Dạo chơi trong vườn hoa diên vĩ

Ngay trong phần Thay lời tựa, Hồ Ngạc Ngữ đã có lời “phi lộ” về tác phẩm của mình: “Mỗi tập thơ là một khu vườn… Khi hoa diên vĩ nở (NXB Hội nhà văn, 2018) chỉ là một khu vườn bình dị, có thể bạn thường thấy ở nông thôn nhưng là một khu vườn bình an, của lòng yêu thương cuộc sống. Mời các bạn cứ thanh thản dạo chơi trong vườn”.

Bìa tập thơ Khi hoa diên vĩ nở
Bìa tập thơ Khi hoa diên vĩ nở

Tôi đã lang thang trong vườn hoa ấy. Tôi lơ ngơ, nhiều khi dừng rất lâu trước một cành hoa hay chỉ một bông hoa riêng lẻ với nhiều cảm xúc, sự đồng cảm và rồi bắt gặp con đường để đi vào thơ của anh: “Nếu không có yêu thương, thơ còn trong giấy trắng/ Ghi dòng chữ vu vơ tôi viết cho mình” (Nhìn lại con đường thơ).

Chính bài thơ này đã gợi mở lối vào vườn hoa diên vĩ chính là tình yêu, là lòng yêu thương của nhà thơ và của người đọc. Xuyên suốt tập thơ là một hồn thơ nhân hậu, sâu lắng, man mác nỗi buồn, nỗi lòng với quê hương đất nước. Hồ Ngạc Ngữ cứ lặng lẽ, từ tốn viết bằng những dòng thơ dung dị, gần gũi: “Đồng lúa, tiếng chim, con đường hoa dại/ Có đi đâu quên cũng không đành” (Hương xưa). Quê hương nhiều khi chỉ là nỗi buồn, nỗi nhớ: “Lục bình tím lênh đênh ngày xa xứ/ Trôi về đâu cũng tím một đời” (Quê nhà mây trắng).

Không phải chỉ quê hương mà những vùng đất anh qua như Nha Trang, Đồng Tháp, Cà Mau, Sài Gòn… đều in dấu trong thơ anh mà trong đó những câu thơ tạo cho tôi ấn tượng nhất bởi vì nó hơi lạ với một người có “trái tim mình như đứa trẻ mồ côi”: “Cuối đất phương Nam quần hùng đi biền biệt/ Chợ sớm chợ chiều còn những gã bán rong/ Ly rượu cạn hát bài ca vọng cổ/ Cà Mau ơi! Có còn lại gì không?” (Cà Mau). Và có những ám ảnh như một món nợ ân tình suốt một đời chẳng thể nào trả hết: “Anh nợ chùa xưa trang kinh chưa đọc/ Nợ buổi chiều quê sợi khói hoàng hôn/ Và có lẽ, nợ cánh hoa trước gió/ Một tình yêu, trong cõi vô thường” (Nợ). Lại có những lúc trên đường rong ruổi, một hình ảnh cô đơn như cánh độc hạc “Câu thơ ta viết cho ta đọc/ Tri âm còn một bóng trăng trong” (Uống rượu ở Bà Rịa).

Có buồn đấy, nhưng nỗi buồn trong thơ anh không bi lụy, nhận thức nỗi buồn là một phần của cuộc đời, anh đối diện và cảm nhận từ nỗi buồn những giá trị hết sức thú vị: “Không có đau thương, không hiểu được nụ cười/ Như những bông hoa sinh ra từ cỏ/ Vẫn đẹp lung linh những chiều tóc gió/ Đợi em về ngắm lại một vầng trăng” (Gởi phương xa).

Các nhà phê bình thường đi sâu vào giá trị nội dung, nghệ thuật, thi pháp, những ưu điểm và chỉ ra những hạn chế… của một tác phẩm. Tôi không phải là nhà phê bình mà chỉ là một người đọc đồng cảm, yêu thơ mà viết những cảm nhận riêng mình. Nhưng tôi nghĩ rằng một nhà thơ phúc đức lắm, tài hoa lắm mới có được vài bài để đời, trong một bài thơ có vài câu sống dài hơn đời nhà thơ là quý lắm và tôi đã bắt gặp những bài thơ, những câu thơ như vậy trong một khu vườn bình dị, một khu vườn bình an của lòng yêu thương cuộc sống khi dạo chơi trong vườn hoa diên vĩ của Hồ Ngạc Ngữ.

Dương Động Văn Hà

Theo Quảng Nam Online

 

Cùng chuyên mục