chị cũng rất quan tâm ý nghĩa xã hội của thương hiệu mình?

Thời điểm bây giờ, camera là ngành mà bắt buộc phải sử dụng phần mềm, tới một lúc, các công việc kinh doanh hiện tại không còn phụ thuộc vào phần cứng. Phần mềm mới quan trọng và quyết định giá thành camera. Thí dụ hệ thống camera hiện đại trị giá một triệu đô, nhưng nếu có phần mềm thông minh hơn, tiết kiệm chi phí, không cần sử dụng nhiều phần cứng rườm rà thì có thể giá chỉ phân nửa. Phần cứng ở đây hiểu là những phần để sản xuất ra máy. Theo xu hướng, camera không chỉ là một camera đơn thuần, mà sẽ cực kỳ quan trọng khi áp dụng AI – trí thông minh nhân tạo. Tôi tin nó sẽ mang nhiều ý nghĩa tích cực, như hỗ trợ an sinh xã hội chẳng hạn. Và tôi thấy vui khi mình cũng góp phần làm ra một sản phẩm mang ý nghĩa tích cực nào đó cho xã hội.

Trong kinh doanh luôn có sự cạnh tranh, đôi khi bằng mặt không bằng lòng, hay cả những chiêu trò không hay ho, nhưng chị lại nói Vantech thì đứng ngoài những chuyện ấy…

Tôi có thể tự tin nói rằng mình không có kẻ thù, kể cả với đối thủ cạnh tranh. Đối thủ cạnh tranh của Vantech vẫn không nói xấu mình, mà còn rất tôn trọng. Tôi quan niệm sự tồn tại của thương hiệu là do thị trường quyết định, mình không nên tận dụng triệt tiêu đối thủ. Khi mình thấy sản phẩm tốt khác xuất hiện trên thị trường, thì mình không lo lắng chuyện cạnh tranh mà xem đây là động lực tốt cho thị trường chứ nhỉ. Ai thành công trong kinh doanh cũng đều có cái hay của họ, đáng học hỏi, nhất là trong cùng lĩnh vực của mình.

Có thể xem rằng Vantech là cuộc chơi kinh doanh lớn nhất đời của chị?

Vantech chiếm 90 % thời gian của tôi nhưng đem lại 10 % lợi nhuận. Nếu nói tôi kinh doanh kiếm tiền thì đã không mở công ty Vantech và bền bỉ gầy dựng vun đắp nó mười mấy năm qua để làm gì. Cái quan trọng là thương hiệu Vantech trên thị trường.

Làm việc đủ đam mê sẽ không bao giờ mệt

Quan niệm của chị về việc kinh doanh?

Kinh doanh luôn luôn phải vận động, không thể để cho nhân viên vận hành còn mình thì đi cà phê gặp gỡ vui chơi, mà phải tính gần tính xa, ngắn hạn dài hạn, phương án dự phòng, tính cả những tình huống xấu nhất. Kinh doanh mà muốn suôn sẻ êm đềm thì đừng chọn công việc này. Mỗi ngày tôi đều phải giải một bài toán khó và giải cho xong.

Khi làm việc có đam mê đủ lớn sẽ không thấy mệt. Nếu mình làm không vì kiếm tiền là mục đích lớn nhất, thì sẽ không thấy mệt.

Làm nữ lãnh đạo một doanh nghiệp lớn thì có vất vả hay lợi thế hơn so với nam giới không, thưa chị?

Có cái khó khăn là với tâm lý Á Đông, có những lúc nhân viên không coi trọng bằng sếp nam. Nhưng bù lại, tôi nghĩ nữ làm lãnh đạo, sẽ có sự uyển chuyển, kiến thức tổng thể có lẽ tốt hơn chăng? Khi đứng đối diện trước một loạt chứng từ, nữ sẽ không bị rối hay thấy mệt. Tôi tin là các quý ông không thoải mái tí nào khi đứng trước một núi giấy tờ này nọ. Nữ cũng có lợi thế từ kỹ năng đàm phán, tốt hơn, không bị kéo theo cảm xúc, điềm tĩnh hơn. Thí dụ khi đàm phán, họ không bị cám dỗ tâm lý háo thắng chẳng hạn. Những thời khắc mang tính quyết định thì nữ lợi thế hơn. Thí dụ có 10 người đi mua 1 món hàng, mình có thể mua với giá tốt hơn 9 người còn lại.

Một doanh nghiệp kinh doanh thành đạt có khi phải hy sinh nhiều thứ?

Khi làm việc, tôi quên đi mình là ai. Mình có thể tan đi, nhưng thương hiệu thì vẫn phải tồn tại.

Một chân dung khác của nữ doanh nhân

Có vẻ như nữ giám đốc của Vạn Xuân không phải là người có quá nhiều nhu cầu trong đời sống?

Thực sự thì nhu cầu của tôi không cao. Tôi không bao giờ bận tâm trong đầu phải đi chỗ nào đó, ăn cái gì đó, mua gì đó, sở hữu một cái gì đó. Mình có thể ăn mì tôm cả tháng cũng chẳng sao.

Tôi thấy ở tầm tuổi chị, khi công danh sự nghiệp tài chính đã ổn định, người phụ nữ tuổi trung niên thường có xu hướng cho phép mình được hưởng thụ nhiều hơn?

Mỗi người một cách hưởng thụ. Nếu thời gian cho phép mình rảnh rỗi, tôi chỉ thích được về quê, đọc sách trong vườn, rồi… ăn khoai lang, mì tôm gì đó với bạn bè, người thân. Có thể gặp một bà già ở quê mà mình có quen biết trước đó, hai bà cháu ngồi nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, vậy mà thấy vui, hơn là ngồi cà phê hay ăn trong những nhà hàng sang trọng. Chỉ vậy thôi. Mình không có nhu cầu đi lại những chỗ xa hoa, sang trọng. Khi đi tiệc tùng, tôi là người chỉ thích ngồi quan sát mọi người hơn là làm một người nổi bật. Ăn mặc đẹp, thời trang cũng không thích. Anh biết không, 20 năm rồi tôi chưa hề đi du lịch ngày nào đấy.

Chị bảo rằng mình không đi du lịch, nhưng tôi lại thấy những chuyến ngược xuôi nhiều nơi xa, mà mới nhất là đi cứu trợ  Hà Tĩnh, Thanh Hóa… bị thiên tai. Có vẻ như chị chỉ đi xa vì những chuyến thiện nguyện, và có phải mình là một doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội?

Tôi luôn quan tâm đến cộng đồng. Làm từ thiện rất mất thời gian, nhưng đó là một nhu cầu tự nhiên của mình. Công ty tôi đi từ thiện suốt, nhưng lại không thích chuyện kể lể hay quảng bá rình rang những việc này. Cứ mỗi mùa miền Trung lũ lụt, mưa bão xong là thế nào chúng tôi cũng sẽ lại tham gia bằng cách này hay cách khác, bằng quà này hay quà khác tùy nhu cầu của người dân mỗi vùng mình sẽ đến. Mình làm trực tiếp, không cần thông qua đoàn thể nào cả, càng không có nhu cầu để nhận được bằng khen giấy khen làm gì.

Làm từ thiện, là chuyện do mình muốn làm hay không, chứ không thể chỉ chờ có lợi nhuận mới làm. Nếu tính lợi nhuận để đi làm từ thiện thì sẽ không làm nổi.

Tôi cũng có tham vọng là tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng. Tôi có một mơ ước, làm điều gì đó để vực dậy cộng đồng người dân tộc thiểu số. Tôi đặc biệt quan tâm đến họ. Tôi luôn đau đáu suy nghĩ không biết mình nên làm những gì để giúp đỡ họ, tìm kiếm mô hình phù hợp. Từ suy nghĩ tới thực tế còn cần phải có sự giúp sức của rất nhiều người để có thể đưa ước mơ mình gần tới tầm tay hơn.

Xin cảm ơn những chia sẻ chân tình của chị.

Là doanh nghiệp có mặt trên thị trường từ cuối năm 2003, đến nay Công ty Cổ phần Thương Mại Vạn Xuân là một trong những nhà sản xuất, cung cấp, thi công và lắp đặt các thiết bị hệ thống camera giám sát hàng đầu ở Việt Nam. Mỗi năm công ty cung cấp ra thị trường trên 2 triệu sản phẩm các loại mang thương hiệu Vantech.

Sản phẩm chủ yếu là camera, đầu ghi hình kỹ thuật số và các phụ kiện như card ghi hình, chân đế, bàn điều khiển, bộ chia hình… Camera Vantech do công ty Vạn Xuân phân phối có đủ các dòng công nghệ, đa dạng về tính năng và đáp ứng hầu hết như cầu thực tế của thị trường.

Sơn Trà (thực hiện)

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục